Ông Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: Việt Dũng |
Ông cũng nêu quan điểm về một số vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm và tiết lộ một số chi tiết có liên quan.
Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng thay mặt Nhà nước để điều tra, truy tố tội phạm có đội ngũ, phương tiện, phương pháp và có quyền lực. Đứng trước sức mạnh tổng hợp như vậy thì một công dân hoặc một vài công dân là yếu thế. Đối với những nền tư pháp văn minh thì xu hướng chung là phải bảo vệ người yếu thế |
Im lặng không có nghĩa là không nói gì
* Thưa ông, “quyền im lặng” là thuật ngữ mà báo chí, đại biểu Quốc hội quen dùng trong thời gian qua, nhưng dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) mà ông là trưởng ban soạn thảo đã đưa ra quy định: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc phải nhận mình có tội”, xin ông giải thích lý do đưa ra quy định này?
- Đúng là báo chí cũng như công chúng đang dùng thuật ngữ “quyền im lặng”. Vậy xuất phát của cụm từ này ở đâu mà có?
Theo tôi, có lẽ là do ảnh hưởng của phim ảnh. Phim của châu Âu, phim Mỹ thì thường mô tả câu đầu tiên khi điều tra viên, công tố viên bắt người bị tình nghi thường nói rằng “anh có quyền giữ im lặng, mọi lời nói của anh từ lúc này có thể là bằng chứng chống lại anh”.
Quốc hội thảo luận 3 bộ luật quan trọng Trọng tâm của tuần làm việc này của kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII là các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về các dự án: Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Mỗi dự án bộ luật sẽ được dành trọn một ngày thảo luận. |
Nhưng thực chất trong luật của nhiều quốc gia cũng như trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền chính trị và dân sự của công dân thì thuật ngữ “quyền im lặng” không được dùng.
Công ước của Liên Hiệp Quốc viết rằng người bị tình nghi, bị can, bị cáo, bị tạm giữ có quyền không đưa ra chứng cứ chống lại mình và không buộc phải nhận mình có tội.
Dự thảo luật của chúng ta cũng quy định như vậy. Lý do, thứ nhất đây là một trong những quyền con người đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013 và việc dự thảo bộ luật đưa nội dung này vào là thực hiện nhiệm vụ cụ thể hóa một nội dung đã được hiến định.
Thứ hai, VN là một trong những quốc gia đầu tiên đặt bút ký vào Công ước của Liên Hiệp Quốc, vì vậy chúng ta phải có bổn phận thực hiện những điều mình đã cam kết.
Thứ ba, đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn. Thực tế cho thấy chúng ta đã làm tốt rất nhiều việc, nhưng bên cạnh đó cũng có những vi phạm về quyền con người, cũng có những án oan, sai như giám sát của Quốc hội đã chỉ ra.
Đây là yêu cầu, đòi hỏi chúng ta phải quy định vấn đề này vào dự thảo bộ luật.
Vậy ý nghĩa của nó là gì? Như trên tôi nói thì trước hết đó là quyền con người. Nhưng đồng thời nó cũng góp phần hạn chế oan, sai, hạn chế tình trạng bức cung, nhục hình khi quyền này được bảo đảm, tức là nó sẽ làm cho hoạt động tố tụng đúng đắn hơn.
* Như vậy người bị bắt, bị can được sử dụng “quyền im lặng”?
- Khi sử dụng quyền này, khác với suy nghĩ của một số ý kiến rằng “quyền im lặng” tức là người bị tình nghi không khai báo gì. Không phải như vậy.
Có những việc thuộc quyền của người ta, người ta không buộc phải khai báo, nhưng có những việc nếu không khai báo thì sẽ phạm tội. Không khai báo về hành vi phạm tội của chính mình, không buộc phải nhận mình có tội thì đấy là quyền.
Khi người ta sử dụng quyền này thì các cơ quan tiến hành tố tụng không được xem đó như là tình tiết tăng nặng để làm xấu hơn tình trạng của bị can, bị cáo.
Thế còn anh biết tội phạm của đồng bọn, của những người cùng phạm tội mà không khai báo thì sẽ phải chịu tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm.
Trở lại câu chuyện tại sao thế giới người ta đặt ra lý luận như vậy? Trước hết phải xuất phát từ thực tiễn của quá trình điều tra. Khi một sự kiện phạm tội xảy ra thì có thể do một hoặc một số người gây nên. Quá trình điều tra tội phạm thực chất là quá trình thu hẹp dần các đối tượng bị tình nghi.
Có thể ban đầu số lượng người có mặt tại hiện trường, có quan hệ với nạn nhân, có thể liên quan đến vụ án là rất nhiều, cơ quan điều tra đưa họ vào vòng ngắm, trong quá trình điều tra thì diện đối tượng sẽ được thu hẹp lại, loại trừ bớt đi và đến cuối cùng khi vụ án được làm sáng tỏ thì chỉ tìm ra một hoặc vài người phạm tội.
Như vậy, trong quá trình điều tra, với rất nhiều người bị tình nghi, người ta chưa phải là tội phạm mà lại đối xử như tội phạm, không tôn trọng quyền của người ta thì không thể được.
Cạnh đó, chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng thay mặt Nhà nước để điều tra, truy tố tội phạm có đội ngũ, phương tiện, phương pháp và có quyền lực.
Đứng trước sức mạnh tổng hợp như vậy thì một công dân hoặc một vài công dân là yếu thế. Đối với những nền tư pháp văn minh thì xu hướng chung là phải bảo vệ người yếu thế.
Trước yêu cầu như trên thì người ta đặt ra vấn đề là phải quy định quy trình tố tụng mạch lạc, chặt chẽ, công khai, có sự tham gia của nhiều bên.
Đồng thời người ta đặt ra vấn đề là phải cho phép người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có một cái quyền cuối cùng để tự bảo vệ là quyền không nói gì về hành vi phạm tội của mình, chờ đến khi có điều kiện chín muồi như là có sự tham gia của luật sư hoặc khi chính người ấy bình tĩnh, tự tin hoặc khi chuẩn bị đầy đủ tài liệu để sẵn sàng cho một cuộc làm việc.
* Tức là không được hiểu “quyền im lặng” là quyền không phải nói gì?
- Im lặng không có nghĩa là không nói gì. Im lặng là quyền mà người bị tạm giữ, bị bắt, bị can, bị cáo dùng để tự bảo vệ mình trong những thời điểm thích hợp.
Khi chúng tôi nghiên cứu để dự thảo bộ luật này, có những quốc gia người ta quy định cho phép bị can, bị cáo có quyền giữ im lặng cho đến khi mở phiên tòa, kể cả khi có luật sư ở đấy thì người ta vẫn có quyền im lặng trước cơ quan điều tra và người lên tiếng thay bị can, bị cáo là luật sư của họ.
Với chúng ta, thực tiễn cho thấy vẫn cần có lời khai của bị can, bị cáo.
Chúng ta phải nhìn từ nhiều góc độ. Với bị can, bị cáo nếu họ sử dụng quyền im lặng thì thực tế họ đã từ bỏ mất quyền khác.
Ví dụ anh hợp tác tốt với cơ quan điều tra thì anh được hưởng các chính sách khoan hồng khác của pháp luật, bao gồm như xử dưới khung hình phạt, xử tội nhẹ và thậm chí hợp tác tốt với cơ quan điều tra để tìm ra tội phạm mới, có công khai báo thì thậm chí được đình chỉ điều tra không truy tố nữa.
“Tại sao tôi xin lỗi?”
* Theo ông, kết quả giám sát oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự mà Quốc hội tiến hành trong thời gian qua có ý nghĩa như thế nào cho việc hoàn thiện pháp luật?
- Tôi cho rằng đây là cuộc giám sát rất bổ ích ở cả hai khía cạnh xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Đối với thực thi pháp luật, ít nhất đây là một lời cảnh tỉnh của Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất - đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Quốc hội đã khẳng định tỉ lệ các vụ oan, sai rất nhỏ trong tổng số các vụ án, nhưng đây là vấn đề nhức nhối.
Cho nên, dẫu ít thì chúng tôi cũng thấy đau với nỗi đau của người bị oan, với bức xúc của dư luận. Chỉ khi nào những người tiến hành tố tụng cũng đau như nỗi đau của người bị oan thì chúng ta mới có quyết tâm cao để sửa chữa.
* Trước Quốc hội, ông đã thay mặt ngành kiểm sát gửi lời xin lỗi tới những người bị oan và gia đình họ. Nhưng đa số các vụ oan, sai được phát hiện là xảy ra trước khi ông nhận nhiệm vụ viện trưởng Viện KSND tối cao và ông là người ký quyết định “giải oan”, vậy ông phải là người có công chứ tại sao lại xin lỗi?
- Tôi rất cảm ơn bạn đã đưa ra câu hỏi kèm đánh giá này. Đúng là những vụ án oan, sai phát hiện vừa rồi phần lớn đã xảy ra từ lâu, được ngành kiểm sát phát hiện, làm rõ và có những xử lý đúng mực.
Tôi nhớ, trước khi đặt bút ký quyết định giám đốc thẩm đối với vụ của anh Nguyễn Thanh Chấn thì tôi đã lên trại giam gặp anh ấy để xác minh, nghe cán bộ giám thị trại giam báo cáo, cùng với nghiên cứu hồ sơ.
Giám thị trại giam tâm sự với tôi rằng “anh Chấn tự sát mấy lần rồi, may mà đều được phát hiện và can ngăn, cấp cứu nên anh ấy còn sống, chứ anh Chấn chết chắc em bị kỷ luật rồi và giờ này chắc là day dứt lắm”. Tôi cứ suy nghĩ mãi về câu chuyện này.
Tại sao tôi xin lỗi? Trước hết là với tư cách người đứng đầu ngành có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp thì rõ ràng trong quá trình kiểm soát hoạt động tư pháp cũng có thiếu sót, dẫn đến các trường hợp oan, sai.
Thứ hai, tôi mới được Quốc hội bầu làm viện trưởng Viện KSND tối cao bốn năm thì không có nghĩa tôi chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động của ngành trong bốn năm này.
Những gì trước đó xảy ra, tôi thay mặt ngành phải có lời nói trước Quốc hội và cử tri, qua đó tôi muốn đưa ra một thông điệp đến tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành là nhận lỗi trước những thiếu sót, thậm chí sai lầm của ngành mình để cùng nhau sửa chữa, để cho việc thực thi pháp luật, kiểm soát hoạt động tư pháp trong tương lai tốt hơn.
* Trong báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội có kiến nghị đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể, xin hỏi là với trách nhiệm của mình ông đã và sẽ tiếp cận với những vụ này như thế nào?
- Đối với các vụ bồi thường khi đã chứng minh là oan, trong trách nhiệm của mình thì chúng tôi đã và sẽ tích cực giải quyết triệt để, chúng tôi suy nghĩ rằng đã gây ra oan cho dân thì phải bồi thường thỏa đáng và càng sớm càng tốt.
Còn về những vụ oan, sai cụ thể thì với những vụ đã được chứng minh, có căn cứ chúng tôi đều xử lý. Những người gây ra oan cho ông Chấn, những người bức cung, dùng nhục hình trong vụ này, vụ khác chúng tôi đều đã khởi tố, thậm chí bắt giam và xử lý.
Thế còn đối với những vụ án mà có dư luận đặt ra thì chúng tôi đã xem xét rất nhiều lần, đặc biệt là các vụ Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng, Hồ Duy Hải ở Long An, Lê Bá Mai ở Bình Phước đã có kết luận, vụ Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận thì đang tiếp tục xem xét.
Tôi nói ví dụ như vụ Hồ Duy Hải thì chúng tôi đã kết luận rồi, sau khi lập đoàn công tác liên ngành có sự tham gia của cơ quan Quốc hội, Ban Nội chính trung ương, tòa án, công an và nghiên cứu của các chuyên gia độc lập thì kết luận cuối cùng là không oan mặc dù trong vụ việc này có sai sót trong quá trình điều tra.
Trước diễn đàn Quốc hội, tôi không muốn đề cập đến vấn đề cụ thể, nhưng nay bạn hỏi thì tôi xin nói một chi tiết cụ thể để dư luận được rõ.
Ví dụ, có ý kiến nói rằng tại sao cơ quan điều tra không thu hồi cái thớt? Tôi đồng ý rằng đây là sai sót của cơ quan điều tra. Nhưng cũng phải thông cảm với cơ quan điều tra rằng tại thời điểm khám nghiệm hiện trường thì không ai có thể hình dung được cái thớt đó là hung khí.
Cái thớt lúc đó chỉ là đồ vật như rất nhiều đồ vật tại hiện trường. Chỉ sau này bắt được hung thủ thì hung thủ mới khai ra là nạn nhân chạy, hung thủ túm chân nạn nhân bị ngã, cái thớt rơi xuống nên hung thủ cầm thớt đập vào đầu nạn nhân, sau đó lấy dao cắt cổ nạn nhân.
Nếu như có cái dao ở đấy mà cơ quan điều tra không thu mới là khuyết điểm lớn, nhưng trong tình huống đó không ai nghĩ cái thớt là hung khí.
Lời khai có quan trọng?
* Trong phiên thảo luận tại tổ, một số đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu công tác trong ngành công an, cho rằng quy định như dự thảo có thể gây thêm khó khăn cho quá trình điều tra vụ án. Ông nghĩ gì về ý kiến này? - Hãy quay trở lại với nguyên lý của quá trình điều tra, chứng minh tội phạm. Tôi xin nhấn mạnh bốn nguyên lý rất quan trọng. Thứ nhất, trách nhiệm điều tra, chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng mà trước hết là cơ quan điều tra, cơ quan công tố chứ không phải là của bị can, bị cáo. Thứ hai, trọng chứng hơn trọng cung, đây là bài học đầu tiên của mọi điều tra viên. Thứ ba, lời khai của bị can, bị cáo chỉ được sử dụng làm bằng chứng trước tòa khi nó phù hợp với các chứng cứ khác. Thứ tư, lời khai của bị can, bị cáo không được sử dụng trước tòa khi nó là chứng cứ duy nhất. Bỗng dưng có một người đứng ra nhận là mình giết người thì không thể kết tội anh ta khi không tìm thấy xác chết ở đâu, không lý giải được anh ta giết người lúc nào, bằng hung khí gì, có để lại dấu vết gì... Chứng cứ phải phù hợp với lời khai thì mới kết tội được. Như vậy lời khai có quá quan trọng với tiến trình làm sáng tỏ vụ án không? Rõ ràng là không. Kết quả chứng minh của các cơ quan tiến hành tố tụng mới là quan trọng, là yếu tố quyết định chứ không phải lời khai. Vậy thì ai đó nói rằng là do mấy ông này không khai nên ảnh hưởng đến quá trình điều tra thì rõ ràng chúng ta đang yếu về năng lực điều tra, chứng minh tội phạm. Cho nên, nếu cứ hiểu rằng đưa quyền này ra thì tốt cho bị can, bị cáo, làm bất lợi cho cơ quan điều tra thì hoàn toàn không phải. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận