21/01/2017 20:13 GMT+7

Ông Trump thích cách lãnh đạo quân sự

THÚY ĐÀO chuyển ngữ
THÚY ĐÀO chuyển ngữ

TTO - Chính sách đối ngoại của ông Donald Trump vẫn đang là một ẩn số. Các chính sách của ông là những dòng trạng thái không quá 140 ký tự trên Twitter. 

Cánh phía tây của tòa nhà Quốc hội Mỹ - nơi diễn ra lễ nhậm chức của tổng thống thứ 45 của Mỹ 
- Ảnh: Reuters
Cánh phía tây của tòa nhà Quốc hội Mỹ - nơi diễn ra lễ nhậm chức của tổng thống thứ 45 của Mỹ - Ảnh: Reuters

Cho đến giờ, những chính sách đó luôn thay đổi, không nhất quán và vô cùng sơ sài.

Ở mảng đối ngoại, ông Trump lựa chọn ba cựu tướng lĩnh và một vua dầu mỏ: Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly, cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson.

Ông Trump lựa chọn đội ngũ cho mình là những nhân vật chống đối ông, đại diện cho các quan điểm, chính sách đối lập và ông Trump sẽ là người duy nhất quyết định hành động. Các tổng thống khác đều từng làm như vậy, nhưng ý kiến trái chiều chỉ thể hiện sau cánh gà.

Những nhân vật được bổ nhiệm lần này đều có quan điểm gay gắt với ông Trump. Các nhà phê bình rất hồ nghi về hiệu quả của mô hình này.

Rõ ràng việc bổ nhiệm cho thấy ông Trump đề cao phong cách lãnh đạo quân sự.

Trung Quốc

Trung Quốc có lẽ là vấn đề chính của chính quyền Donald Trump.

Ông xem Trung Quốc là “kẻ bắt nạt” với tham vọng bành trướng toàn cầu. Ông cho rằng Trung Quốc đang hưởng lợi từ những quan hệ thương mại gây tổn hại cho nước Mỹ, đặc biệt nhờ thao túng tiền tệ và hạn chế doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường này.

Ông Trump còn cáo buộc Trung Quốc sử dụng các cuộc tấn công mạng để ăn cắp bí mật quân sự, thương mại và cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã không hành động gì trước mối đe dọa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Thêm vào đó là những tranh chấp ở khu vực Biển Đông và Hoa Đông. Ông Trump cũng khẳng định biến đổi khí hậu chỉ là cái cớ để Trung Quốc hưởng lợi ích cạnh tranh kinh tế.

Ông Trump chắc chắn sẽ gây áp lực cho Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Một số đòn bước đầu là việc tiếp nhận điện thoại từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và tuyên bố xem lại chính sách “Một Trung Quốc”. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuyên bố Đài Loan là vấn đề “không thể thương lượng”.

Mới đây, Ngoại trưởng được đề cử Tillerson đã tuyên bố Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt đòi chủ quyền và quân sự hóa các đảo tôn tạo trái phép ở Biển Đông.

Ông Trump dự định dùng thương mại làm đòn bẩy để bắt buộc Trung Quốc thay đổi hành xử. Nhưng ông cũng tuyên bố sẽ cho tái thiết quân đội Mỹ, đặc biệt là hạm đội Thái Bình Dương. Dường như Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần đến một “cuộc đối đầu”.

Nhật Bản

Trong hai tháng qua, Nhật Bản đã cố gắng tìm hiểu chính sách đối ngoại của ông Trump, thậm chí Thủ tướng Shinzo Abe còn thân chinh sang Mỹ nói chuyện với ông Trump tại New York.

Vấn đề quan trọng với Nhật Bản đã được ông Tillerson giải quyết: Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công ở biển Hoa Đông, mặc dù ông Trump có cằn nhằn Tokyo không đầu tư đủ cho quân sự nước mình.

Gần đây, không còn thấy ông kêu gọi Nhật Bản trở thành một cường quốc hạt nhân nữa.

Tuy vậy, ông Trump tiếp tục có những bình luận tiêu cực về Nhật Bản. Ông cho rằng Nhật Bản, cùng với Trung Quốc và Mexico, phải chịu trách nhiệm về sự mất cân bằng thương mại của Mỹ.

Gần đây, ông Trump đã khuyến cáo Hãng Toyota về việc áp mức thuế cao với dòng xe xuất xưởng tại một nhà máy mới ở Mexico. Ông Trump thật sự nghiêm túc về một chính sách bảo hộ mới.

Nhật Bản không che giấu việc nước này đang băn khoăn có nên từ bỏ chính sách ngoại giao xoay quanh nước Mỹ hay không.

Philippines

Tổng thống Rodrigo Duterte đã khiến mình trở thành nhân vật bị cả thế giới chú ý bởi những chính sách thanh trừng tội phạm ma túy. Để dằn mặt Mỹ, ông Duterte đã bắt tay với Trung Quốc, chấp nhận các thỏa thuận thương mại ưu đãi và dần rời bỏ liên minh quân sự với Mỹ.

Ông Trump đã hội đàm với ông Duterte và chúc mừng chiến dịch truy quét ma túy ở nước này. Hai nhà lãnh đạo dường như đã quyết tâm cho một mối quan hệ vững mạnh. Ông Duterte đã tạo được một vị thế đáng ghen tị cho Philippines, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều phải tìm cách lấy lòng quốc gia này.

Bán đảo Triều Tiên

Chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đang ngày càng gây tranh cãi. Cả ông Trump và nội các của mình đều công nhận sự nghiêm túc của Triều Tiên trong vấn đề phát triển tên lửa xuyên lục địa có khả năng bắn tới Mỹ và sẽ có hành động mạnh mẽ đáp lại việc này.

Tuy nhiên, ông Trump cũng bày tỏ sẵn sàng gặp mặt ông Kim.

Chính sách của chính quyền Trump đối với Hàn Quốc vẫn còn là ẩn số. Quyết định buộc tội mới đây đối với Tổng thống Park Geun Hye có thể dẫn đến thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại, tùy thuộc vào người sẽ thay thế bà này.

Các đảng cánh tả ở Hàn Quốc ủng hộ Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, trong khi những đảng khác lại muốn sự có mặt của Mỹ ở đây.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng nêu ý kiến ủng hộ việc rút quân, nhưng gần đây lại cam kết bảo vệ Hàn Quốc. Hàn Quốc và Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực. Có vẻ ông Trump hiểu rất rõ điều này.

Những động thái đầu tiên của ông Trump trong chính sách đối ngoại cho thấy sẽ không có một chủ đề, nguyên tắc hay tư tưởng nhất quán nào cả. Các quyết định sẽ mang tính sự vụ. Thiếu nhất quán sẽ là phong cách thường trực. Thay đổi và sửa đổi sẽ không bao giờ chấm dứt.

Nhưng phải thừa nhận là mô hình hỗn loạn đó mang lại những giá trị nhất định: tính bất đoán định của ngoại giao Mỹ sẽ khiến các quốc gia phải cẩn trọng hơn và ít gây hấn với nhau hơn. Hoặc cũng có thể khiến mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tiếp tục phát triển quan hệ với Việt Nam

Nhìn chung, ông Trump nhìn nhận rất tích cực về mối quan hệ với Việt Nam và muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ này. Có vẻ như ông Trump sẽ tiếp tục tăng cường các thỏa thuận hợp tác an ninh Việt - Mỹ.

Quyết tâm gia cố vị thế của Mỹ ở Biển Đông của chính quyền Donald Trump sẽ có lợi cho Việt Nam trong quá trình giải quyết những khúc mắc về tranh chấp lãnh thổ ở khu vực.

Việt Nam là quốc gia có lợi nhiều nhất nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực hiện. Vì vậy, thất bại của TPP sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ.

TPP có thể được cứu vãn thông qua đàm phán với các nước khác trong khu vực. Đồng thời, chỉ riêng việc đàm phán hiệp ước này đã mang lại những tiến bộ nhất định cho nền kinh tế Việt Nam.

Dù có thế nào, Việt Nam vẫn luôn duy trì “chính sách đối ngoại độc lập” lâu nay của mình.

Tiến sĩ TERRY F. BUSS

 

THÚY ĐÀO chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên