15/11/2013 06:12 GMT+7

Tuổi thơ mong manh - Kỳ cuối: Vẫn còn có ngày mai

ĐOÀN BẢO CHÂU
ĐOÀN BẢO CHÂU

TT - Giờ trưa, nhà hàng Koto Saigon đông kín khách, nhìn các đầu bếp và nhân viên phục vụ thoăn thoắt làm việc một cách chuyên nghiệp, ít người có thể nghĩ những đứa trẻ này trước đây từng một thời “tung hoành ngang dọc” trên đường phố hoặc có hoàn cảnh gia đình nhiều ngang trái.

Kỳ 1: Cạm bẫy đường phố Kỳ 2: Không còn gì để mất? Kỳ 3: “Bài học” trên vỉa hè

o2T2sJs0.jpgPhóng to
Học nghề trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn là lựa chọn của nhiều trẻ em đường phố - Ảnh: Bảo Châu

Cánh cửa Koto

Tất cả các bạn đều rất lễ phép và trao đổi đầy tự tin, vui vẻ với khách hàng và đồng nghiệp bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Ngoài giờ học ở nhà hàng, các bạn cùng chung sống với nhau trong một nhà và tự chăm sóc, nấu ăn, giúp đỡ lẫn nhau.

“Làm nghề bếp yêu cầu rất cao, em cũng hay nóng tính nhưng còn phải làm gương cho các em nên em đã tự kiểm soát được bản thân tốt hơn”, Nguyễn Văn Công (20 tuổi) cho biết. Theo chị Nguyễn Như Ngọc (phụ trách truyền thông Koto ở khu vực phía Nam): “Hầu hết các em khi mới vào Koto đều có tâm lý tự ti, mặc cảm, luôn lo sợ, bất an và rất dễ nổi giận với người khác. Tuy nhiên, thời gian trong và sau khi học ở Koto các em đã tự tin hơn, có khả năng giao tiếp và tự chăm sóc bản thân tốt hơn”.

Điều này xuất phát từ chính những giờ học tại Koto, không chỉ dạy nghề và tiếng Anh, các giờ học về kỹ năng sống, từ chăm sóc bản thân, kiến thức giới tính đến quản lý chi tiêu cá nhân cũng chiếm một thời lượng lớn.

Anh Nguyễn Văn Chiến (27 tuổi), nay là quản lý thu ngân tại nhà hàng và từng là trẻ đường phố từ năm 12 tuổi, kể lại: “Thời gian sống trên đường phố đã khiến tôi hình thành một bản năng tự vệ rất mạnh mẽ, lúc nào cũng có ý nghĩ ai đánh mình thì mình phải chặt tay người đó. Khi vào Koto, bài học kỹ năng đầu tiên tôi được dạy là phải biết kiềm chế cơn nóng giận. Khi giận, mình có thể vào phòng riêng gào thét tức tối cỡ nào cũng được nhưng khi ra ngoài phải hòa nhã, vui vẻ”.

Từ mô hình đào tạo hiệu quả này, khởi phát chỉ với chín học viên là các em trẻ đường phố, đến nay thông qua các nguồn trẻ đường phố từ nhà mở, mái ấm, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng, Koto đã đào tạo được hơn 500 em có bằng cấp quốc tế về ngành nhà hàng khách sạn, nhiều em hiện đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn lớn, thậm chí tự mở nhà hàng cho mình.

Cùng với Koto, nhiều dự án khác hiện nay cũng đang triển khai để hỗ trợ việc làm - “chiếc cần câu cơm” lâu dài cho các em như dự án Tương lai (hợp tác giữa Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM và Tổ chức Terre des Hommes Foundation của Thụy Sĩ), Saigon Children Charity.

Tuy nhiên, việc giữ chân các em, đảm bảo cho các em gắn bó, chịu khó và ở lại học cho đến ngày ra nghề vẫn luôn là một thách thức không nhỏ với tất cả các dự án vì “bản thân các em mỗi ngày đã quen với đời sống tự do bay nhảy, muốn làm gì cũng được, kiếm được nhiều tiền.

Giờ phải ngồi trong lớp, không có đồng ra đồng vào cho bản thân và nhất là cho gia đình, rất khó để các em làm quen và đặc biệt là gia đình chấp nhận cho các em đi học, nhiều gia đình thậm chí còn tìm mọi cách cho các em nghỉ học, về nhà đi làm nuôi cha mẹ”, một giáo dục viên cho biết.

nzZJWAWp.jpgPhóng to
Các học viên nhà hàng Koto trong giờ học tiếng Anh giao tiếp - Ảnh: Bảo Châu

Học ngay trên đường phố

Cái bàn con, chừng chục cái ghế trong quán cà phê cóc, vậy là đã có một buổi truyền thông về kỹ năng sống trên đường phố do các giáo dục viên của nhóm công tác xã hội Cây Mai tổ chức cho các em hiện đang sống trên đường phố.

Các buổi truyền thông đã được các giáo dục viên khéo léo lựa chọn hoàn toàn cách xa công viên, chợ búa, những địa bàn mà các em vẫn thường xuyên làm việc, để có được sự tập trung cao nhất của các cô bé, cậu bé này.

Không bảng đen, phấn trắng, buổi học bắt đầu bằng những câu hỏi: “Khi có ai đó kêu em cho họ sờ vào bộ phận sinh dục của các em, rồi họ sẽ mua vé số, lúc đó các em sẽ làm gì?”, “Em nghĩ quyền trẻ em là gì?“... Còn đối tượng lớn hơn là các em thanh thiếu niên, các câu hỏi cũng được thay đổi với nội dung trực diện hơn: “Con nghĩ quan hệ tình dục sẽ có hậu quả như thế nào?”.

“Bị HIV!”, một em nói. Em khác tiếp lời: “Có bầu”. Im lặng. Giáo dục viên bắt đầu giải thích. Vài tiếng “À!” bật ra. Lát sau, các em bắt đầu tự tin, cởi mở hơn để hỏi thêm những thắc mắc khác, rồi kể lại những tình huống của mình cho mọi người cùng “rút kinh nghiệm”.

Bên cạnh đó, các giáo dục viên còn trực tiếp hướng dẫn cho các em cách sử dụng bao cao su đúng cách để phòng tránh nguy cơ bị nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, về tác hại của các chất gây nghiện...

Lúc ở quán cà phê, lúc ở công viên, những buổi truyền thông lưu động ngoài trời này đã từng bước mang đến những kiến thức quý báu về kỹ năng sống cho trẻ em đường phố.

Từ chỗ rất mù mờ về các kiến thức sức khỏe tình dục, giờ các em đã biết thế nào là kỹ năng từ chối khi có người dụ dỗ, rủ rê mình đi chơi, kỹ năng tự bảo vệ khi gặp phải các tình huống dễ bị xâm hại, phòng tránh thai khi quan hệ với người yêu...

Bên cạnh các buổi truyền thông nhóm nhỏ, nhóm còn thực hiện các buổi truyền thông 1-1 qua các buổi tiếp cận cá nhân với trẻ. Một mặt giáo dục viên có thể nắm bắt được kiến thức của trẻ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, mặt khác giáo dục viên cũng có thể chia sẻ thêm các kiến thức mới hoặc điều chỉnh lại kiến thức cho trẻ.

Các buổi truyền thông này xuất phát từ thực tế “trẻ em đường phố rất thiếu thốn tình cảm và sự chỉ bảo của người thân trong gia đình, mọi người xung quanh cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm và nhất là các em cũng không được trang bị kỹ năng sống trên đường phố để có thể tự bảo vệ và chăm sóc bản thân.

Điều này khiến các em rất dễ trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn, phá thai, thậm chí có con nhỏ khi ở độ tuổi 12-13, bị rủ rê sử dụng chất gây nghiện dẫn đến nguy cơ bị lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục”, chị Lương Hồng Loan (giáo dục viên đường phố nhóm công tác xã hội Cây Mai) cho biết.

Máy chiếu bật mở, trên màn hình là bộ phim hoạt hình Cậu bé ngoan, nói về câu chuyện một cậu bé trên đường phố bị những người đàn ông lạ dụ dỗ và xâm hại. Sau khi xem xong phim, bằng những câu hỏi khéo léo, gợi mở, nhân viên xã hội dần hướng dẫn cho các em hiểu như thế nào là xâm hại tình dục và làm thế nào để có thể phòng tránh khi có người lạ tiếp cận mình.

Bên cạnh phim Cậu bé ngoan, các em cũng rất thích thú khi được cùng với các nhân viên xã hội thảo luận về nội dung bộ phim Cô con gái, nói về việc bị xâm hại tình dục trong gia đình và Lá đỏ về nạn buôn bán trẻ em.

Đây là trọn bộ giáo trình truyền thông phòng chống xâm hại tình dục mà Tổ chức Stairway Foundation (Philippines) đã chuyển giao cho mái ấm Hoa Hồng Nhỏ - nơi nuôi dưỡng trẻ em nữ có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Hiện bộ giáo trình này đã được biên soạn lại và triển khai rộng rãi theo từng điều kiện khác nhau, theo dự án của Tổ chức phi chính phủ Dynamo (Bỉ) kết hợp với Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM.

ĐOÀN BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên