23/10/2023 15:01 GMT+7

Ưu tiên vốn cấp bách ngăn sạt lở đất chín rồng

Sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra nóng bỏng, Chính phủ đã chi 4.000 tỉ đồng để cấp bách ngăn sạt lở, bảo vệ sản xuất và cuộc sống người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy các địa phương cần làm gì để phòng chống sạt lở hiệu quả?

GS.TS Trần Đình Hòa - Ảnh: H.T.DŨNG 

GS.TS Trần Đình Hòa - Ảnh: H.T.DŨNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS.TS Trần Đình Hòa - giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam - người có nhiều năm nghiên cứu giải pháp chống sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long - cho biết vấn đề xói lở bờ sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn liền, quan hệ chặt chẽ và gần như đồng thời với việc bồi tụ, sạt lở bờ biển. 

Có rất nhiều yếu tố tác động đến quá trình bồi tụ hay sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, các yếu tố chính mang tính quyết định bao gồm: Chế độ dòng chảy, hàm lượng vật chất lơ lửng trong dòng chảy (phù sa, bùn cát), hình thái lòng dẫn (hình thế, đáy và bờ lòng dẫn).

Không thể khai thác cát quá mức và khai thác thiếu quy hoạch

* Một trong những nguyên nhân sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là khai thác cát quá mức, nhất là khi các tỉnh đang cần cát cho xây dựng các công trình cao tốc trọng điểm. Theo ông, cần cân bằng việc này thế nào để không phải trả giá đắt trong thời gian tới?

- Cát nói chung và cát sông nói riêng là một tài nguyên. Tài nguyên phải được khai thác, sử dụng mới phát huy giá trị. Dòng sông cũng cần phải được khơi thông, cát cũng cần phải được khai thác để sử dụng. Đây cũng là tuân theo quy luật tự nhiên và nhu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên không thể khai thác quá mức và khai thác thiếu quy hoạch.

Thực tế, do các tác động tự nhiên và con người, hiện đang có sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa lượng bùn cát đến và lấy đi trên hệ thống sông, kênh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ càng trở nên trầm trọng khi nhu cầu ngày càng tăng cao, trong khi lượng bổ sung ngày càng giảm sút.

Các điểm sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long - Nguồn: Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam

Các điểm sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long - Nguồn: Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam

Do vậy, về khai thác cát cần phải có một chương trình nghiên cứu đầy đủ làm cơ sở cho việc quy hoạch các vị trí mỏ, trữ lượng và hạn mức khai thác hợp lý trên các dòng sông, kênh. 

Về sử dụng cát, cần có những hướng dẫn, khuyến nghị, quy định sử dụng đối với từng loại bùn cát được khai thác để sử dụng tối ưu theo mục đích sử dụng. 

Về kết cấu, xây dựng công trình, bên cạnh việc nghiên cứu, tìm kiếm các vật liệu thay thế cát, cũng cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu các giải pháp kết cấu mới, các vật liệu mới nhằm hạn chế, giảm thiểu sự phụ thuộc vào vật liệu cát.

Chúng ta cần có một giải pháp mang tính tổng thể, đa ngành, đa mục tiêu, dài hạn cho vấn đề này. Vì đây không chỉ là chuyện thiếu cát - thiếu vật liệu xây dựng, mà còn là vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển và lớn hơn là hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ưu tiên xử lý các điểm sạt lở ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và dân sinh

Trước thực tế sạt lở nghiêm trọng, Chính phủ đã chi 4.000 tỉ đồng để các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cấp bách ngăn sạt lở. Theo ông, các địa phương nên tận dụng nguồn vốn này thế nào để ngăn sạt lở cao nhất?

- Trong bối cảnh hiện nay, việc Chính phủ bố trí ngay 4.000 tỉ để giải quyết cấp bách sạt lở cho Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và cũng cho thấy tính chất, mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng của nó đối với sự phát triển bền vững của vùng.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam (thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch và bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, làm mất đất, hư hỏng cơ sở hạ tầng, suy thoái rừng ngập mặn. 

Tính đến thời điểm này tại 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tổng số 596 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài hơn 804,4km (bờ sông 548 điểm/582,7km, bờ biển là 48 điểm/221,7km). 

Với mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm 99 điểm/214km (bờ sông 74 điểm/99,1km, bờ biển 25 điểm/114,9km); sạt lở nguy hiểm 150 điểm/241,4km (bờ sông 137 điểm/193,2km, bờ biển 13 điểm/48,2km)...

Do vậy, ưu tiên trước mắt vẫn là lựa chọn đầu tư cho các điểm sạt lở có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng; tính mạng người dân; di tích lịch sử, trung tâm chính trị, văn hóa; trường học, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dân sinh xã hội quan trọng...

* Thưa ông, nhiều ý kiến lo ngại rồi đây sẽ có một loạt công trình bê tông khắp nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long và sẽ lãng phí khi làm công trình ở những nơi chưa cần thiết?

- Cần phân biệt rõ việc Chính phủ bố trí 4.000 tỉ đồng là để "xử lý cấp bách" sạt lở cho giai đoạn hiện nay sau chuyến kiểm tra thực trạng sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Thủ tướng. Với mục đích "xử lý cấp bách", nên có lẽ sẽ không có nhiều sự lựa chọn đối với các giải pháp xây dựng công trình.

Vấn đề rất quan trọng tôi muốn nhấn mạnh là sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long mang tính toàn diện, tổng thể, nhân - quả. 

Khi chúng ta can thiệp, xây dựng công trình, làm biến đổi dòng chảy trong sông hay bờ biển ở bất cứ địa phương nào thì đều có ảnh hưởng nhất định đến khu vực, địa phương khác trong vùng. 

Do đó, khi xem xét đầu tư, xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tùy vào tính chất, quy mô của từng công trình cần phải được xem xét, tính toán một cách toàn diện, tổng thể.

Sạt lở đê Biển Tây thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sạt lở đê Biển Tây thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau - Ảnh: CHÍ QUỐC

Có thể là giải pháp công trình trong trường hợp bắt buộc, không còn giải pháp nào khác; giải pháp phi công trình hoặc giải pháp công trình mềm (di dời, ngăn ngừa, giảm thiểu sạt lở). 

Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển là vấn đề khó và phức tạp, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tế và quy luật tự nhiên, phù hợp cho từng vùng mới phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

* Tại Việt Nam mà cụ thể hơn là Đồng bằng sông Cửu Long, viện của ông và các nhà khoa học đã có các giải pháp nào đã và đang được thực hiện chống sạt lở hiệu quả?

- Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam trong suốt chặng đường hơn 60 năm xây dựng và phát triển đã nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao rất nhiều giải pháp, công nghệ xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước, bảo vệ bờ sông, bờ biển nói chung và cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Đối với các công trình bảo vệ bờ sông, do đặc điểm, điều kiện tự nhiên các sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường rất sâu, dòng chảy 2 chiều, đất ven bờ có cấu trúc đất mềm yếu. Do đó, tùy thuộc vào tính chất và quy mô sẽ có các giải pháp đơn giản, rẻ tiền, bán kiên cố cho đến các giải pháp kiên cố, bền vững.

Giải pháp, kết cấu, công nghệ thường gặp là tường chắn bằng rọ đá, đá hộc xây hay cọc bản bê tông cốt thép loại nhỏ. 

Các công trình kiên cố, thường được áp dụng cho các khu vực sông đang bị uy hiếp bởi dòng chảy có vận tốc lớn trong điều kiện sông sâu nhằm bảo vệ nhà cửa, cơ sở hạ tầng thuộc địa phận các thành phố, thị xã, khu dân cư, công trình quan trọng. 

Một số giải pháp công nghệ đã được nghiên cứu áp dụng trong trường hợp này như: tường cừ dự ứng lực, tường cừ kết hợp mái nghiêng bằng thảm đá, tường cừ thẳng đứng, kết hợp chân khay và mái bê tông cốt thép, kết cấu cừ kết hợp thảm bê tông, thảm cỏ…

Đối với các công trình bảo vệ bờ biển thì trong 10 năm gần đây có nhiều giải pháp, công nghệ bảo vệ bờ đã được nghiên cứu, áp dụng. 

Từ giải pháp giảm sóng xa bờ như Geotube, đê trụ rỗng, đê Busadco, kết cấu rỗng TC2; các giải pháp, công nghệ giảm sóng gây bồi, tạo bãi như hàng rào tren chữ T, công nghệ trồng cây chắn sóng dạng GIZ; đê giảm sóng xa bờ hai hàng cọc ly tâm kết hợp đá đổ… 

Các giải pháp này, kết hợp giải pháp trồng cây giảm sóng đã mang lại hiệu quả đa mục tiêu cho vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Cần tạo "không gian sinh tồn" cho người dân ven sông, biển bền vững

Mới đây Bộ trưởng Lê Minh Hoan có đề xuất từ nay trở đi các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long nên tổ chức lại không gian sống, không gian sản xuất, kinh doanh của người dân, dần dần rời khỏi các khu vực bờ sông để tránh sạt lở. Quan điểm của ông về việc này ra sao, thời điểm này đã phù hợp?

- Tôi rất tâm đắc và ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, khi đề xuất từ nay trở đi phải hạn chế chất tải ở khu vực ven sông bằng việc quy hoạch các khu công nghiệp và phải tổ chức lại không gian sống, không gian sản xuất, kinh doanh của người dân, dần dần rời khỏi các khu vực bờ sông để tránh sạt lở trong buổi làm việc của Thủ tướng với 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa rồi.

Tập quán sinh sống ven sông rạch của người dân Đồng bằng sông Cửu Long được cho là một trong những nguyên nhân làm bờ sông, kênh, rạch quá tải, gây ra sạt lở - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tập quán sinh sống ven sông rạch của người dân Đồng bằng sông Cửu Long được cho là một trong những nguyên nhân làm bờ sông, kênh, rạch quá tải, gây ra sạt lở - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tôi nghĩ đề xuất này với mục tiêu cuối cùng là tạo ra được một "không gian sinh tồn" cho người dân, doanh nghiệp sinh sống và sản xuất ven sông, biển một cách bền vững. 

Cụ thể, trên hệ thống sông, kênh khu vực ven sông lớn, trục chính từng bước bố trí lại dân cư, có đất cho bãi sông, đường, đê cho nâng cấp sau này. 

Quản lý chặt chẽ đất đai, hành lang ven sông, kênh rạch; chống xâm lấn kênh rạch, đặc biệt nơi có nguy cơ sạt lở, các tuyến tiêu thoát quan trọng.

Còn đối với không gian ven biển thì quản lý các khu vùng đệm, đới bờ biển (rừng, hạ tầng). Tăng cường giám sát, cảnh báo, thiên tai từ biển (triều cường, nước dâng do bão,…).

* Nhưng cũng có ý kiến nói sẽ khó vì tập quán bao đời nay người dân Nam Bộ luôn bám bờ sông theo kiểu "trên bến dưới thuyền", nay dời đi sẽ không hề đơn giản, thưa ông?

- Bây giờ nếu chúng ta thực hiện tốt được việc bố trí không gian sống dần dời xa sông như tôi nói ở trên thì sẽ giải quyết được những lo lắng, trăn trở của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và người dân. 

Những lo lắng này là có cơ sở khoa học và thực tiễn, rất phù hợp với quy luật tự nhiên, thực tiễn đời sống và xu thế của thời đại. Điều này cũng đúng với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, thể hiện rõ trong nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

4.000 tỉ đồng ngăn sạt lở miền Tây4.000 tỉ đồng ngăn sạt lở miền Tây

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 4.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL để bố trí cho các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên