13/01/2015 10:01 GMT+7

​Vắng mặt và có mặt ở Paris...

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Việc khoảng 50 lãnh đạo các chính phủ châu Âu và cả châu Phi cùng hẹn có mặt tại Paris chiều 11-1 để tạo nên “cuộc tuần hành lịch sử” của nước Pháp.

Khoảng 50 lãnh đạo các chính phủ châu Âu và châu Phi tham gia cuộc tuần hành chiều 11-1 - Ảnh: AFP
Khoảng 50 lãnh đạo các chính phủ châu Âu và châu Phi tham gia cuộc tuần hành chiều 11-1 - Ảnh: AFP

Đây là một chuyện sẽ được nhớ mãi vì nhiều sắc độ.

Trước đó, người ta khó nghĩ việc “các cặp đôi (khó) hoàn hảo” như Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, như Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu với Thủ tướng Hi Lạp Antonis Samaras hoặc như Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov... cùng đồng hành bảo vệ tự do, chống khủng bố.

Đó là chưa kể sự hiện diện của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và tám tổng thống châu Phi... cùng hẹn nhau ở điện Elysée rồi cùng ra đại lộ Voltaire tuần hành, tay trong tay.

Vậy mà tìm đỏ con mắt không thấy người đứng đầu đất nước thống lĩnh cuộc chiến chống khủng bố từ 11-9-2001 là Tổng thống Mỹ Barack Obama cho dù mới cách đó ba hôm, khi ký sổ tang ở tòa đại sứ Pháp tại Washington, ông đã long trọng thề nguyền rằng nước Mỹ sát cánh với dân Pháp ngày hôm nay và cả ngày mai, và hạ bút đề bằng tiếng Pháp: “Vive la France” (Nước Pháp muôn năm).

Nhà báo Fareed Zakaria trên đài Mỹ CNN gọi sự vắng mặt đó là một sai lầm.

Ông bình luận rằng nếu nói đến lo ngại an ninh, thì là quá đáng khi có đến 50 lãnh đạo khác cùng đổ tới Paris.

Ông đẩy nhận định đến mức cho rằng sự vắng mặt như thế cho thấy cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan không dính dáng gì tới nước Mỹ, rằng trong thực tế “nhiều người đã quen nghĩ rằng sẽ không có chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo nếu không có nước Mỹ” (dính dáng tới).

Và Fareed Zakaria kết luận: “Đây thật sự là một cuộc chiến giữa thế giới văn minh và một băng đảng cực đoan.

Cho dù nước Mỹ có tách ra ngoài, thế giới văn minh cũng đứng lên mà chiến đấu”. Đăng tin tới đây, CNN nhắc rằng ngay đúng ngày tuần hành ở Paris, Nhà Trắng loan báo đến ngày 18-2 sẽ “chủ xị” một hội nghị thượng đỉnh chống chủ nghĩa cực đoan. Ngụ ý thắc mắc ai sẽ thèm tới dự?

Câu chuyện vắng bóng lãnh đạo Mỹ gợi nhiều suy nghĩ vì cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã khẳng định Ngoại trưởng John Kerry sẽ có mặt ở Munich (Đức) từ ngày 10-1, trên đường ông đến Ấn Độ, để gặp quốc vương xứ Oman, rồi sau đó sẽ bay ngược lại Thụy Sĩ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ahmedabad vào ngày 14-1.

Bệnh tình quốc vương Oman đang điều trị tại Đức cũng chưa có gì nghiêm trọng lắm.

Bằng cớ là ông Kerry đã có thời gian hội kiến đến 90 phút, gọi là để cảm ơn ông này đã thu xếp “cổng sau” để phía Mỹ gặp riêng phía Iran hoặc để nhờ thêm ông này nhỏ to với phía Iran hầu khai thông cuộc đàm phán hạt nhân cứ bế tắc.

Vì lẽ đó cũng không khỏi băn khoăn khi lợi ích riêng của từng quốc gia liệu có xen lấn vào tình đoàn kết chống chủ nghĩa cực đoan toàn cầu?

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên