10/08/2023 08:24 GMT+7

Trung Quốc gặp 'cú sốc giảm phát'

Nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào giảm phát sau khi giá tiêu dùng lần đầu tiên giảm kể từ đầu năm 2021.

Khách hàng chọn rau tại một siêu thị ở huyện Bình Ấp, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) vào ngày 10-7 - Ảnh: Tân Hoa xã

Khách hàng chọn rau tại một siêu thị ở huyện Bình Ấp, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) vào ngày 10-7 - Ảnh: Tân Hoa xã

Theo số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào ngày 9-8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI - thước đo lạm phát chính) tại nước này trong tháng 7-2023 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đi ngang trong tháng 6.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI - thước đo chính về giá xuất xưởng) của Trung Quốc cũng giảm 4,4% ở cùng giai đoạn, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp.

Nhiều tin xấu liên tục

Đây là dấu hiệu rõ nhất cho thấy những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đối mặt trong khi nỗ lực vực dậy tiêu dùng trong nước.

Ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng chuyên về Trung Quốc tại Ngân hàng Morgan Stanley, nhận định: "Chắc chắn Trung Quốc đang giảm phát. Câu hỏi là bao lâu. Điều đó tùy thuộc vào việc các nhà hoạch định chính sách có phản ứng bằng cách dùng cả chính sách nới lỏng tiền tệ và tài chính hay không".

Nền kinh tế Trung Quốc đón nhận các tin xấu liên tiếp trong vài ngày qua.

Hôm 8-8, số liệu mới cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 7 của nước này giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ ba giảm liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất trong 3 năm qua.

Các dữ liệu dự kiến công bố vào tuần tới sẽ cung cấp bức tranh tổng quan về kinh tế Trung Quốc trong tháng 7, bao gồm sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ.

Trung Quốc đang trải qua giai đoạn "vật giá xuống thang" hiếm hoi do nhu cầu thị trường yếu đi sau khi bùng nổ vào quý 1-2023 (nhờ chấm dứt chính sách zero COVID). Thị trường bất động sản suy yếu kéo dài, xuất khẩu sụt giảm và chi tiêu của người dân giảm sút đang khiến quá trình phục hồi kinh tế ì ạch hơn.

Nhà kinh tế học Andrew Batson tại Gavekal Dragonomics cho rằng những bất ổn hiện nay ở bất động sản - lĩnh vực từ lâu đã chiếm 1/4 GDP Trung Quốc - là "nguồn gốc chính" cho "cú sốc giảm phát".

Tình hình ở Trung Quốc trái ngược với Mỹ và các nước châu Âu, những nơi lạm phát cao liên tục và phải tăng lãi suất nhiều lần để kiềm chế. Trong khi lạm phát tiêu diệt sức mua thì giảm phát lại là điều tồi tệ cho tăng trưởng.

Nguồn: Bloomberg, NBS - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: Bloomberg, NBS - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: TUẤN ANH

Chuyên gia Trung Quốc lạc quan

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2023 là 5%, mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Ban đầu mục tiêu này được coi là thận trọng, nhưng dữ liệu sụt giảm liên tục trong nhiều tháng qua đã làm tăng thêm tâm lý bi quan về triển vọng tăng trưởng. Trong năm nay, kinh tế Trung Quốc trong quý 2 chỉ tăng 0,8% so với quý 1.

Theo báo Financial Times, kể từ khi mở cửa lại sau dịch COVID-19, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cố gắng củng cố niềm tin công chúng bằng các giải pháp như giảm lãi suất và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Nhưng đến nay họ vẫn chưa đưa ra gói kích thích quy mô lớn nào. Tình trạng giảm phát có thể sẽ buộc chính phủ nước này phải tung ra nhiều gói kích thích thêm nữa.

Ông Eswar Prasad, chuyên gia tài chính tại Đại học Cornell (Mỹ), nhận định: "Nền kinh tế Trung Quốc hiện có nguy cơ nghiêm trọng trượt vào giai đoạn giảm phát, châm ngòi cho vòng xoáy đi xuống về tăng trưởng và niềm tin ở khu vực tư nhân.

Chính phủ Trung Quốc cần hành động nhanh chóng và dứt khoát để tạo nền tảng cho tăng trưởng và hạn chế giảm phát trước khi vấn đề vượt quá tầm kiểm soát".

Tuy nhiên theo Thời báo Hoàn Cầu, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng không có rủi ro giảm phát trong cả năm 2023 tại Trung Quốc do giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng trong quý 3-2023, đồng thời nhiều chính sách kích cầu sẽ được triển khai.

Trả lời Thời báo Hoàn Cầu ngày 9-8, nhà phân tích kinh tế vĩ mô Wang Qing tại Công ty Golden Credit Rating International nói mức tăng CPI âm nói trên rất có thể chỉ là "hiện tượng tạm thời".

Dự báo bức tranh cả năm 2023

Ông Wu Chao Ming, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chasing, cho rằng CPI tháng 7 của Trung Quốc có thể sẽ là mức thấp nhất trong năm nay. Ông dự đoán sự phục hồi của giá năng lượng và sự ổn định của giá thịt heo sẽ đẩy CPI tăng lên.

Ông Wu tin tưởng CPI cả năm của Trung Quốc sẽ quay lại mức bình thường khoảng 2%. Theo dữ liệu của NBS, CPI trung bình từ tháng 1 đến tháng 7-2023 tại Trung Quốc tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trào lưu "nằm dài" của giới trẻ Trung Quốc lên tầm cao mớiTrào lưu 'nằm dài' của giới trẻ Trung Quốc lên tầm cao mới

Trong các chuyến du lịch 'gây bão' trên mạng xã hội, nhiều người chỉ làm đúng một điều suốt hành trình của mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên