23/02/2017 06:25 GMT+7

​Phát hiện 7 hành tinh giống Trái Đất, có thể có sự sống

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Các nhà khoa học NASA vừa công bố phát hiện gây chấn động về 7 hành tinh giống Trái Đất có quỹ đạo quay xung quanh một ngôi sao nhỏ trong dải ngân hà của chúng ta.

Hình ảnh mô phỏng về một trong số 7 hành tinh của hệ Trappist-1, hành tinh TRAPPIST-1f - Ảnh: NASA/JPL-Caltech
Hình ảnh mô phỏng về một trong số 7 hành tinh của hệ Trappist-1, hành tinh TRAPPIST-1f - Ảnh: NASA/JPL-Caltech

Theo hãng tin AFP, những thông tin mới về 7 hành tinh này đã được NASA công bố trên tạp chí Nature và trong một cuộc họp báo được chờ đợi rất nhiều ngày hôm qua (22-2). Phát hiện này mở ra rất nhiều hứa hẹn trong việc tìm hiểu về khả năng tồn tại của sự sống ngoài hệ Mặt trời.

Theo đó cả 7 hành tinh này đều có kích thước và khối lượng gần giống với hành tinh của chúng ta và gần như chắc chắn đều là các hành tinh đá. Ba hành tinh trong số đó có khả năng rất cao về sự tồn tại sự sống.

Các hành tinh này thuộc hệ Trappist-1, cách Trái Đất 39 năm ánh sáng, là hệ có số hành tinh có kích thước tương đương Trái Đất quay quanh một ngôi sao nhiều nhất được biết tính tới nay.  Nó cũng là hệ thuộc "vùng ôn hòa", không quá nóng và cũng không quá lạnh.

7 hành tinh quay quanh sao Trappist-1 có quỹ đạo từ 1,5 đến 12 ngày.

Ông Michael Gillon, giáo sư Đại học Liege ở Bỉ và cũng là tác giả chủ trì nghiên cứu, chỉ ra sự khác biệt trong phát hiện thiên văn học thú vị: "Ý tưởng tuyệt vời trong cách tiếp cận này là nghiên cứu về các hành tinh quay chung quanh những ngôi sao nhỏ nhất trong dải ngân hà và gần với chúng ta. Đó là điều mà không ai trước chúng tôi đã làm. Hầu hết các nhà thiên văn học đều đã chỉ tập trung vào những ngôi sao lớn như Mặt trời của chúng ta".

Ông Gillon và nhóm nghiên cứu bắt đầu theo dõi Trappist-1, còn được gọi là ngôi sao lùn "cực mát", màu đỏ, có khối lượng nhỏ hơn 10 lần so với Mặt trời bằng một kính viễn vọng từ năm 2010. Năm ngoái nhóm nghiên cứu đã công bố thông tin về 3 hành tinh trong quỹ đạo của nó.

Nếu so sánh khoảng cách giữa Mặt trời của chúng ta và các hành tinh quay quanh nó, "gia đình" của Trappist-1 "chật chội" hơn. Ngôi sao lùn và 7 hành tinh của nó có thể hoạt động "gói gọn" trong phạm vi khoảng cách từ Mặt trời tới hành tinh gần nhất của nó là Sao Thủy.

Nếu Trái Đất cũng ở khoảng cách gần như vậy với Mặt trời, nó sẽ biến thành một quả cầu lửa.

Tuy nhiên các nhà khoa học cho biết Trappist-1 phát ra nhiệt lượng nhỏ hơn đối với các hành tinh của nó. Tùy theo từng khí quyển, nhiệt độ tại 7 hành tinh có thể nằm trong khoảng từ 0 -100 độ C.

Ông Gillon và các cộng sự đã bắt đầu phân tích những thành phần hóa học trong các bầu khí quyển của những hành tinh này. Ông nói: "Có ít nhất một sự kết hợp các phân tử mà nếu điều đó tồn tại tương đối nhiều, chúng tôi có thể tự tin tới 99% để nói rằng sẽ có sự sống".

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên