16/10/2023 10:32 GMT+7

Truyền hình trả tiền trong nước giữa 'sóng dữ'

Tháng 4-2023, Netflix nộp đơn xin chính thức hoạt động tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Điều này khiến không ít doanh nghiệp trong nước đau đầu.

Ông Trần Văn Úy, chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền, phát biểu trong hội thảo - Ảnh: Hoàng Trang

Ông Trần Văn Úy, chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền, phát biểu trong hội thảo - Ảnh: Hoàng Trang

Tìm cách tồn tại, cạnh tranh với "ông trùm" Netflix sao đây? Không chỉ Netflix, hiện Việt Nam đang có năm doanh nghiệp nước ngoài tham gia lĩnh vực này (ba doanh nghiệp Trung Quốc và hai doanh nghiệp Mỹ). Năm doanh nghiệp này hiện hoạt động dịch vụ xem phim theo yêu cầu.

Doanh thu giảm

Trong hội thảo giao ban công tác quản lý hoạt động dịch vụ phát thanh truyền hình giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình vừa diễn ra ngày 13-10, có nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh vấn đề này.

Thông tin từ hội thảo cho biết hiện Việt Nam có 64 đài địa phương, hai đài quốc gia, năm đơn vị hoạt động truyền hình, một đài truyền hình kỹ thuật số.

Hoạt động kinh tế của các đài truyền hình đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Doanh thu quảng cáo các đài sáu tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái sụt giảm từ 30 - 50%. Sự sụt giảm này kéo theo nhiều hệ lụy.

Mảng dịch vụ truyền hình trả tiền hiện có 35 đơn vị cung cấp với tổng cộng 191 kênh truyền hình trong nước, 45 kênh nước ngoài.

Việc kinh doanh ở các doanh nghiệp lĩnh vực này có phần khả quan hơn. So với chín tháng năm 2022, năm 2023 khối dịch vụ truyền hình trả tiền có tăng tưởng dù con số rất khiêm tốn 1,4%. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đã đạt 18,6 triệu trên cả nước.

Hình ảnh phim Hướng gió mà đi - phim Trung Quốc có “đường lưỡi bò”

Hình ảnh phim Hướng gió mà đi - phim Trung Quốc có “đường lưỡi bò”

Truyền hình trả tiền - cánh tay nối dài của nhà đài

Cũng trong hội thảo, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp đề nghị nên có sự hợp tác phối kết hợp giữa các doanh nghiệp kinh doanh OTT với các đài truyền hình.

Theo thông tin từ Viettel, video ngắn đang trở thành xu hướng nội dung trên mạng xã hội với con số bất ngờ "khủng" là 97% người dùng Internet xem video ngắn.

Thời lượng xem video ngắn trên TikTok trung bình mỗi người mỗi ngày là 46 phút. Rõ ràng người xem truyền hình truyền thống ngày càng có xu hướng chuyển dịch sang xem trên OTT, YouTube cùng các mạng xã hội khác.

Doanh thu từ truyền hình truyền thống chủ yếu đến từ quảng cáo. 

Do sự dịch chuyển hành vi xem của người dùng nên nguồn doanh thu này bị suy giảm về lâu dài. 

Quảng cáo dịch chuyển từ truyền hình truyền thống sang mạng xã hội có phát các video ngắn.

Thống kê của Statista cho biết doanh thu quảng cáo truyền hình truyền thống giảm mạnh từ 225 tỉ USD (2013) xuống còn 160 tỉ USD (2020), tương đương giảm 41%.

Trong khi đó, quảng cáo trên các nền tảng OTT video tăng trưởng mạnh từ 30 tỉ USD năm 2013 lên 177 tỉ USD năm 2022, tương đương tăng gấp sáu lần.

Dù vậy, truyền hình được đánh giá với ưu thế "uy tín, nội dung sạch" các nội dung của các đài truyền hình vẫn luôn được xem nhiều và chắc là còn "sống lâu" dù có "sóng dữ".

Đơn giản như con số so sánh một nội dung "hot" khi đưa lên truyền hình bán quảng cáo thu khoảng từ 400 - 600 triệu đồng/slot khung giờ vàng. Cùng một nội dung "hot" đó, khi cắt clip đưa lên mạng xã hội, doanh thu quảng cáo chỉ đạt khoảng 40 đồng/view.

Vì vậy, các doanh nghiệp OTT tiếp phát sóng kênh hoặc chương trình của các đài truyền hình trên OTT không làm suy giảm giá trị quảng cáo của đài, thậm chí còn tăng giá trị quảng cáo.

Bên cạnh đó nếu có sự phối hợp trong việc bảo vệ bản quyền nội dung trên mạng, hình thành cơ chế phối hợp để cùng mua chung sự kiện thể thao văn hóa thời sự lớn thì hiệu quả kinh doanh sẽ tốt hơn, bền vững hơn.

Việc dần có thêm các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh lĩnh vực truyền hình vào hoạt động tại Việt Nam kéo theo sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ đang rất cần chiến lược rõ ràng và mong đợi sự minh bạch.

Thiệt hại của doanh nghiệp không thể bằng thiệt hại quốc gia

Tháng 7 vừa qua, bộ phim truyền hình Trung Quốc Hướng gió mà đi bị buộc phải gỡ khỏi nền tảng của FPT Play và Netflix tại Việt Nam sau khi Cục Điện ảnh gửi công văn yêu cầu với lý do bộ phim đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam khi một số hình ảnh trong phim xuất hiện "đường lưỡi bò".

Có doanh nghiệp đặt câu hỏi rằng việc tiêu hủy phim như vậy có là lãng phí, gây thiệt hại cho doanh nghiệp? Ông Đỗ Quốc Việt - phó cục trưởng Cục Điện ảnh - đã đáp thẳng thắn: "Thiệt hại doanh nghiệp không thể bằng thiệt hại quốc gia".

Luật Điện ảnh trao cho các doanh nghiệp quyền tự kiểm duyệt, tổ chức phổ biến, tự phân loại và chịu trách nhiệm với phim phát hành trên mạng. Từ trường hợp cụ thể của bộ phim Hướng gió mà đi và những phim sai phạm trước đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thật thận trọng trong việc thẩm định để mua phim nước ngoài phát hành trên nền tảng OTT của mình.

Tương tự khi các doanh nghiệp xuyên biên giới vào kinh doanh ở Việt Nam thì điều này càng cần thận trọng hơn.

Sau truyền hình trả tiền sẽ là đọc báo mạng trả tiền?Sau truyền hình trả tiền sẽ là đọc báo mạng trả tiền?

TTO - Đến cuối năm 2021, theo một số liệu, gần 70% tổng số hộ gia đình cả nước (xấp xỉ 17 triệu thuê bao) đã sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, dù nhiều năm trước ít ai chấp nhận chuyện trả tiền để được xem truyền hình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên