07/11/2016 07:58 GMT+7

Bà Clinton, ông Trump so kè quyết liệt ở bang chiến địa Florida

QUỲNH TRUNG (Từ FLORIDA, Mỹ)
QUỲNH TRUNG (Từ FLORIDA, Mỹ)

TTO - Ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đi vận động ở Florida - bang quan trọng nhất với 29 phiếu đại cử tri, ở khu vực đông nam nước Mỹ.

*** Error ***
Bà Diane Parker mang biểu ngữ ủng hộ ông Trump bên ngoài một địa điểm bỏ phiếu sớm ở trung tâm TP Orlando vào trưa 5-11 - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Giới quan sát chính trị Mỹ cho biết Florida được xem là bang buộc phải thắng của Donald Trump nếu ông ấy muốn bước chân vào Nhà Trắng.

Cũng vì lý do đó mà trong mấy ngày qua, tỉ phú 70 tuổi này đã “càn quét” nhiều khu vực ở Florida khi vận động sự ủng hộ của các cử tri tại các thành phố Miami, Orlando, Pensacola hôm 3-11 và thành phố Jacksonville một ngày sau đó.

Trong khi đó, trong buổi vận động ủng hộ bà Clinton hôm 3-11 tại Miami, Tổng thống Obama đã khẳng định: “Nếu chúng ta thắng ở Florida, chúng ta sẽ thắng cuộc bầu cử này”.

So kè quyết liệt

Ngoài ra, một trong những yếu tố kịch tính mà bang Florida góp vào cuộc đua tổng thống Mỹ chính là bang này có truyền thống công bố kết quả kiểm phiếu muộn vì đông dân.

Florida là tiểu bang đông dân thứ ba ở Mỹ với hơn 20 triệu dân và đa dạng về nhân khẩu học gồm người da trắng, người gốc Phi, Mỹ Latin, châu Á...

Theo các kết quả thăm dò, cuộc so kè giữa hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Hillary Clinton tại tiểu bang này đang diễn ra rất quyết liệt.

Theo thăm dò cập nhật sáng 6-11 giờ Mỹ (tối 6-11 giờ Việt Nam) của Real Politics, ứng cử viên Hillary Clinton đang dẫn trước với tỉ lệ 47,4% so với 46,2% của ông Trump.

Kết quả thăm dò của trang FiveThirtyEight cho thấy ông Trump chỉ có 34,7% cơ hội chiến thắng so với 65,3% của bà Clinton.

Trưa 5-11, tôi có mặt tại một địa điểm bỏ phiếu sớm ở trung tâm Orlando, bang Florida. Trên con đường Della Drive hướng vào địa điểm bỏ phiếu đặt bên trong thư viện Orange County (quận Cam), có nhiều nhóm nhỏ mang băngrôn, biểu ngữ ủng hộ tỉ phú Donald Trump.

Tôi nghĩ ông ấy sẽ đưa nước Mỹ trở lại vị thế đã từng có vì nước Mỹ hiện giờ đang bị thụt lùi. Tôi cũng ủng hộ quan điểm của ông Trump ngăn chặn người nhập cư và giảm thuế để tạo công ăn việc làm
Bà Diane Parker (cử tri Mỹ 70 tuổi)
Tôi sẽ chọn bà Clinton vì bà ấy có kinh nghiệm. Bà ấy biết cách làm bạn với những quốc gia khác và giúp đỡ họ
Ông Fardi Ahmed (tài xế taxi gốc Bangladesh, đã sống ở Mỹ hơn 30 năm)

Bà Milagros Buckley (56 tuổi), một nhà ngôn ngữ học gốc Venezuela, cho biết đây là lần đầu tiên bà đi bỏ phiếu bầu tổng thống trong 30 năm sinh sống ở đây.

“Tôi ủng hộ Trump vì ông ấy không phải chính trị gia. Ông ấy yêu nước Mỹ, muốn làm điều tốt cho đất nước và không để ai đó lợi dụng quốc gia mình. Ông ấy là mẫu người hành động” - bà Buckley hào hứng giải thích lý do chọn lựa của mình.

Còn bà Michelle, một người gốc Canada, cầm trên tay tấm biển “Women for Trump” (Phụ nữ ủng hộ Trump), có cách nhìn thực dụng hơn: “Tôi nghĩ nước Mỹ cần một doanh nhân hơn là chính trị gia. Một quốc gia giống như một doanh nghiệp vậy và do đó chúng tôi cần một lãnh đạo điều hành đất nước như điều hành doanh nghiệp. Trump chỉ muốn làm điều gì tốt cho đất nước.

Ông ấy là một tỉ phú và đã 70 tuổi nên ông ấy không cần bỏ túi riêng”.

*** Error ***
Các cử tri Dân chủ chấp nhận đội mưa chờ bà Hillary Clinton ở Florida ngày 5-11 - Ảnh: Reuters

Tại địa điểm bỏ phiếu sớm, anh Brian Rust (33 tuổi), một người Mỹ da trắng đang làm kế toán viên ở Orlando, bỏ phiếu cho ông Trump với lý do đơn giản: “Tôi ủng hộ ông Trump vì ông ấy không biết gì, biết đâu lại tạo ra những thay đổi mới mẻ”.

“Không muốn người nghèo bị nghèo hơn”

Cũng tại địa điểm bỏ phiếu trên, ông Clyde Mathis, một tài xế xe tải gốc châu Phi 67 tuổi, dành sự ủng hộ cho bà Hillary Clinton với lập luận: “Bà Hillary sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho những người lao động như chúng tôi. Tôi nghĩ bà ấy phù hợp vì có nhiều kinh nghiệm. Nếu ông Trump lên thì người nghèo càng nghèo hơn, người giàu càng giàu hơn”.

Ông Fardi Ahmed, một tài xế taxi gốc Bangladesh, đã sống ở Mỹ hơn 30 năm, tự nhận mình là người Dân chủ nhưng sẽ dành lá phiếu cho người ông tin tưởng, bất kể người đó thuộc đảng phái nào.

“Tôi mong bà Hillary nếu làm tổng thống sẽ giúp mang lại hòa bình cho những khu vực xung đột ở Nepal và nhiều quốc gia ở Trung Đông” - ông Fardi tỏ ra rất “toàn cầu hóa”.

Fardi cho biết điều ông mong đợi nhất từ tổng thống tương lai của nước Mỹ chính là sự trung thực: “Tôi không phải là một chính trị gia. Tôi cũng không có một công việc tốt có lương cao để đóng góp nhiều cho đất nước tôi. Những gì tôi có thể làm là trung thực với bản thân, chính là đóng thuế đầy đủ. Còn nếu bạn là tổng thống, đó là một điều rất khác biệt, bạn phải làm nhiều hơn, phải cố gắng tạo ra các chính sách tốt cho đất nước và tất cả người dân, áp lực sẽ rất nặng nề”.

Anh Mike Gordon (33 tuổi), một người gốc Latin sinh ra và lớn lên ở Mỹ, cho biết dù tự nhận mình là một người Cộng hòa khiêm tốn nhưng anh khẳng định không thể bầu cho một người mị dân và bài ngoại như ứng viên Donald Trump. Theo anh Gordon, ai lên làm tổng thống Mỹ cũng không quan trọng, anh chỉ hi vọng là cả hai đảng đoàn kết với nhau để tái cấu trúc quốc gia.

QUỲNH TRUNG (Từ FLORIDA, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục