29/10/2023 08:43 GMT+7

Trò "ảo thuật" thổi giá chứng khoán của Trịnh Văn Quyết

Cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị truy tố với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán nhằm thu lời 723 tỉ đồng và chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng với chiêu tăng khống vốn điều lệ.

Cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị truy tố hai tội danh - Ảnh: B.N.

Cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị truy tố hai tội danh - Ảnh: B.N.

Ngày 28-10, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết về tội danh thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trịnh Văn Quyết "thổi giá" cổ phiếu thu lời 723 tỉ đồng

Theo kết luận, ông Trịnh Văn Quyết là người sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần chứng khoán BOS và 50 công ty khác. Ông Quyết từng hai lần bị xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động chứng khoán.

Trong hơn bốn năm (từ tháng 6-2017 đến tháng 1-2022) ông Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân của 45 người, thành lập đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán nhằm thao túng, "thổi giá" cổ phiếu.

Theo chỉ đạo của ông Quyết, các nhân viên thuộc Công ty cổ phần chứng khoán BOS đã cấp khống hạn mức cho các tài khoản do bà Huế quản lý với tổng số tiền hơn 170.000 tỉ đồng.

Huế đã sử dụng các tài khoản này mua năm mã cổ phiếu gồm: FLC, AMD, HAI, ART và GAB để tạo cung cầu giả nhằm thao túng. Cơ quan điều tra cáo buộc khi giá của năm mã cổ phiếu trên được "thổi" lên cao, theo chỉ đạo của Quyết, Huế đã bán ra thị trường giúp anh mình thu lợi 723 tỉ đồng.

Ngoài ra, kết luận nêu ông Quyết còn chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty con, sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để "làm giá".

Những cá nhân này thông đồng với nhau liên tục mua bán mã cổ phiếu FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao.

Việc tạo cung cầu giả của nhóm này đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1-12-2021 liên tục tăng, thậm chí tăng "trần" nhiều phiên và phiên tăng "trần" cao nhất là 24.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu FLC đã được nhóm của Quyết làm "ảo thuật" tăng hơn 64%.

Sau khi giá cổ phiếu FLC được "thổi" lên cao ngất ngưởng, ông Quyết đã chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu.

Tổng số cổ phiếu FLC nhóm của ông Quyết bán ra đã khớp lệnh là 74,8 triệu, với giá trung bình 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán "chui", không công bố trước khi thực hiện giao dịch.

Tổng số tiền ông Trịnh Văn Quyết thu về sau khi bán "chui" cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, mục đích hưởng lợi bất chính hơn 530 tỉ đồng.

Tuy nhiên ngay sau khi xảy ra việc bán "chui" cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn tiền.

Kết luận nêu với số tiền 723 tỉ đồng thu lời, ông Quyết đã sử dụng để mua cổ phần một số công ty, trả nợ và chi tiêu cá nhân.

Tăng khống vốn điều lệ chiếm đoạt 3.600 tỉ đồng

Theo kết luận điều tra, ông Quyết biết việc nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FCL Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán và vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên ông Quyết vẫn chỉ đạo một số người thân và thuộc cấp thực hiện việc góp vốn khống bằng cách ký khống các chứng từ.

Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, tiền thân là Công ty xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỉ đồng.

Quy mô vốn này được giữ nguyên trong hơn ba năm tiếp theo. Tuy nhiên chưa tới hai năm sau đó, từ 2014 - 2016 ông Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros.

Thời gian này, thực tế các cổ đông chỉ góp gần 1.200 tỉ đồng vốn điều lệ vào Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros.

Cơ quan điều tra cáo buộc khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, ông Quyết đã bán, chiếm đoạt 3.600 tỉ đồng là tiền của các nhà đầu tư. Theo kết luận điều tra, ông Quyết có vai trò chủ mưu, cầm đầu, vừa là người thực hiện.

Ông Quyết đã thực hiện nhiều lần "với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thu lợi bất chính đặc biệt lớn" và "làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thị trường chứng khoán, gây bức xúc cho xã hội".

Hai em gái ông Quyết cùng bị đề nghị truy tố

Cùng hai tội danh thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố hai em gái ruột ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga (nguyên thành viên hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS) và Trịnh Thị Minh Huế (nhân viên kế toán thuộc ban kế toán Công ty cổ phần Tập đoàn FLC). Bà Hương Trần Kiều Dung, cựu phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, cũng bị đề nghị truy tố hai tội danh này.

Cũng trong vụ án, 17 người khác gồm nhiều nhân viên thuộc FLC, cựu lãnh đạo, nhân viên công ty con thuộc FLC cũng bị đề nghị truy tố.

Ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo mở 500 tài khoản để thao túng chứng khoán như thế nào?Ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo mở 500 tài khoản để thao túng chứng khoán như thế nào?

Cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị truy tố với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán thu lời 723 tỉ đồng và chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ với chiêu tăng khống vốn điều lệ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên