Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại thành phố Vladivostok, Nga hôm 25-4 - Ảnh: REUTERS
Đã 7 năm kể từ khi lên nắm quyền, và chỉ bây giờ mới có dịp thực hiện chuyến thăm".
Không phải ngẫu nhiên mà ông Kim Jong Un chọn thăm Nga vào thời điểm này, dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần mời ông thăm Nga. Chuyến thăm là một minh chứng của chủ thuyết Juche (Tự chủ) của Triều Tiên trong việc đến thăm ai, lúc nào và ở đâu.
Ai từng đặt chân đến Triều Tiên đều biết một trong những địa điểm nổi bật nhất của thủ đô Bình Nhưỡng là ngọn tháp Juche, thể hiện hệ tư tưởng chủ đạo Juche của Triều Tiên - tự lực cánh sinh về chính trị, kinh tế và đối ngoại, một chủ thuyết không dựa vào một đồng minh duy nhất nào.
Các nhà ngoại giao Triều Tiên đầy kinh nghiệm trong việc tạo ra sự cạnh tranh giữa đồng minh và kẻ thù, cũng như ngay giữa các đồng minh để tạo lợi thế nhất cho mình.
Chuyến thăm Nga nằm trong chuỗi hoạt động ngoại giao bất ngờ, nhưng có chủ ý sau hơn 6 năm lên nắm quyền của ông Kim Jong Un.
Từ tháng 3-2018, ông Kim đã thực hiện các chuyến thăm chưa từng có trong tiền lệ với 4 lần gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, 2 lần gặp Tổng thống Donald Trump, 3 lần gặp tổng thống Hàn Quốc, 1 lần gặp lãnh đạo Việt Nam, 1 lần gặp lãnh đạo Singapore và nay là với Tổng thống Putin.
Mục đích chuyến thăm không phải là những kết quả kinh tế, viện trợ nhìn thấy được. Xét cho cùng, không phải là Trung Quốc không có túi tiền khổng lồ để đáp ứng những yêu cầu kinh tế của Triều Tiên.
Kết quả lớn nhất của chuyến thăm Nga phần nhiều mang tính biểu tượng, với nhiều thông điệp có tính toán. Đối với Triều Tiên, như học thuyết Juche của họ, đây là chuyến thăm để "răn đe đối thủ và cân bằng đồng minh".
Đối với Mỹ, một cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều là dịp để ông Kim Jong Un "đánh tiếng" rằng Triều Tiên có những đối tác tiềm năng khác nếu những gì mà Bình Nhưỡng coi là nghĩa vụ trong Tuyên bố Singapore không được Mỹ thực hiện, và cho thấy Triều Tiên không dễ dàng bị khuất phục sau khi không đạt được thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội.
Đối với Trung Quốc, trong bối cảnh bị cấm vận, Bắc Kinh nổi lên là đồng minh quan trọng nhất, đối tác thương mại lớn nhất và nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu cho Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên không muốn để "tất cả trứng vào một rổ", chuyến thăm là chỉ dấu để chứng tỏ sẵn sàng có những bàn tay khác chìa ra với Triều Tiên.
Về phía Nga, với những gì diễn ra trong một năm qua, dường như Nga đang ở ngoài lề cuộc chơi dù là một bên trong đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Cuộc gặp này chính là cơ hội để Nga gửi đi thông điệp Nga vẫn là một nhân tố quan trọng trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Dù chưa rõ kết quả cụ thể ra sao, chuyến thăm Nga là một bước đi "Juche" có tính toán. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Triều Tiên có những quyết định bất ngờ khác trong thời gian tới, dù là theo hướng nào, hòa dịu hay căng thẳng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận