14/10/2013 08:05 GMT+7

Về với đất mẹ - cuối cùng và mãi mãi

Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ tại Quảng Bình
Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ tại Quảng Bình

TT - Đón Đại tướng về đất mẹ Quảng Bình, niềm thương đau của người dân hiện diện trên từng gương mặt trong cả biển người đứng bên đường hơn 60km từ sân bay Đồng Hới ra tới vũng Chùa, từ lúc chiếc máy bay chở linh cữu Đại tướng hạ cánh cho đến lúc nắng tắt trên núi Thọ.

SZaNjTZG.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và gia quyến tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Nguyễn Á

17g ngày 13-10, những tia nắng cuối ngày trượt dài trên mái Thọ Sơn, rọi ánh sáng lấp lánh xuống biển vũng Chùa. Những vốc đất cuối cùng cũng đã khỏa đầy trên huyệt mộ. Từ phút này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh viễn ngủ yên trong lòng đất mẹ Quảng Bình. Sinh ra ở Lệ Thủy, mảnh đất cực nam quê nhà, giờ ông về lại nằm ngay rặng núi địa đầu phía bắc, nơi đèo Ngang của dải Trường Sơn lan ra biển giăng bày thế trận.

15km biển người tiếc thương trên quốc lộ 1

Đầu giờ chiều, khi đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng vừa ra khỏi sân bay Đồng Hới thì một dòng người, dòng xe đưa tiễn cũng đã hòa theo tạo thành một dòng chảy kéo dài đến 15km trên quốc lộ 1. Phải nhích lên từng chút. Xe đưa linh cữu Đại tướng đã ra tới nơi an táng vũng Chùa mà đoàn xe đưa tiễn vẫn còn ở cầu Gianh, thuộc địa phận xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch. Trung tá Bùi Quang Thanh, trưởng Phòng CSGT Công an Quảng Bình, nói: “Lòng người dân cả tỉnh, cả nước đã hướng về Đại tướng lớn như vậy thì kẹt xe trên đường đưa tiễn Đại tướng là điều khó tránh khỏi. Nhưng ai cũng vui lòng khi được tiễn biệt Đại tướng một đoạn đường”.

Hơn 15g tại vũng Chùa, khi đoàn xe chở linh cữu Đại tướng vừa xuất hiện phía xa xa thì có một người phụ nữ òa khóc nức nở. Bà không phải là người nhà, cũng không phải bà con thân thích của Đại tướng, bà khóc vì được thỏa lòng mong mỏi sau chặng đường dài từ Điện Biên vào đây. Bà tên Nguyễn Thị Hương Liên, 60 tuổi, nhà ở ngay chân đồi A1, thuộc phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, vùng đất gắn liền với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm xưa. Bà cũng từng là bộ đội chống Mỹ. Đã hai lần bà được gặp, được chụp ảnh chung với Đại tướng. Bà quyết định phải vào bằng được vũng Chùa để gặp Đại tướng lần cuối. Vậy nên từ Điện Biên về tới Hà Nội sáng 12-10, bà đã bắt tiếp xe khách để vào Quảng Bình. Đến đèo Ngang lúc 3g ngày 13-10, bà ngồi ở chân đèo đợi đến sáng để đi vào khu an táng viếng Đại tướng. “Chỉ cần có mặt ở đây là đã thỏa lòng” - bà Liên nói.

R3l5nwXm.jpg
Những giọt nước mắt tiễn đưa của người dân Quảng Bình khi đoàn xe chở linh cữu Đại tướng đi qua - Ảnh: Nguyễn Thành

Di sản tình quân dân

Về tiễn đưa Đại tướng lần cuối, bên vùng đất vũng Chùa có đông đủ đại diện lực lượng hải - lục - không quân, những người lính truyền nối qua bao thế hệ của Đại tướng. 200 người lính hải quân của Bộ tư lệnh Vùng 3 hải quân đã vượt qua quãng đường hơn 330 cây số từ Đà Nẵng ra tận vũng Chùa để tham gia đội hình đại diện cho lực lượng hải quân đưa tiễn Đại tướng. Giọng một chỉ huy nói với một người sĩ quan dưới quyền khi vừa lên tới khu vực tập kết các lực lượng đại diện: “Cậu lái xe từ 3g sáng sao không ở lại xe nghỉ đi để chiều đưa anh em vào?”. Tiếng người sĩ quan: “Báo cáo thủ trưởng, em vẫn dự và vẫn đảm bảo lái được an toàn ạ!”. Người vừa trả lời là thượng úy Trương Minh Đức, sĩ quan lái xe của Vùng 3 hải quân. Anh cho biết đội hình đi viếng Đại tướng với 200 người đi trên tám ôtô của Vùng 3 hải quân xuất phát lúc 3g sáng. Ra tới vũng Chùa lúc 10g và tập kết về đây, buổi tối sau lễ tiễn đưa Đại tướng, anh và đồng đội sẽ trở lại Đà Nẵng. “Được đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng là một vinh dự, huống nữa mình là một người lính” - thượng úy Đức nói.

Gặp thiếu tướng Nguyễn Chí Hướng, phó tư lệnh Quân khu 4, đã hơn một tuần nay lăn lộn tham gia chỉ đạo việc chuẩn bị đón thi hài Đại tướng về với vũng Chùa, hỏi ông về những vất vả của người lính trong những ngày qua, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa gió tầm tã, thiếu tướng Hướng nói: “Hôm qua thấy mưa to, anh em quyết định đi làm cái khung lọng bọc vải để che trên linh cữu Đại tướng phòng khi mưa to. Anh em đi làm về kể: May cái lọng che linh cữu xong, người thợ may cương quyết không chịu lấy tiền! Xe cộ của anh em lính điều động phục vụ tang lễ mấy ngày qua, ra tiệm rửa xe bà con biết xe phục vụ lễ tang Đại tướng cũng quyết không lấy tiền, còn bảo: Có xe nào bẩn mang ra rửa cho sạch đẹp để đi đón Đại tướng về quê”. Ai cũng nhận ra vẻ đẹp của tình quân dân riêng có ở nước Việt, tình quân dân ấy cũng là một di sản có được từ tinh thần, từ trái tim và tầm vóc của Đại tướng để lại cho toàn quân, toàn dân.

Dd47CO8p.jpgPhóng to
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước ra tận cửa máy bay tiễn đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Quảng Bình - Ảnh: Võ Văn Thành
K8JcHksY.jpg
Đưa linh cữu Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng ở vũng Chùa - Ảnh: Nguyên Linh

Cùng mây trắng về quê mẹ

Xuyên qua từng lớp mây trắng, linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên trời trong chiếc chuyên cơ đặc biệt (mang số hiệu VN 103 lấy theo tuổi thọ Đại tướng) rời Hà Nội lúc 10g25 sáng.

Trước đó, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đưa tiễn linh cữu Đại tướng ở sân bay Nội Bài. Đội tiêu binh bước trên thảm đỏ, bằng những động tác nghiêm trang di chuyển linh cữu từ cỗ linh xa lên chuyên cơ đặc biệt, giữa hàng quân danh dự.

Quân nhạc cất lên nhịp điệu trầm hùng.

Lần lượt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh... cúi mình trước linh cữu. Đại tướng Phùng Quang Thanh - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đôi mắt đỏ hoe, kính cẩn giơ tay chào trước linh cữu người anh cả của quân đội. Cạnh đó, trung tướng Đồng Sĩ Nguyên bước chậm đến bên linh cữu và đứng lặng hồi lâu.

Bốn người con của Đại tướng cùng lên chuyên cơ đặc biệt với linh cữu, người con trai cả ôm chặt trước lồng ngực chiếc mũ màu trắng của cha mình. Những người khác trong gia quyến Đại tướng và Ban tổ chức lễ quốc tang lên chiếc chuyên cơ thứ hai (mang số hiệu VN 1911 theo năm sinh của Đại tướng) cùng vào Quảng Bình. Máy bay đã cất cánh nhưng dưới kia dòng người đưa tiễn vẫn còn chắp tay hướng theo. Trên chuyên cơ, nhiều người gạt nước mắt khi ai đó nhắc chuyện chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp, mấy chục năm trước, lần đầu tiên vượt chặng đường thiên lý từ miền Trung ra Hà Nội, và giờ đây Đại tướng đang trở về quê mẹ lần cuối.

Sau hơn 40 phút bay trên biển Đông, hai chiếc chuyên cơ hướng về đất liền, hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới.

Đại tướng đã về.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đêm yên nghỉ đầu tiên của Đại tướng"Biển dân" Quảng Bình đón Đại tướng về nơi an nghỉĐại tướng Võ Nguyên Giáp và bản Hiến pháp đầu tiênTriển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên GiápĐại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang TháiXem ảnh đời thường Đại tướng Võ Nguyên GiápCuộc đời đại tướng qua ảnhXem truyền hình trực tiếp lễ truy điệuXem đầy đủ nội dung lễ truy điệu và di quan Đại tướngVideo clip đưa linh cữu Đại tướng ra sân bay Nội Bài

Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ tại Quảng Bình
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên