Ngày 5-5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã gửi đơn kêu cứu của Công ty Xây dựng công trình 545 - chủ đầu tư trạm thu phí BOT Điện Thắng Trung - tới Sở Giao thông vận tải, UBND thị xã Điện Bàn để nghiên cứu, tham mưu hướng xử lý.
Doanh nghiệp nói địa phương từng cam kết không mở khu dân cư sát trạm BOT
Trong đơn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam, Công ty Xây dựng công trình 545 cho biết doanh nghiệp thực hiện BOT Điện Thắng Trung từ giữa năm 2014, thời gian tính hoàn vốn từ 2016.
Vị trí đặt trạm trên quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Doanh nghiệp BOT lại gửi đơn cầu cứu vì xe ùn ùn né trạm thu phí để đi đường dân sinh
Trong thời gian đầu, khoản thu hoàn vốn tương đối ổn định, đảm bảo thanh toán các khoản nợ gốc, lãi vay ngân hàng theo phương án tài chính đã ký với Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên từ năm 2018, thu phí thực tế qua trạm sụt giảm liên tục. Nguyên do là việc miễn giảm giá vé đối với các phương tiện giao thông trên khu vực theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, phương án tăng giá vé theo quy định trong hợp đồng ba năm một lần chưa được cho áp dụng.
Mặt khác tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào khai thác cũng khiến lượng xe qua quốc lộ 1 giảm.
Theo Công ty 545, vấn đề khiến thu phí sụt giảm nghiêm trọng nhất là việc hình thành các hạ tầng khu dân cư mới, đường ngang dân sinh theo quy hoạch của thị xã Điện Bàn đoạn gần trạm thu phí.
Khi mở các khu dân cư thì hình thành các tuyến đường dẫn đến xe cộ khi tới gần trạm thì chạy vòng tránh né việc đóng phí.
"Trong khi đó, trước khi đầu tư dự án thì nhà đầu tư cũng đã làm việc với địa phương việc lựa chọn vị trí đặt trạm. Địa phương cũng thống nhất là sẽ đặt xa khu dân cư và không trúng vùng quy hoạch" - Công ty 545 nêu ý kiến.
Kêu cứu nhiều lần, chính quyền hỏi nhưng dân không đồng ý, nay lại kêu cứu
Doanh nghiệp này cho biết đã nhiều lần gửi văn bản từ trung ương tới địa phương để kêu cứu. Nhưng tới nay vẫn chưa có phương án cụ thể nào để hướng xe vào trạm BOT.
Hiện nay nguồn thu của dự án sụt giảm tới 90% so với phương án tài chính trong hợp đồng. Thu hằng ngày không đủ trả lãi ngân hàng, doanh nghiệp cũng không có kinh phí duy tu bảo dưỡng, sửa chữa toàn tuyến đang khai thác.
Dự án có nguy vỡ phương án tài chính do thời gian thu phí kéo dài, doanh nghiệp đối diện mối lo phá sản.
Từ thực tế trên, Công ty 545 đề nghị tỉnh Quảng Nam có giải pháp chỉ đạo, xử lý để hạn chế xe đi vòng mà không hướng vào trạm BOT của doanh nghiệp này.
Sau khi nhận được đơn kiến nghị, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, UBND thị xã Điện Bàn nghiên cứu, có ý kiến giải quyết.
Đây không phải lần đầu chủ đầu tư BOT Điện Thắng Trung gửi đơn kêu cứu vì quá sốt ruột khi thấy xe cộ đi đường vòng né trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1. Mới nhất, đầu năm 2024 doanh nghiệp này cũng đã gửi đơn với nội dung tương tự.
Sau khi tiếp nhận đơn, thị xã Điện Bàn cùng đơn vị quản lý đường bộ, doanh nghiệp cùng đại diện khu dân cư đã trực tiếp khảo sát vị trí dải phân cách đặt trước và sau trạm BOT.
Nhận thấy việc đóng dải phân cách để buộc xe phải vào trạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng ngàn người dân sống ở các khu dân cư hai bên trạm thu phí nên chính quyền đã họp lấy ý kiến bà con. Kết quả, 100% ý kiến đại diện người dân không đồng tình đóng dải phân cách.
Mọi việc về lại vị trí cũ. Cảnh ùn ùn xe vòng trạm cả đêm lẫn ngày, trong khi trạm thu phí đón lõng trên quốc lộ lại vắng hoe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận