08/07/2023 15:45 GMT+7

Trăn trở với nỗi khổ người già

Là start-up bước lên bục cao nhất cuộc thi khởi nghiệp của Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), Independence Mobility của 5 bạn trẻ tuổi đôi mươi hướng đến việc giải quyết khó khăn cả về thể chất lẫn tinh thần của người già và người thu nhập thấp.

Nhóm Independence Mobility nhận giải đội vô địch cuộc thi IU Start-up demo day 2023 - Ảnh: T.VÂN

Nhóm Independence Mobility nhận giải đội vô địch cuộc thi IU Start-up demo day 2023 - Ảnh: T.VÂN

Dự án này vừa đoạt chức vô địch cuộc thi IU Start-up demo day 2023. Được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ một giảng viên giảng dạy môn nghiên cứu nên nhóm tác giả gồm những người bạn chung lớp đã có vài lợi thế đầu tiên khi bắt tay nghiên cứu, thực hiện sản phẩm.

Thấu cảm nỗi khổ người già

Qua những chia sẻ chi tiết của giảng viên, các bạn trong nhóm thấu cảm hơn với những khó khăn của người cao tuổi gặp các vấn đề về thể chất khi bị tai biến liệt các chi.

Điều này như tiếp thêm động lực cho các bạn đi tìm lời giải cho bài toán phần nào giúp người già thoát gánh nặng về thể chất lẫn tinh thần, hòa nhập cuộc sống một cách bình thường nhất có thể.

Bởi tâm lý chung người cao tuổi dễ mặc cảm, thậm chí có người rơi vào trầm cảm và có suy nghĩ "làm phiền con cháu" khi bản thân có vấn đề về sức khỏe.

Chưa kể ở độ tuổi không còn lao động được mà lại khiến con cháu phải dành quá nhiều thời gian chăm sóc cho họ, vấn đề lại càng lớn.

Vừa học vừa nghiên cứu, càng khó hơn vào giai đoạn thi cử nhưng cả nhóm vẫn tìm ra giải pháp. Các bạn dồn sức học trong tuần, cuối tuần cùng nhau trao đổi phân tích về dự án.

Các thành viên họp trực tuyến với nhau nhiều hơn để linh động giải quyết các vấn đề dự án gặp phải.

Nguyễn Lê Minh Thảo - đại diện nhóm - cho biết vấn đề lớn nhất chính là thiếu nhà đầu tư, không có kinh phí để phát triển sản phẩm.

"Để thực hiện sản phẩm hỗ trợ người bệnh cần nhiều vốn để phát triển và hoàn thiện. Đặc biệt với sản phẩm liên quan đến lão khoa, đảm bảo tính an toàn, dễ sử dụng là điều rất quan trọng", Minh Thảo chia sẻ.

Sản phẩm bước đầu đã tạm gọi là định hình, nhóm vẫn đang dồn sức hoàn thiện để có thể đưa ra thị trường, thương mại hóa sản phẩm.

Sản phẩm của Independence Mobility cần được cải tiến bộ khung để đỡ người bệnh được an toàn hơn, có thể bổ sung điều khiển sản phẩm từ xa, camera theo dõi... khi gọi vốn thành công.

Niềm tin dự án tiềm năng

Chia sẻ về lý do nhận làm cố vấn kỹ thuật của dự án, TS Hà Thị Xuân Chi (phó trưởng khoa kỹ thuật và quản lý công nghiệp, Trường ĐH Quốc tế) nói dự án không chỉ hướng tới giải quyết vấn đề sức khỏe mà còn đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Cụ thể, các bạn bước đầu tạo ra các sản phẩm y tế chất lượng, đáp ứng việc cân bằng giữa hai tư thế ngồi và đứng của bệnh nhân, giúp giảm thiểu những giới hạn về thao tác mà trước đó không thể thực hiện trong tư thế ngồi hoặc nằm.

"Những điều này góp phần giúp bệnh nhân có một lối sống lạc quan, có ích, hòa nhập lại với cộng đồng... và rất có lợi cho việc phục hồi tâm lý cho cả bệnh nhân lẫn gia đình của họ. Dự án là một giải pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả cho người sau tai biến, người khuyết tật các chi và có thu nhập thấp", TS Xuân Chi nhận định.

Còn TS Trần Thị Ngọc Diệp (Trung tâm đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ Trường ĐH Quốc tế) chia sẻ rằng tiềm năng và khả năng thương mại hóa sản phẩm của dự án này là khả thi.

"Thị trường các thiết bị hỗ trợ chuyển đổi tư thế và di chuyển chủ động trong sinh hoạt hằng ngày dành cho nhóm người này vẫn còn rất mới trong nước. Vì vậy, sản phẩm không chỉ tiềm năng về thị trường tiêu thụ mà còn là tiềm năng về việc xây dựng thương hiệu trong mảng sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật", TS Diệp nói.

TS Ngọc Diệp thông tin dự án được ký kết hợp đồng ươm tạo với nhà trường để tiếp tục hoàn thiện qua việc hỗ trợ kết nối các chuyên gia, giới thiệu đến các sân chơi lớn hơn trong nước cũng như quốc tế.

Sản phẩm hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường

Independence Mobility là thiết bị hỗ trợ di chuyển được thiết kế với khả năng điều khiển trực tiếp. Sản phẩm có bộ bánh xe thay đổi phù hợp cho điều kiện đi lại trong nhà lẫn ngoài trời, có thể gấp gọn để cất hoặc chuyển sang tư thế ngồi khi di chuyển.

Ngoài ra, sản phẩm còn giúp đẩy nhanh tiến độ hồi phục sức khỏe thông qua tư thế đứng như tăng cường mật độ xương, giúp cải thiện quá trình lưu thông máu, cải thiện chức năng đường ruột và cả tâm lý người bệnh. Do vận hành bằng năng lượng điện nên sản phẩm này còn góp phần bảo vệ môi trường.

Chế phẩm từ vỏ tôm bảo quản trái cây thắng cuộc thi khởi nghiệpChế phẩm từ vỏ tôm bảo quản trái cây thắng cuộc thi khởi nghiệp

Chế phẩm sinh học từ vỏ tôm bảo quản trái cây lâu hơn của sinh viên Trường đại học Văn Lang (TP.HCM) đoạt giải đặc biệt cuộc thi khởi nghiệp Ra khơi năm 2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên