09/12/2014 19:28 GMT+7

Vì sao biết rõ "chuyện ấy" nhưng vẫn "dính chưởng"?

PHAN TUYẾT
PHAN TUYẾT

TTO - Năm nào cũng vậy, từ học sinh cấp II đến một số học sinh nữ cấp III quê tôi luôn phải nghỉ học giữa chừng vì mang bầu.

Tranh minh họa: Bích Khoa

Thường khi gia đình phát hiện thì cái thai đã quá lớn, ngành y cũng không thể can thiệp. Các em phải nghỉ học ở nhà sinh con.

Có em còn may mắn trở lại trường học tiếp nhưng phần lớn đành ở nhà ôm con và trở thành người mẹ đơn côi khi tuổi đời còn quá bé.

Vì đâu nên nỗi?

Trường đã quan tâm chuyện giáo dục giới tính

Không thể hoàn toàn đổ lỗi cho gia đình hoặc nhà trường khi trẻ bị gánh hậu quả vì đã yêu hết mình như thế.

Một thực tế cho thấy nhiều trẻ được giáo dục rất kỹ về “chuyện ấy” nhưng vẫn để lại nhiều hậu quả vô cùng đáng tiếc.

L. và H. là hai chị em ruột luôn được ba mẹ quan tâm, dạy dỗ cẩn thận. Ở lớp, các em là học sinh ngoan, gương mẫu. Trong mỗi buổi ngoại khóa của trường, của lớp, nhiều vấn đề về tình dục an toàn được các bạn đặt ra, H. còn tỏ ra hiểu biết giải đáp và tư vấn giùm.

Có ngờ đâu ngày H. cầm giấy báo trúng tuyển đại học cũng là ngày em phát hiện mình có thai hơn… ba tháng. Còn L., cô em gái nhỏ tuổi hơn đang là học sinh lớp 10, cũng phải nghỉ học ở nhà sinh con vì thai đã quá lớn.

Nếu vài năm trước đây hỏi học sinh về chuyện giới tính, các em phần lớn đều “gà mờ” thì giờ đây mọi việc đã đổi khác. Ngay từ lớp 5, các em đã được học về giáo dục giới tính, biết được vì sao có em bé hay làm gì để tự bảo vệ mình....

Các trường tiểu học hiện nay, ngoài kiến thức thầy cô giảng dạy trong sách giáo khoa theo chương trình bắt buộc, nhà trường còn thường xuyên xây dựng hẳn những chương trình ngoại khóa, giao lưu về giới tính riêng cho học sinh nam, học sinh nữ và tổ chức giao lưu chung cho cả nam và nữ. 

Trong các buổi giao lưu ấy, các em đã tỏ ra mạnh dạn hỏi thầy cô về một số vấn đề được coi là “nhạy cảm” như hôn nhau, nắm tay bạn khác giới có bầu không?... Lên cấp II, đặc biệt là cấp III, chuyện về giới tính được dạy nhiều hơn. Sau các giờ học các em còn biết tự tổ chức những chương trình ngoại khóa mà "thầy cô giáo" là những bác sĩ, nhà tâm lý có nhiệm vụ giải đáp những thắc mắc của học sinh.

Để hỏi: Em hiểu thế nào về tình dục an toàn? Phần lớn học sinh có thể nói một cách chính xác. Nhưng giữa sự hiểu biết với thực tế lại có khoảng cách vô cùng lớn. Nhìn lại những trường hợp các em dính bầu, nhiều em sống trong gia đình có sự giáo dục rất kỹ về tình dục.

Vậy nguyên do tại sao?

Yêu theo trào lưu, phim sex cũng là chuyện bình thường

Ở cấp III, các em phần lớn đã có người yêu: “Ai không có người yêu, các bạn chọc là bị ế đó mẹ -con gái tôi buồn buồn kể cho tôi nghe như vậy - Hôm nay mấy đứa trong lớp chọc con quá trời, chúng còn khích: đồ bỏ đi mới không ai nhìn ngó, nghĩ mà tức, nhưng chúng nó đông con nói không lại”.

Nhiều học sinh chỉ lo học nhưng lại sợ bạn bè trêu chọc nên cũng “yêu” cho có phong trào, cho “bằng chị bằng em”.

Vào giờ tan học của một trường cấp III, nếu đứng ở quầy thuốc trước cổng trường sẽ không khó khăn gì nhìn thấy cảnh những cô cậu học sinh mặt mũi non choẹt vào hiệu thuốc mua thuốc tránh thai với nét mặt bình thản như mua một liều thuốc cảm cúm.

Có trường hợp một học sinh lớp 8 khi được nhà trường mời phụ huynh lên thông báo em có bầu, ba em khăng khăng không thể có chuyện đó vì: “Đi học tôi chở nó đến tận trường, lúc về cũng đón tại cổng…”.

Nhưng gia đình đâu thể ngờ cô bé tranh thủ cúp tiết để đi “tâm sự” với người yêu. Có thể nói, trẻ thích tìm kiếm thông tin trên mạng về những “cảnh yêu” để bắt chước. Có một thầy giáo đến tiệm điện thoại để cài nhạc, khi về mở điện thoại ra thầy mới tá hỏa vì rất nhiều phim sex được cài vào đấy.

Điều đáng suy nghĩ là người cài những đoạn phim vào máy cho thầy lại chính là cậu học trò lớp 9 thầy đang dạy học.

Khi được hỏi vì sao còn nhỏ mà đã xem những cảnh phim như thế, thật hồn nhiên, cậu học sinh nói với thầy: “Cũng bình thường thôi mà thầy, giờ ai mà chả xem, nhất là mấy đám choai choai”.

Yêu sớm, yêu nhiều, cộng với tư tưởng “chuyện ấy” giờ cũng bình thường thôi, nên trẻ thường yêu “thả phanh” mà không có sự đề phòng gì cả.

Nhà trường, gia đình đôi khi bị oan vì không dạy kỹ và tư vấn cho các em về giáo dục giới tính, để nhiều em gánh hậu quả.

Nhưng chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” như thế, nhiều em học mà không hành chỉ vì các em có lối sống thoải mái và luôn quan niệm chuyện ấy cũng bình thường thôi.

     

PHAN TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên