Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, một số đại biểu cho rằng quy định “quyền im lặng” trong Bộ luật tố tụng hình sự là “dung túng cho tội phạm - Ảnh tư liệu. |
Trong khi đó, ai cũng biết rằng “quyền im lặng” là một trong các quyền con người, là một phần của quyền được bình đẳng trước tòa án, quyền được xét xử công bằng, quyền của con người khi bị tình nghi phạm tội và đang bị điều tra, truy tố, xét xử.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quy định “quyền im lặng” trong tố tụng hình sự và theo họ thì việc quy định như vậy mới là tiến bộ, mới bảo đảm cho người bị bắt, bị can, bị cáo được thực hiện quyền bào chữa một cách tuyệt đối.
Ở những nước này, trước khi thẩm vấn, điều tra viên (cảnh sát), kiểm sát viên, thẩm phán phải thông báo: “Anh (chị) có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa”. Chúng ta xem phim hình sự nước ngoài cũng thường nghe câu này.
Ở nước ta, Bộ luật tố tụng hình sự chưa quy định “quyền im lặng” của người bị bắt giữ nếu không có luật sư từ giai đoạn điều tra và trong suốt giai đoạn tố tụng. Bởi vì nhiều người bị oan sai khi được minh oan đều khai mình bị bức cung, nhục hình nhưng họ không thể chứng minh được vì không có bằng chứng.
Nếu được “im lặng” khi chưa có luật sư thì chắc chắn sẽ hạn chế được việc “bức cung, nhục hình”, còn việc chứng minh tội phạm là việc của cơ quan điều tra.
Thực tế có những vụ án tại phiên tòa bị cáo giả câm, giả điếc hoặc chối tội, phủ nhận lời khai trước đó hoàn toàn.
Có thẩm phán “non tay” thì hoãn phiên tòa hoặc rất lúng túng khi xử lý, nhưng cũng có những thẩm phán dày dạn kinh nghiệm xét xử, không chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo mà còn căn cứ vào nhiều bằng chứng khác để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.
Tuy nhiên, số lượng thẩm phán như vậy không nhiều, bởi thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua cho thấy trình độ của điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán còn nhiều hạn chế nên chỉ căn cứ vào lời khai của bị can bị cáo để buộc tội mà không coi trọng chứng cứ để tiếp cận hơn với sự thật của vụ án.
Hơn nữa, trong các vụ oan sai thời gian qua phần lớn không phải do các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện mà do có thủ phạm ra đầu thú hoặc do các lý do khác.
Điều đó hoàn toàn có thể khiến người dân đặt dấu hỏi về trình độ của các điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán trong quá trình tiến hành các thủ tục tố tụng.
Nếu các cơ quan tố tụng thừa nhận do đội ngũ cán bộ chưa thể đáp ứng được yêu cầu, chưa thể phân tích đánh giá trên bằng chứng mà buộc tội bị can bị cáo thì kiến nghị rõ để không luật hóa điều này chứ không nên cho rằng “quyền im lặng” là vô lý hay dung túng cho tội phạm.
Do đó, nếu quy định “quyền im lặng” trong Bộ luật tố tụng hình sự thì không chỉ hạn chế được oan sai mà chúng ta còn được thế giới hoan nghênh.
Cùng với việc “luật hóa” quyền này thì Bộ luật tố tụng hình sự có thể quy định thêm các điều khoản mới để đảm bảo người bị bắt, bị can, bị cáo có luật sư hỗ trợ trong suốt quá trình điều tra.
Chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự lần này là một dịp để các chuyên gia và người dân góp ý. Do vậy, cũng cần phải có cách nhìn thế nào cho toàn diện, chứ không nên vội vàng quy chụp cho những lý do nào đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận