Ở Sa Pa, có rất nhiều em bỏ học hoặc bố mẹ không cho đi học, bắt đi bán hàng - Ảnh: VŨ TUẤN
Trong khi đó, chính quyền thị xã khuyến cáo khách du lịch không cho tiền, không mua hàng của những trẻ em này.
"Không mua, cho mười nghìn!"
Đêm ở Sa Pa, mưa rét, sương mù phủ kín, nhiệt độ giảm xuống 2 độ C, những đứa trẻ người Mông run rẩy bám theo khách bán đồ lưu niệm. Bé Giàng Thị Lý (tên trẻ trong bài đã được thay đổi), 8 tuổi, run lập cập địu đứa em nhỏ chạy theo khách du lịch để bán hàng.
"Chú mua đi... mua giúp cho cháu đi... Chú chụp ảnh rồi mua cho cháu đi chứ?" - Lý liên tục nài nỉ khiến khách phát ngại.
Chị Nguyễn Thị Nhung, quê ở Bắc Giang, ái ngại rút tờ 20.000 đồng đưa cho Lý, không lấy hàng. Lý cầm tiền chạy thẳng về phía vườn hoa thị xã đưa cho một người phụ nữ luống tuổi.
Lý kể nhà em ở bản Lao Chải, xã Hoàng Liên (Sa Pa), mẹ em không cho đi học, em cũng không có giấy khai sinh. Lý theo bác đi bán hàng từ lúc 5 tuổi.
Thỉnh thoảng mẹ em mới lên đón em về thăm nhà, thăm em. Lý ở luôn nhà trọ với bác. Bác em có 4 người con và 2 người cháu, tất cả chung 1 phòng trọ.
Ngày nào cũng vậy, em đi bán hàng từ sáng, bà bác "mượn" thêm cho một đứa em 1 tuổi nữa để em địu trên lưng. Trời càng mưa, càng rét, em bé càng khóc to Lý càng dễ bán hàng.
Cùng "làm việc" với bé Lý là Dinh, 7 tuổi, cũng ở bản Lao Chải, cũng không đi học. Dinh thi thoảng thay Lý địu thêm đứa em chưa đầy 1 tuổi trên lưng, đi khắp phố bán hàng.
Dinh mang theo mấy cái móc treo chìa khóa bằng thổ cẩm, cứ thấy khách là xấn lại "Chú mua đi!... Chú chụp ảnh rồi thì mua đi!... Không mua cho cháu mười nghìn!". Số tiền kiếm được Dinh phải đưa về cho bác.
Bác của Dinh là Múa Thị D. ngồi chơi điện thoại trong công viên, cách chỗ Dinh bán hàng vài chục mét. Bà D. "quản lý" 4 đứa con và 2 đứa cháu. Bà đưa hàng cho chúng đi bán, dạy chúng cách bán, lại còn bảo chúng địu thêm em bé để khách thương.
Trước sân nhà thờ Sa Pa, bé Thào A Nghềnh (con trai bà D.), 5 tuổi, địu theo đứa em 7 tháng tuổi bám theo 2 bạn trẻ: "Chú mua đi! Sao mua cho bé kia mà không mua cho cháu?". Đôi bạn trẻ ái ngại rút thêm 10.000 đồng đưa cho Nghềnh để không bị quấy nhiễu.
Nghềnh nhận tiền, chạy về đưa cho mẹ là bà D. mặc cho đứa em 7 tháng trên lưng khóc ngằn ngặt vì đói và rét.
Giàng Thị Lý (địu em) dúi hàng vào tay khách rồi bắt trả tiền - Ảnh: VŨ TUẤN
Trẻ đang bị cha mẹ chăn dắt?
Ở Sa Pa hiện có nhiều đứa trẻ đi bán hàng rong, xin tiền "chuyên nghiệp". Phần lớn các em bỏ học hoặc bố mẹ không cho đi học, bắt đi bán hàng. Riêng gia đình bác của bé Dinh là Múa Thị D. đã có 3 thế hệ theo "nghề".
Cách đây 4 năm, Thào Thị Phan - con gái bà D. - bế em đi bán hàng rong được 1 người đàn ông đến cho tiền rồi bế em chụp ảnh. Người này bế em của Phan lên ôtô chạy thẳng ra biên giới. May mắn Công an tỉnh Lào Cai đã bắt giữ được người đàn ông, trả con lại cho bà D..
Đến bây giờ Phan đã lớn, vẫn theo "nghề" mẹ là bán hàng rong và dạy thêm một lũ em bán hàng.
Học trò mới nhất của Phan là Cầu Lá Cho, 3 tuổi, chỉ biết nói 3 từ "mua hàng đi" nhưng đã lũn cũn chạy theo khách bán hàng.
Ông Ngọc Ánh, đội trật tự đô thị Sa Pa, cho hay nhóm trẻ hơn 10 đứa này được 3 người phụ nữ "quản lý" là Múa Thị D., Hạng Thị S. và 1 người nữa chưa rõ tên.
Nhóm trẻ này đeo bám khách du lịch. Nếu 1 đứa bán được hàng, lập tức 4, 5 đứa khác xúm lại bao vây. Có nhóm khách thấy phiền quá chạy, chúng đuổi theo đến tận cầu thang khách sạn.
"Chúng tôi đã xử lý rất nhiều, nhiều lần đưa trẻ về Trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng sáng đưa vào thì chiều chúng trèo tường trốn. Tối đã thấy chúng bán hàng ngoài phố" - ông Ánh nói.
Bà Hoàng Thị Vượng, trưởng Phòng văn hóa - thông tin thị xã Sa Pa, đánh giá những giải pháp trước đây đưa ra chưa thỏa đáng. Đó là cấm bán hàng mà không tạo ra sinh kế.
"Từ năm 2020, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và có những nhóm giải pháp. Nếu bà con có nguyện vọng muốn chỗ bán hàng ổn định, chúng tôi sẽ bố trí. Nếu muốn phát triển thổ cẩm, thủ công nghiệp... chúng tôi cũng có chính sách để hỗ trợ" - bà Vượng cho hay.
Theo trưởng Phòng văn hóa - thông tin, bước đầu đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Bà con các xã lân cận thị xã Sa Pa đã đăng ký ngành nghề hoặc dịch vụ muốn phát triển. "Chúng tôi đang tập hợp để có kế hoạch chi tiết giúp đỡ bà con" - bà Vượng nói.
Bà Hoàng Thị Vượng (trưởng Phòng văn hóa - thông tin thị xã Sa Pa):
Không dễ xử lý
Chính quyền thị xã đã vào cuộc nhằm giảm thiểu tình trạng chèo kéo khách du lịch từ hàng chục năm nay nhưng chưa thực sự hiệu quả. Rất khó dùng các biện pháp cứng rắn vì liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà con cho rằng Sa Pa phát triển du lịch được là do có hình ảnh văn hóa của người Mông, tại sao họ không được bán hàng?
Khi tuyên truyền vận động, hầu hết bà con ở các xã lân cận đều nghe theo, cam kết không cho con em mình đi bán hàng rong. Duy chỉ có nhóm người bán hàng rong "chuyên nghiệp" ở thị xã Sa Pa chống đối, chưa vận động nổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận