16/03/2016 10:53 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ kẹt cứng giữa các xung đột chồng lấn

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào giữa tình thế rối ren của những cuộc khủng hoảng an ninh chồng chéo. Họ phải cố gắng giải quyết rắc rối này mà không làm phức tạp thêm rắc rối khác.

Những người phụ nữ đau khổ bên quan tài một trong những nạn nhân thiệt mại trong vụ đánh bom xe liều chết ngày 13-3 vừa qua tại Ankara - Ảnh: Getty Images
Những người phụ nữ đau khổ bên quan tài một trong những nạn nhân thiệt mạng của vụ đánh bom xe liều chết ngày 13-3 vừa qua tại Ankara - Ảnh: Getty Images

Kể từ tháng 7 năm ngoái tới nay, hàng trăm binh sĩ và dân thường đã thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo BBC, những kẻ đánh bom liều chết đã lao vào các đám đông người biểu tình và du khách. Ngay cả các đoàn xe quân đội cũng trở thành mục tiêu bị tấn công ngay giữa trung tâm thủ đô Ankara.

Rối như canh hẹ

Phong trào nổi dậy của người Kurd dai dẳng từ rất lâu những tưởng đã gần đạt một nghị quyết đồng thuận với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau rất nhiều nỗ lực gắn kết đã một lần nữa bùng phát trở lại.

Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với số lượng quá lớn người tị nạn đến từ Syria và các nước khác. Chính phủ nước này bị dồn áp lực phải ngăn chặn dòng người nhập cư đổ vào châu Âu, đồng thời phải ngăn ngừa cả lực lượng thánh chiến trà trộn trong đó.

Ở một phương diện khác, Washington cũng gây áp lực buộc Ankara phải đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Các máy bay chiến đấu của Nga từng đi vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới phản ứng bắn rơi máy bay Nga của nước này và cơn thịnh nộ sau vụ việc đã khiến điện Kremlin một lần nữa thể hiện sức mạnh ở Trung Đông.

Vụ đánh bom xe ngày 13-3 làm ít nhất 37 người chết - Ảnh: AP
Vụ đánh bom xe ngày 13-3 làm ít nhất 37 người chết - Ảnh: AP

Khủng hoảng an ninh chồng chéo

Thật sự lúc này Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào giữa tình thế rối ren của những cuộc khủng hoảng an ninh chồng chéo. Họ phải cố gắng giải quyết rắc rối này mà không làm phức tạp thêm rắc rối khác.

Với mỗi cuộc đánh bom xảy ra, tình thế hiểm nguy ở Thổ Nhĩ Kỳ dường như lại càng trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết.

Trong số gần nửa tá hoặc nhiều hơn thế các vụ đánh bom xảy ra trong vòng chín tháng qua (chuỗi bất ổn bắt đầu sau hai năm tương đối bình yên), hầu hết các vụ đều đã được quy trách nhiệm cho IS.

Cuối tuần rồi, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục nã pháo vào các cứ điểm của IS bên kia biên giới Syria.

Tuy nhiên chính phủ ở Ankara vẫn chỉ đổ tội cho các chiến binh người Kurd trong vụ đánh bom ở Ankara ngày chủ nhật 13-3, và vụ tấn công các quân nhân hồi giữa tháng 2 làm 28 người thiệt mạng.

Hơn 100 người khác bị thương trong vụ đánh bom xe ngày 13-3 - Ảnh: AP
Hơn 100 người khác bị thương trong vụ đánh bom xe ngày 13-3 - Ảnh: AP

Thỏa thuận ngừng bắn hai năm giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng du kích của Đảng công nhân người Kurd (PKK) đã bị phá bỏ mùa hè năm ngoái. Theo Tổ chức khủng hoảng quốc tế, hơn 340 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ và ít nhất 300 chiến binh người Kurd cùng hơn 200 dân thường đã thiệt mạng.

Trên thực tế, hiệp ước hòa bình mong manh đã bắt đầu rạn nứt từ sáu tháng trước đó khi lực lượng người Kurd buộc tội chính phủ tổng thống Erdogan đã không làm gì để ngăn cản cuộc tấn công của IS vào thị trấn Kobane ở bắc Syria.

Sau đó Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cho phép lực lượng chiến binh Peshmerga người Kurd từ quốc gia láng giềng Iraq tham gia cuộc chiến bảo vệ Kobane, kết hợp với các đợt không kích của Mỹ.

Tuy nhiên việc quân đội và cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ dùng bạo lực ngăn cản những người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ tinh thần đoàn kết với những người anh em Syria của họ đã làm nhức nhối trở lại những vết thương cũ.

Những người Kurd tin rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã lén lút hợp tác với IS, tạo điều kiện cho chúng dễ dàng vượt qua biên giới và thậm chí nhiều người còn nói chính phủ đã cung cấp cả vũ khí cho IS.

Trong năm qua có ít nhất 4 vụ tấn công được cho là do IS tiến hành đã nhằm vào các nhà hoạt động người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd tin rằng chính quyền ở Ankara đã không làm gì để ngăn chặn các vụ tấn công đó.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đang theo dõi với đầy lo lắng, thất vọng về mối quan hệ gắn bó hơn giữa Washington, đồng minh trong khối NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, và các chiến binh người Kurd ở Syria (YPG) - những người mà họ xem như chi nhánh của PKK mà họ đã chống lại suốt từ năm 1984.

Chính quyền của Tổng thống Obama đã xem YPG như một đồng minh cốt lõi trong cuộc chiến chống IS. Đó là lý do vì sao khi phái viên của Mỹ là Brett McGurk tới Kobane tháng trước để đàm phán với YPG, Tổng thống Erdogan đã tỏ ra rất tức giận. Ông đặt câu hỏi với Mỹ: “Chúng tôi hay những kẻ khủng bố ở Kobane đang là đối tác của các anh?”

Ông Erdogan bực mình và thất vọng về quan hệ thân thiết giữa Washington và lực lượng YPG cũng như việc Nga can thiệp tại Syria - Ảnh: AFP
Ông Erdogan bực mình và thất vọng về quan hệ thân thiết giữa Washington và lực lượng YPG cũng như việc Nga can thiệp tại Syria - Ảnh: AFP

Áp lực trước ngưỡng cửa EU

Việc Nga can thiệp vào cuộc chiến ở Syria đã càng khiến tình trạng rối ren trong khu vực này thêm phức tạp.

Từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng mục đích chính của phương Tây tại Syria là loại bỏ Tổng thống Syria Bassar al Assad. Nhưng nay điện Kremlin lại đang làm thay đổi tình hình với những động thái ủng hộ ông Assad.

Tệ hơn nữa khi trong cách quan sát của Ankara, dường như phương Tây đang cho phép Nga đưa ra những quyết định quan trọng về các vấn đề trong khu vực.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga hồi tháng 11 năm ngoái và cuộc khẩu chiến qua lại giữa hai bên sau đó đã cho thấy xu thế hỗn loạn khu vực đã diễn tiến trầm trọng như thế nào.

Cùng với đó, với việc hàng ngàn người tị nạn Syria đổ tới Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nước này cảm thấy như họ phải một mình đương đầu với gánh nặng của cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu.

Trong bối cảnh Nga đang chỉ đạo các diễn biến ở phía nam, Liên minh châu Âu đang đặt ra những yêu cầu ở phía tây, bom vẫn tiếp tục nổ ngay trên các con phố thủ đô Ankara và các khu vực do người Kurd kiểm soát lại một lần nữa xảy ra hỗn loạn, người ta không ngạc nhiên vì sao lúc này Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên lúng túng hơn bao giờ hết.

Mọi thứ bất ngờ dồn dập ập đến khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Một số thành phố nơi người Kurd kiểm soát hiện giờ trông chẳng khác gì các vùng chiến sự của Syria và hoàn toàn xa lạ với hình ảnh ở một đất nước đang mong muốn trở thành thành viên của EU.

Đây rõ ràng là một tình thế rất nhiều áp lực đang đè nặng lên chính phủ của ông Erdogan trước ngưỡng cửa EU.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên