Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự lễ đưa ông lên đường sang Hà Nội dự họp thượng đỉnh với Mỹ - Ảnh: KCNA/REUTERS
Thế giới thức dậy vào ngày 24-2 với thông tin sốt dẻo: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) chính thức xác nhận nhà lãnh đạo Triều Tiên đã lên tàu hỏa khởi hành từ Bình Nhưỡng đến dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với ông Trump tại Việt Nam.
Giới chuyên gia nhận định thông cáo bằng 6 thứ tiếng của KCNA không chỉ đánh dấu một trong những lần hiếm hoi Bình Nhưỡng xác nhận nhà lãnh đạo Triều Tiên đang ở nước ngoài, nó còn cho thấy sự tự tin và nghiêm túc của Triều Tiên trước cuộc gặp quan trọng.
An ninh, an ninh và an ninh
Những thông tin về việc đoàn tàu bọc thép đặc trưng của ông Kim Jong Un rời khỏi Bình Nhưỡng đã tràn khắp mặt báo quốc tế ngay sau khi tàu xuất phát từ chiều 23-2. Mới nhất, người ta nhìn thấy đoàn tàu được cho là chở ông Kim Jong Un cùng phái đoàn ở một nhà ga của thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) lúc 12h trưa 24-2.
Theo Hãng thông tấn Tass (Nga), một đoàn tàu có màu xanh lá sọc vàng đã tiến vào nhà ga Đan Đông (Trung Quốc) lúc 19h40 ngày 23-2 (giờ VN) trong tình trạng tất cả cửa sổ trên tàu đều đóng kín đến nỗi ánh sáng duy nhất phát ra từ cả đoàn tàu là đèn pha ở toa đầu kéo.
An ninh đã được siết chặt tại Đan Đông từ ngày 22-2. Báo South China Morning Post của Hong Kong cho biết tất cả khách sạn gần cầu đường sắt Trung - Triều và nhà ga Đan Đông đều từ chối nhận khách trong ngày 23-2.
Cá biệt có trường hợp những vị khách đã lưu trú trước đó tại khách sạn Zhonglian International gần cầu đường sắt đã bị yêu cầu trả phòng và rời đi ngay trong sáng 23-2. Những điều này chỉ xảy ra trong các chuyến thăm Trung Quốc bằng tàu hỏa trước đây của ông Kim Jong Un.
Theo tính toán của NK News có trụ sở tại Hàn Quốc, nếu đoàn tàu ở Đan Đông là của ông Kim Jong Un, tàu dự kiến sẽ đến Bắc Kinh sau 13 tiếng. Tuy nhiên, không khí tại nhà ga Bắc Kinh trong ngày 24-2 hoàn toàn bình thường, khác với các biện pháp siết chặt an ninh tại Đan Đông.
Nếu đoàn tàu của ông Kim Jong Un không dừng ở Bắc Kinh, tàu sẽ chỉ mất 47 tiếng cho quãng đường hơn 4.000km đi thẳng từ Bình Nhưỡng đến Hà Nội với tốc độ tối đa lên tới 90km/h. Hãng tin Reuters đưa ra tốc độ di chuyển thấp hơn một chút, với 80km/h, trên mạng lưới đường sắt Trung Quốc.
Đoàn nhân viên Triều Tiên về tới khách sạn Melia (Hà Nội) vào sáng 24-2 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Triều Tiên tự tin và nghiêm túc
Dù Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố sẽ gặp ông Kim Jong Un tại Hà Nội từ tận ngày 8-2, truyền thông nhà nước Triều Tiên tiếp tục giữ thái độ im lặng trong những tuần sau đó.
Thông cáo sáng 24-2 của KCNA là sự xác nhận chính thức đầu tiên từ Bình Nhưỡng rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam và gặp tổng thống Mỹ trong hai ngày 27, 28-2.
Sự xác nhận dù tưởng muộn màng đó thực tế lại rất sớm so với các chuyến công du trước đây của ông Kim Jong Un. Truyền thông Triều Tiên chỉ loan tin về chuyến đi khi nhà lãnh đạo của họ đã trở về nhà an toàn.
"Việc truyền thông nhà nước Triều Tiên lên tiếng xác nhận sớm như lần này cho thấy chính quyền Bình Nhưỡng đang tự tin trước cuộc gặp thượng đỉnh, là sự thể hiện cho việc Triều Tiên đang nghiêm túc và mong muốn đạt được gì đó sau hội nghị.
Nó cũng cho thấy ông Kim Jong Un đang muốn xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo bình thường của một quốc gia bình thường" - tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), nhận định với Tuổi Trẻ.
Theo thông cáo của KCNA, trong đoàn tháp tùng ông Kim Jong Un sang Việt Nam lần này có đến bốn phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, trong đó có ông O Su Rong - phó chủ tịch phụ trách vấn đề kinh tế.
"Có thể hiểu là ông Kim Jong Un muốn học hỏi về cải cách kinh tế của Việt Nam và cách Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Có thể các phó chủ tịch này sẽ bàn công việc với những người đồng cấp Việt Nam và đi thăm các nhà máy thành công ở Việt Nam" - TS Nguyễn Thành Trung nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận