30/09/2014 11:32 GMT+7

​3 đặc điểm của sự kiện Hong Kong

Gs Jonathan London
Gs Jonathan London

TT - Giáo sư Jonathan London - thành viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Thành thị Hong Kong - viết riêng cho Tuổi Trẻ từ Hong Kong.

Một người biểu tình Hong Kong trang bị đồ tự chế chống hơi cay của cảnh sát tại khu trung tâm tài chính ngày 29-9 - Ảnh: Reuters

Trong những ngày qua và đặc biệt là trong hai ngày vừa qua, toàn thế giới đã thấy một phong trào xã hội bùng nổ ở Hong Kong xoay quanh việc nhiều công dân của thành phố cảng đang nỗ lực yêu cầu chính quyền cải cách cơ chế bầu cử của lãnh thổ.

Hong Kong được trao lại cho Trung Quốc vào mùa hè năm 1997 để trở thành một đặc khu hành chính của Hoa Lục dưới nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, nhưng cho đến nay, dân Hong Kong thường cảm thấy một nỗi đau: đó là cảm thấy mình không hề có quyền thật sự trong nền chính trị của lãnh thổ mình đang cư ngụ.

Từ góc nhìn của một nhà quan sát, tôi thấy có ba điểm đặc biệt quan trọng.

1 Dân không được hưởng. Trước năm 1997, Hong Kong bị xem là một thuộc địa tư bản, nhưng trên thực tế trước và sau năm 1997, chính quyền và giới tư bản lớn ở đây đã thành lập một liên minh sâu sắc với chính quyền Trung Quốc nhằm mục đích tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho giới ngân hàng và tài chính thế giới. Tuy nhiên, dân thường hưởng lợi rất ít từ sự liên minh này.

Tuy mức sống ở đây có vẻ rất cao (thu nhập trung bình của người dân khá cao, tỉ lệ triệu phú USD trên dân số đứng thứ nhất trên thế giới...) nhưng thực tế đại đa số người dân Hong Kong có đời sống cực kỳ vất vả. Khoảng cách giàu nghèo ở thành phố cảng này gần như là cao nhất tại châu Á.

Đối với giai cấp trung lưu trở xuống, chuyện làm 12 giờ một ngày, sáu ngày trong tuần là bình thường. Người dân Hong Kong thấy hằng ngày và thấy rất rõ các thực tế trên.

2 Thể chế bầu cử bị hứa hão. Vào năm 1997, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết rằng người dân Hong Kong sẽ dần dần được dân chủ hóa. Họ cũng hứa rằng người dân của lãnh thổ này sẽ được quyền bầu trực tiếp đặc khu trưởng vào năm 2017.

Thế nhưng trong những năm qua, nhất là một năm vừa rồi, chính quyền Trung Quốc và Hong Kong tìm mọi cách không thực hiện những cam kết đã hứa.

Theo thể chế bầu cử theo bản hiến pháp mà Anh và Trung Quốc ban hành, dân thường không có quyền chọn các lãnh đạo mà họ yêu thích. Vì thế, dù “lòng dân” ở Hong Kong như thế nào, họ vẫn không thật sự có tiếng nói quyết định trong việc chọn lãnh đạo cho chính họ.

Dù dân cũng có quyền bầu cử đại biểu của họ nhưng số đại biểu do dân bầu chỉ chiếm 50% tổng số ghế trong Hội đồng lập pháp.

Tất nhiên các nhà tư bản lớn lẫn chính quyền Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào Hong Kong để ủng hộ các phe bảo thủ.

Trong khi đó, các đảng đối lập cho thấy sự thiếu hiệu quả trong công tác chính trị, đấu tranh một cách thiếu thống nhất, cũng như mất rất nhiều sức lực trong việc đấm đá và đả kích lẫn nhau. Do vậy, độ căng thẳng chính trị tại Hong Kong luôn duy trì ở mức cao.

3 Tự tôn văn hóa. Về văn hóa, người dân ở Hong Kong cũng nhận thấy họ là người Hoa chứ! Nhưng họ cũng có một số sự khác biệt quan trọng so với người dân tại đại lục, chẳng hạn như về kinh nghiệm và điều kiện vật chất mà họ đã giành được hơn một thế kỷ qua.

Họ muốn được tôn trọng và muốn độc lập. Vì lẽ đó, họ không chịu nổi khi Bắc Kinh nói một đằng mà làm một nẻo.

 

Gs Jonathan London
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên