13/01/2018 17:21 GMT+7

'Tôi nợ Sài Gòn lời cảm ơn'

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - 8 năm chọn Sài Gòn là nơi mưu sinh, bạn đọc Khánh Hưng cho rằng dù Sài Gòn 'đất lành' sắp hết chỗ, nhưng chưa bao giờ nơi này thôi thương mến với những "di dân" từ mọi miền. Trái lại, càng khó khăn Sài Gòn càng dang rộng vòng tay.


Tôi nợ Sài Gòn lời cảm ơn - Ảnh 1.

Dưới đây là tâm sự của tác giả gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo

Mấy hôm trước, trên Tuổi Trẻ Online tôi đọc được tâm sự của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa: Khi "đất lành" Sài Gòn sắp hết chỗ... 

Trong câu chuyện, ông tâm sự và đau đáu một nỗi niềm, rằng cần có một chiến lược hỗ trợ đồng bào để họ có thể sinh sống ở quê và "khi Sài Gòn giàu lên sẽ không quên bà con mình".

Khi Khi 'đất lành' Sài Gòn sắp hết chỗ...

TTO - Dẫu biết Sài Gòn là nơi "đất lành chim đậu", nhưng đất rồi cũng chật chội, "chim" về nhiều quá thì có khi cả chủ lẫn khách cùng chia nhau sự nghèo khó. Vậy cần làm gì?

Trước đó, vào dịp tết Dương lịch, trên một tờ báo mạng, tôi cũng đọc được những dòng tâm sự của một người thành thị gốc, họ gửi lời cảm ơn những người dân di cư về quê ăn Tết, vì những gì họ đóng góp cho thành phố suốt năm qua.

Hai câu chuyện của "hai người dưng" khiến tôi - một người trong số hàng vạn thanh niên nông thôn di cư về Sài Gòn kiếm sống - chợt nhớ: Mình đã gắn bó với Sài Gòn hơn 8 năm nay, nhận biết bao nhiêu sự giúp đỡ, bao nhiêu ân tình, mà vẫn thiếu một lời cảm ơn dành cho con người cùng mảnh đất này.

Ngày Tết cận kề, những "di dân" như tôi sắp sửa tạm rời Sài Gòn về quê ăn tết. Rồi sau những ngày ngắn ngủi ở quê nhà, chúng tôi lại trở vào, và vô tình tạo nên gánh nặng trên vai thành phố. Và, tôi cảm thấy mình, một "di dân" vẫn nợ đất khách Sài Gòn lời cảm ơn vì đã cưu mang suốt cả năm trời đầy biến động."

Khánh Hưng

Ai cũng biết "tha phương cầu thực" là vạn bất đắc dĩ. Nhưng những đứa trẻ lớn lên từ làng miền Trung như tôi thì phải chấp nhận lối đi này. Bởi những thành phố như Sài Gòn hơn hẳn ở quê về kinh tế và điều kiện sống: Ở đây có việc làm, có thu nhập cao hơn, cùng với việc được tận hưởng những dịch vụ về y tế, giáo dục… tốt hơn nhiều lần.

Người dân quê tôi luôn có suy nghĩ rằng: Học xong lớp 12, nếu có điều kiện (tiền và lực học) thì vào Nam học đại học, không có điều kiện cũng… vào Nam làm công nhân. Và Sài Gòn cùng một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… trở thành miền đất hứa, thanh niên vào đây lập nghiệp gần hết, ở quê bây giờ chỉ còn lại người già, trẻ em và phụ nữ.

Sự xuất hiện của những "di dân" như tôi khiến thành thị Sài Gòn trở nên chật chội hơn. Kéo theo đó là vô số hệ lụy cho đô thị này như nạn thất nghiệp, ách tắc giao thông, nhu cầu nhà ở, vệ sinh môi trường, các dịch vụ từ y tế đến giáo dục… Và có cả những tệ nạn xã hội gia tăng cũng được cho rằng xuất phát từ chuyện dân di cư mà ra.

Bạn tôi, một người vào Sài Gòn từ mấy chục năm nay, mô tả đầy ý nhị: "Sài Gòn bây giờ ngày càng rộng và cao". Tức, mở rộng theo chiều ngang, khiến đất các quận ngoại thành càng ngày càng sốt giá, còn cao thì ngày càng nhiều chung cư mọc lên, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người ngoại tỉnh. 

Bạn tôi còn nói thêm rằng: "Sài Gòn bình yên nhất là những ngày Tết, khi người di cư về hết". Điều này tôi phải gật gù xác nhận, bởi một năm ở lại Sài Gòn ăn Tết, tôi cảm nhận được Sài Gòn lúc đó bình yên đến nhường nào!

Như vậy, dù muốn dù không thì chúng tôi - những "di dân" - đã và đang tạo nên rất nhiều áp lực cho thành phố. Nhiều khi tôi cảm thấy băn khoăn, liệu rằng đến một lúc nào đó, Sài Gòn và người dân nơi này "hết chịu nổi" với chúng tôi không? 

Có khi nào họ căm ghét những "di dân" vốn mang đến nhiều phiền toái và áp lực cho họ, làm xáo trộn cuộc sống của họ không?

Và 8 năm "tha hương" nơi này tôi nhận được câu trả lời rằng: Chưa bao giờ Sài Gòn thôi thương mến với những "di dân" từ mọi miền. Trái lại họ ngày một hào sảng hơn, tìm mọi cách để giúp đỡ những người dân xa xứ hơn, từ những ý tưởng "vĩ mô", đến những việc làm thiết thực ngày cận Tết mà trong câu chuyện của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa là một ví dụ điển hình.

Tôi còn nhớ năm 2010 là năm tôi vào Sài Gòn trọ học. Đó cũng là năm trận lũ lịch sử kéo qua miền Trung quê nhà, và Sài Gòn đón tôi bằng món quà đầy ý nghĩa: suất học bổng hỗ trợ tân sinh viên. Chưa hết, cuối năm cận Tết, khi đang băn khoăn chuyện vé về quê thì một lần nữa Sài Gòn dang rộng vòng tay. 

Tôi nhớ mãi ngày mình lên Nhà Văn hóa Thanh niên nhận tấm vé xe nghĩa tình cùng nhiều quà Tết, bao lì xì của những mạnh thường quân Sài Gòn gửi tặng.

Còn rất nhiều tấm lòng nghĩa tình của người Sài Gòn, mà minh chứng rõ nhất là những đóng góp, chia sẻ sau những trận bão lũ, dù ở miền nào của đất nước. Quê tôi miền Trung, năm vừa rồi sau trận lũ, mẹ tôi bảo "chưa bao giờ nhiều đoàn cứu trợ về nhiều như đợt này".

Sài Gòn họ là ai? Những người dưng ấy là ai? Tôi không biết nhưng tôi cảm nhận được những san sẻ đầy nghĩa tình của họ.

Người ta bảo Sài Gòn đất khách, hoa cho người giàu, lệ dành người nghèo. Ừ, Sài Gòn vẫn đất khách đấy, nhưng vị khách này hào sảng và chân chất, rộng lượng.

Xin cảm ơn Sài Gòn, cảm ơn những người dân nơi đây, cảm ơn những "người dưng" âm thầm "chịu đựng" và giúp đỡ những "di dân" như tôi suốt bao năm trời. Có thể họ là một ai đó, đang đọc những dòng này!

Xin cảm ơn, Sài Gòn!

Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!


KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên