​Phép vua rồi lại thua... lệ làng?

NGUYỄN HÀ (Biên Hòa, Đồng Nai)
NGUYỄN HÀ (Biên Hòa, Đồng Nai)

TT - Mấy năm gần đây, tuy đã bỏ kỳ thi học sinh giỏi tiểu học cấp quốc gia nhưng những cuộc thi “biến tướng” khác lại mọc lên như nấm sau mưa.

Mới nghe kể tên thôi, người lớn còn đổ mồ hôi chứ chưa nói đến con trẻ. Nào là thi giải toán bằng tiếng Việt, tiếng Anh trên mạng, thi tiếng Anh trên mạng, thi giao lưu Olympic toán, tiếng Việt, tiếng Anh, tin học trẻ...

Các cuộc thi được tổ chức từ cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp quốc gia.

Đã thi là nói đến thành tích. Và thế là trong biểu điểm thi đua từ cấp trường đến cấp huyện đều có thang điểm cho các cuộc thi này. Chỗ tôi dạy, phòng GD-ĐT xét thành tích của thầy trò từ cấp quốc gia trở xuống.

Trường nào không có danh hiệu cấp quốc gia hay tỉnh thì đừng nói đến việc đạt mức thi đua như đã đăng ký đầu năm. Không có giải cắt thi đua là chuyện thường. Vậy là các cuộc thi này đều được tất cả trường học nhắm tới để có giải bằng mọi cách.

Ngay từ đầu năm học, các trường đã lao vào “luyện gà chọi” để tham gia các cuộc thi học sinh giỏi. Trường ít cũng hàng chục tiết mỗi tuần. Giáo viên ngoài thời gian lên lớp, làm hồ sơ, hội họp đã tối tăm mặt mũi, còn phải bỏ ra khá nhiều thời gian dạy bồi dưỡng cho các em.

Dạy không một đồng thù lao vì chẳng có quy định nào của Nhà nước chi trả tăng giờ cho bồi dưỡng học sinh giỏi ở tiểu học cả.

Thế nhưng, năm nào không có học sinh đạt thành tích cao, giáo viên sẽ bị hiệu trưởng phê bình tới lui và còn cho là không biết cách dạy học sinh giỏi. Chua chát làm sao!

Thầy toát mồ hôi đã đành, học trò còn vất vả, cực khổ gấp trăm lần, thậm chí có em còn sợ vào đội tuyển học sinh giỏi. Có quá nhiều cuộc thi nhưng trong một năm học chỉ có chín tháng nên thời gian tổ chức thi của các cấp kín mít.

Ở cấp trường, hết tiếng Anh lại đến toán tiếng Việt. Xong toán tiếng Việt lại đến toán tiếng Anh trên mạng, còn giao lưu Olympic toán, tiếng Việt, tiếng Anh; rồi tới cấp huyện, cấp tỉnh, quốc gia.

Có năm nhiều em một tuần phải dự đến ba cuộc thi. Ôn luyện đã chóng mặt, thi càng chóng mặt, nhọc nhằn hơn. Học sinh bội thực thi học sinh giỏi là đương nhiên. Chính người lớn chúng ta đã tạo áp lực quá lớn lên con trẻ, lôi các em vào guồng quay của bệnh thành tích.

Mừng vui đấy với chỉ thị của Bộ GD-ĐT, nhưng giáo viên chúng tôi vẫn không có niềm tin nó sẽ trở thành hiện thực.

Nói vậy bởi vì có rất nhiều thông tư, chỉ thị, công văn quy định về việc giảm bớt hồ sơ sổ sách cho giáo viên, hướng dẫn thực hiện thông tư 30... không được triển khai đến tay giáo viên mà chúng tôi chỉ nghe qua báo chí.

Ngay như thông tư 30 mới ban hành không có kiểm tra giữa kỳ 1, nhưng học sinh địa phương tôi vẫn phải làm bài thi!

Làm sao để những chỉ đạo của Bộ GD-ĐT phải được phòng, sở các tỉnh thực hiện một cách triệt để và nghiêm túc? Nếu không thì tình trạng “phép vua thua lệ làng” vẫn còn xảy ra dài dài.

NGUYỄN HÀ (Biên Hòa, Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên