02/06/2023 08:40 GMT+7

Trồng lúa lãi cao nhờ 3 giảm

Trồng lúa chất lượng cao không phải chuyện mới với Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cái mới là lần này Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng thành đề án, đặt ra nội dung "tăng trưởng xanh", tạo điều kiện cho nông dân sản xuất ổn định, có lãi.

Trồng lúa lãi cao nhờ 3 giảm - Ảnh 1.

Nông dân An Giang thu hoạch lúa - Ảnh: BỬU ĐẤU

Kỹ sư, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của gạo ST25 ngon nhất thế giới năm 2019 - đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về Đề án xây dựng 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long mà Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chuẩn bị trình Thủ tướng. 

Ông Cua nói: Những thống kê quốc tế về xuất khẩu gạo của Việt Nam cho thấy giống lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ trọng rất áp đảo, trong đó nhóm nếp mềm và gạo Japonica chiếm 18%, gạo thơm nhẹ chiếm 57%...

* Ông kỳ vọng gì với đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao này?

Trồng lúa lãi cao nhờ 3 giảm - Ảnh 2.

Ông Hồ Quang Cua

- Tôi rất kỳ vọng vào đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao lần này bởi đề án nhắm đến "tăng trưởng xanh", với mục tiêu giúp cho thu nhập người nông dân tăng lên và ổn định. Theo đó, đề án giúp nông dân đủ sức ứng phó với những tình huống khó khăn nhờ có tiềm lực, có tiền.

Đề án cũng đặt ra vấn đề giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón, giảm mật độ sạ (kỹ thuật 3 giảm 3 tăng có lồng vào), kể cả giảm nước tưới thông qua giải pháp rút khô giữa mùa và đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính...

Đây có thể được xem là dự án đầu tiên trên thế giới quy mô 1 triệu héc ta đặt tới vấn đề tiến tới bán khí thải. Dù chỉ là những vấn đề trong tương lai, nhưng rất tiến bộ về khoa học, về môi trường, nói chung là giúp cho đời sống có một không gian ít những hóa chất.

* Những điều gì của đề án cần điều chỉnh, thưa ông?

- Qua nghiên cứu đề án này, tôi thấy dù có đề cập việc sử dụng sản phẩm sinh học hữu cơ để giúp dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa nhưng vẫn rất chung chung, chưa có định lượng một cách cụ thể, chưa đưa ra giải pháp. 

Với mục tiêu hướng đến tăng trưởng xanh, theo tôi, đề án cần đặc biệt quan tâm đến các giải pháp sinh học nhằm góp phần ổn định tăng trưởng xanh.

Thời gian qua, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ phận nghiên cứu sinh học của Trường ĐH Cần Thơ đã nghiên cứu và chế ra sản phẩm sinh học để bảo vệ thực vật và sinh học dinh dưỡng cây trồng rất hiệu quả nhưng chưa được lưu ý sử dụng. 

Do chưa có sự quan tâm nên những chế phẩm sinh học này đều trong giai đoạn sản xuất thử, không được cấp phép bán, mà sản xuất thử sao làm lớn được. Do vậy, theo tôi, phải tạo điều kiện cho các cơ sở nêu trên được chính thức khai thác kinh doanh những thành tựu này.

* Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật để thúc đẩy tăng trưởng xanh, khâu giống cũng quan trọng không kém quyết định đến sự thành bại của đề án?

- Lâu nay Việt Nam làm rất tốt khâu sản xuất giống lúa khi liên tục đưa ra những giống lúa mới thay thế. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng giống lãng phí, có sự đứt đoạn trong chuỗi cung ứng giống, Thái Lan sẽ chiếm lĩnh ngay. 

Đơn cử như giống nàng hoa có lúc sử dụng 30% trong cơ cấu giống, giờ còn 6% tức là do mình không kiểm soát được chất lượng giống.

Giống OM 5451 có lúc được trồng tới một nửa diện tích của vùng, nhưng giờ còn 8% trong cơ cấu giống, chưa kể giống OM 4900 cũng "biến mất", trong khi đây là loại giống từng rất "hot". Điều đó cho thấy nếu Việt Nam không quản lý được công tác giống, để giống thoái hóa, càng lúc càng mất mùi thơm và càng khô cơm hơn, khách hàng sẽ bỏ. 

Do đó, theo tôi, công tác quản lý giống, đặc biệt giống mềm, giống thơm... cần được cải tổ một cách triệt để, mới duy trì được vùng lúa chất lượng cao.

Giảm mạnh thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học

Dự thảo của đề án nêu rõ mục tiêu của chương trình là nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả cao, góp phần phát triển Đồng bằng sông Cửu Long bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2025, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1 triệu héc ta, sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa, với lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%.

Cụ thể, sẽ giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học 30%, giảm lượng nước tưới 30%. Tỉ lệ diện tích ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, bao gồm GAP và tương đương được công nhận, được cấp mã số vùng trồng... đạt 80%.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long):

Phải đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ

Theo quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tới năm 2030 sẽ giữ lại 1,2 - 1,4 triệu hecta đất trồng lúa, nên chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao mà Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đặt ra là hợp lý. Tuy nhiên, để chương trình này thành công, trước hết cần bố trí theo lợi thế sinh thái. Trong đó, với các vùng ngọt lợ luân phiên, cần đầu tư vào mô hình lúa - tôm.

Những diện tích đất lúa không hiệu quả cần chuyển đổi cây trồng khác, không cứng nhắc đeo đuổi đất lúa. Trên cơ sở đó, cần phải tập trung theo hướng trồng lúa đặc sản chất lượng cao, theo thị trường.

Đặc biệt, phải có giải pháp giúp nông dân giảm giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận trồng lúa. Hệ thống hạ tầng thủy lợi, giao thông nông thôn cũng phải được đầu tư đồng bộ, nhằm tạo thuận lợi cho việc tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, tổ chức nông dân trên cánh đồng lớn...

'Nông dân trồng lúa lời 100%': Nhiều bạn đọc nói 'không đúng thực tế'

Đa số bạn đọc gửi phản hồi về Tuổi Trẻ Online cho rằng báo cáo của Bộ Công Thương nói nông dân trồng lúa lời 100% là không đúng thực tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên