06/04/2017 10:58 GMT+7

Biển Đông thuộc bốn vấn đề của cuộc gặp Trump-Tập

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang được mọi con mắt dõi theo bởi nó sẽ có ảnh hưởng toàn cầu.

Lực lượng an ninh bảo vệ tại The Eau Palm Beach Resort and Spa - nơi ông Tập trú ngụ trong thời gian gặp gỡ ông Trump - Ảnh: Reuters
Lực lượng an ninh bảo vệ tại The Eau Palm Beach Resort and Spa - nơi ông Tập trú ngụ trong thời gian gặp gỡ ông Trump - Ảnh: Reuters

“Tất cả mọi thứ, từ vấn đề Biển Đông cho đến thương mại và Triều Tiên. Có những vấn đề lớn về an ninh quốc gia và kinh tế cần phải được đưa ra giải quyết. Và tôi nghĩ rằng có rất nhiều vấn đề sẽ được mang ra thảo luận trong hai ngày hội đàm đó của hai nhà lãnh đạo", phát ngôn viên của Nhà Trắng, ông Sean Spicer đã tóm lược như thế về cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu vào ngày hôm nay (6-4, giờ Mỹ).

Báo The Daily Signal chỉ ra 4 vấn đề lớn sẽ được trao đổi giữa hai lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida.

Đó là các nhóm vấn đề về xử lý vấn đề phát triển vũ khí và hạt nhân vi phạm các lệnh cấm quốc tế của CHDCND Triều Tiên, vấn đề thương mại hai nước, vấn đề Biển Đông và vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền.

Vấn đề Triều Tiên được ông Trump chú ý hơn cả. Trong một cuộc họp báo tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng với Quốc vương Abdullah của Jordan hôm 5-4, ông Trump tuyên bố: "Như quí vị đã biết, tôi sẽ sớm gặp Chủ tịch Trung Quốc tại Florida. Chúng tôi có một trách nhiệm cần giải quyết mang tên Triều Tiên".

Ông cũng không quên đổ lỗi cho người tiền nhiệm - Tổng thống Barack Obama - đã hành động không cứng rắn để cho Bình Nhưỡng phát triển mạnh mẽ.

“Có ai đó đã không làm điều đúng đắn và nay nó rơi vào trách nhiệm của tôi. Tôi xin nói rõ là trách nhiệm này lẽ ra đã được thực hiện dễ dàng hơn rất nhiều nếu nó được xử lý nhiều năm về trước", ông Trump nhấn mạnh.

Gần đây, đích thân ông Trump cùng những người thừa hành không ít lần nhấn mạnh là Bắc Kinh cần phải ra tay hỗ trợ xử lý vấn đề Triều Tiên bởi mối quan hệ riêng biệt giữa hai nước này. Chính quyền ông Trump thậm chí gửi đi thông điệp rằng nếu Trung Quốc tiếp tục trù trừ thì chính Mỹ đã đơn phương hành động và có thể là ra tay tấn công phủ đầu.

Ông Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại The Heritage Foundation nhận định: "Ông Trump chắc chắn sẽ thể hiện mạnh mẽ với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên. Ông ấy sẽ không yêu cầu giúp đỡ nữa. Thời gian dành cho thảo luận đã kết thúc. Mỹ có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc nếu Trung Quốc không hợp tác".

Điều này cũng được một quan chức cấp cao Nhà Trắng xác nhận trong cuộc gặp giới truyền thông. Ông này khẳng định vấn đề Triều Tiên hiện rất cấp thiết và "thời gian giờ đây rất, rất eo hẹp".

Theo vị này, vấn đề hiện nay chỉ là Trung Quốc chịu hợp tác triệt để để thực thi các biện pháp cấm vận và các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Ông Trump sẽ thảo luận với ông Tập theo hướng đó.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Washington có sẵn sàng và có chịu đưa ra một số bước nhượng bộ, đủ để có thể thuyết phục Bắc Kinh thay đổi về cơ bản những tương tác với giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng hay không”  
Chuyên gia Bong Young Shik thuộc Viện Yonsei ở Seoul (Hàn Quốc)
Giới truyền thông đã có mặt tại The Eau Palm Beach Resort and Spa - nơi ông Tập trú ngụ trong thời gian gặp gỡ ông Trump - Ảnh: Reuters
Giới truyền thông đã có mặt tại The Eau Palm Beach Resort and Spa - nơi ông Tập trú ngụ trong thời gian gặp gỡ ông Trump - Ảnh: Reuters

Trong vấn đề giao thương, một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền Trump nhận thức rõ sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế với Trung Quốc, nhưng sẽ nhấn mạnh rằng tất cả các quan hệ thương mại song phương phải là "hai bên cùng có lợi".

"Tổng thống Trump là rất quan ngại về cách sự mất cân bằng trong quan hệ kinh tế khiến ảnh hưởng đến người lao động Mỹ, và muốn giải quyết các vấn đề theo cách thẳng thắn và hiệu quả", một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết.

Ngay trước cuộc gặp với ông Tập ở Florida, Tổng thống Trump cũng đã ra đòn “dằn mặt” khi ký hai sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chức năng thực thi rà soát những điều còn chưa ổn trong quan hệ giữa Mỹ với các nước, “theo từng nước một" và "theo từng sản phẩm một”.

Giới quan sát đều nhận định rằng các sắc lệnh đó nhắm chủ yếu đến Trung Quốc - đối tác mà Mỹ đang bị thâm hụt thương mại nặng nhất.

Một báo cáo của đại diện thương mại Mỹ trong tháng Ba này cho biết thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2016, từ 317 tỉ USD lên 648 tỉ USD. Trong đó, thâm hụt thương mại hàng hoá và dịch vụ với Trung Quốc đã tăng từ 81,9 tỉ USD năm 2000 lên gần 334 tỉ USD trong năm 2015. 

Vấn đề Biển Đông, theo báo The Daily Signal, sẽ nằm trong nhóm vấn đề ưu tiên thứ ba của Tổng thống Trump.

Các thông tin phân tích từ hình ảnh chụp của vệ tinh cho thấy, ngay trước cuộc gặp lần này, Trung Quốc đã gần như hoàn tất các công trình quân sự trên những thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Các phản ứng của Mỹ trong thời gian qua chủ yếu là khẳng định quyền đi lại về hàng không và hàng hải ở khu vực theo luật pháp quốc tế cho phép. Một số quan chức dưới quyền ông Trump đã lên tiếng cảnh báo về chuyện xây dựng của Trung Quốc gần đây. Nhưng chỉ mới ở mức như thế.

Theo báo The Daily Signal, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nêu ý kiến cho rằng ông Trump rất phiền lòng về cách hành xử của chính quyền tiền nhiệm trong vấn đề Biển Đông.

“Ông ấy và các thành viên nội các đã nắm vấn đề và thống nhất là chuyện đó phải chấm dứt”, vị quan chức trên thông tin.

Ông Fred Fleitz, cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng cho rằng chính quyền Obama đã để cho Bắc Kinh lộng hành nhiều quá trong khu vực.

"Trung Quốc sẽ nhìn vào vai trò lãnh đạo của Mỹ. Tình trạng thiếu tính lãnh đạo đã cho thấy rất nguy hiểm", ông Fleitz nhận định.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng không loại trừ việc ông Trump sẽ dùng con bài Biển Đông để làm mặc cả giải quyết vấn đề ưu tiên là Triều Tiên. Việc ông nhìn nhận tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” là một yếu tố để tin theo dự đoán này.

Tôi phỏng đoán là ông Tập đến Mỹ với một gói quà hào phóng khổng lồ. Đó là đầu tư cơ sở hạ tầng ở Mỹ, và giúp Tổng thống Trump kiến tạo công ăn việc làm cho nước Mỹ như ông đã hứa"

Nhà phân tích kỳ cựu Yun Sun ở Trung tâm Stimson (Washington, Mỹ)
Mật vụ Mỹ bảo vệ ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida, nơi ông Trump sẽ tiếp ông Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters
Mật vụ Mỹ bảo vệ ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida, nơi ông Trump sẽ tiếp ông Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters

Vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền luôn là việc được đề cập trong các cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung để thỏa lòng những áp lực trong nước và cũng là vì đó là một điểm yếu của Trung Quốc ở trường quốc tế.

Ông Fleitz cho rằng ông Trump có thể đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về sự ngược đãi của Bắc Kinh đối với cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Theo một quan chức của Nhà Trắng, vấn đề nhân quyền chắc chắn sẽ được đề cập trong cuộc gặp với ông Tập.

"Tôi sẽ không thể nói thay cho quan điểm của Tổng thống, nhưng vấn đề nhân quyền là không thể thiếu đối với người Mỹ", vị quan chức cấp cao trên cho biết.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát chuyên về Trung Quốc, như ông Scott Kennedy của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cảnh báo rằng mọi thứ có thể không diễn ra đúng theo kịch bản đã soạn.

"Một điều điên rồ gì đó có thể xảy ra ngoài dự đoán, chắc chắn như vậy. Quý vị biết đó, một tin nhắn trên Twitter có thể làm thay đổi cả quỹ đạo của cuộc họp trong một chừng mực nào đó. Nhưng tôi dự đoán sẽ có rất nhiều điều từng phàn nàn không được đưa ra thương thuyết, đặc biệt là rồi phía Trung Quốc sẽ ra về, để lại những lo âu và sốt ruột… và cuối cùng để chờ xem rồi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp" - chuyên gia Kennedy nhận định.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên