17/04/2017 11:33 GMT+7

Triều Tiên - Vì sao căng thẳng?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Bình Nhưỡng đã năm lần thử hạt nhân và hơn chục lần bắn thử các loại tên lửa. Không biết bao nhiêu lời răn đe, không biết bao nhiêu biện pháp trừng phạt đã được công bố nhưng có vẻ đâu vẫn hoàn đấy. Vì sao vậy?

Binh lính Triều Tiên trong lễ duyệt binh ngày 15-4 - Ảnh: Reuters
Binh lính Triều Tiên trong lễ duyệt binh ngày 15-4 - Ảnh: Reuters

Kỳ 1: Khi các nghị quyết bị phớt lờ

“Sự kiện trọng đại” mà chính quyền Bình Nhưỡng loan báo mập mờ có vẻ thực ra chỉ là cuộc diễu binh rầm rộ cùng không khí lễ hội khắp nước. Một tên lửa tầm trung bắn đi (nhưng hỏng sớm) vào sáng sớm 16-4 có vẻ chỉ là cuộc thử nghiệm theo thông lệ dịp lễ.

Trong không khí căng thẳng được đẩy lên đỉnh điểm với những tuyên bố mạnh mẽ từ Mỹ thì mọi cặp mắt đều dồn vào cuộc diễu binh không giấu giếm của Bình Nhưỡng.

Chủ động khoe hàng

Quả thực lực lượng tên lửa, trong số đó có ít nhất sáu tên lửa đạn đạo tầm trung Pukkuksong-1, đã được phô diễn.

“Cái đinh” của cuộc diễu binh thị uy đó chính là các tên lửa Pukkuksong-1 này, còn được gọi tắt là tên lửa KN-11.

Đặc điểm của lớp tên lửa KN-11 này là có thể được phóng đi từ tàu ngầm. Lớp tên lửa KN-11 này tương tự các lớp tên lửa của Liên Xô cũ R-27 hoặc SS-N-6 của Serbia...

Tuy hao hao giống song không có nghĩa là KN-11 là bản sao chính xác của tên lửa SS-N-6 của Serbia (nguồn: missilethreat.csis).

Tên lửa với dòng chữ trên thân ghi “Pukkuksong” được giới thiệu trong cuộc diễu binh ngày 15-4 - Ảnh: Reuters
Tên lửa với dòng chữ trên thân ghi “Pukkuksong” được giới thiệu trong cuộc diễu binh ngày 15-4 - Ảnh: Reuters

Một “cái đinh” khác là các tên lửa mà giới quan sát cho là giống lớp KN-08, tức tên lửa liên lục địa đã từng thấy ở các cuộc diễu binh trước. Lớp tên lửa này được biết có tầm bắn lý thuyết khoảng 7.500km, thừa đủ để bắn tới nước Mỹ.

Cùng với các tên lửa KN-08 này, các nhà quan sát còn nhìn thấy hai thùng chứa tên lửa liên lục địa trên hai xe vận tải hạng nặng “Made in China”, và cho rằng trong đó chứa tên lửa KN-14 có tầm bắn cũng tới Mỹ ngang với tên lửa KN-08, tức khoảng 7.500km.

Việc sắp xếp cho các tên lửa KN-11, KN-08 rồi thì KN-14 cùng diễu hành ở vị trí “ngôi sao” là để làm “đẹp mặt” lãnh đạo Kim Jong Un, trước sự chứng kiến của khoảng 200 nhà báo nước ngoài được mời sang dự đại lễ kỷ niệm ngày sinh thứ 105 của ông Kim Nhật Thành (ông nội ông Kim Jong Un), hoàn toàn có cơ sở: Triều Tiên đã năm lần thử nghiệm thành công đầy đủ các hạng mục bay, tức các tên lửa này đã là khả dụng.

Quá trình thử nghiệm KN-11 phóng đi từ tàu ngầm không đơn giản diễn ra một sớm một chiều. Thoạt đầu tên lửa này được nạp nhiên liệu lỏng, song thử lần nào cũng thất bại nên đổi qua sử dụng nhiên liệu cứng và từ đó mới thành công.

Tuy nhiên, được mặt này song lại mất mặt khác: việc chuyển qua sử dụng nhiên liệu rắn làm giảm tầm bắn của KN-11 còn khoảng 900km.

Ngày 24-8 năm ngoái, một tên lửa KN-11 được phóng đi và bay được khoảng 500km thì rơi xuống vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản.

Bay được mới chỉ là một khía cạnh của thử nghiệm: còn phải phóng thành công từ tàu ngầm thực sự chứ không cứ thử từ một “cái bè” ở dưới nước (do chưa xử lý được rốt ráo những bất trắc có thể xảy ra cho chiếc tàu ngầm “dàn phóng”).

Phải thử nghiệm thành công công đoạn phóng đi từ tàu ngầm mới có thể tự chứng minh là tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm!

Thành ra, giới quan sát dự kiến đến năm 2020, tên lửa này mới thực sự được xem là có khả năng hoạt động tác chiến trọn vẹn (nguồn nêu ở trên).

Tên lửa KN-08 phóng đi từ tàu ngầm là lá bài đáng ngại nhất của Triều Tiên trong lúc này do tính lúc ẩn lúc hiện của các tàu ngầm, và khả năng bất ngờ tiếp cận các mục tiêu ở xa.

Nghị quyết răn đe cho có

Chừng đó cũng đủ để Phó nguyên soái Ryong Choi Hye, thành viên Ủy ban Quốc phòng nhà nước, hùng hổ tuyên bố trong bài phát biểu trước biển người tham gia diễu hành kỷ niệm ngày 15-4 rằng “nếu Mỹ khiêu khích, ta sẽ ngay lập tức đáp trả bằng cuộc tấn công tàn phá.

Nếu họ gây ra cuộc chiến tranh toàn diện, ta sẽ đối chọi bằng chiến tranh toàn diện.

Nếu là chiến tranh hạt nhân, họ sẽ nhận đáp trả tương ứng bằng một cuộc tấn công hạt nhân” và rằng “các mục tiêu đầu tiên sẽ là các căn cứ quân sự ở Osan, Gunsan và Pyeongtaek, cũng như Dinh tổng thống Hàn Quốc sẽ biến thành tro bụi chỉ trong vài phút”.

Thông điệp cụ thể nhất mà lãnh đạo Kim Jong Un muốn đưa ra là lực lượng tên lửa và hạt nhân Triều Tiên “không ngừng phát triển”.

Nhưng đó cũng chính là một sự vi phạm liên tục “không nể nang gì” các nghị quyết cấm chỉ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc!

Điều đáng ngại ở đây là Bình Nhưỡng cứ vi phạm miết hết nghị quyết này tới nghị quyết kia, riết rồi dẫn tới một sự “vô thức”, coi như chẳng hề đã có một lệnh cấm hay trừng phạt nào và cứ thế mà lấn tới.

Bằng chứng là từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã lần lượt thông qua năm nghị quyết áp đặt và tăng cường các biện pháp chế tài, cấm vận đối với Triều Tiên do cứ tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng dỡ bỏ chương trình hạt nhân “một cách hoàn toàn có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.

Hai nghị quyết đầu tiên được thông qua ngay sau các cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên vào năm 2006 và năm 2009. Nghị quyết thứ ba được đưa ra một tháng sau khi Triều Tiên phóng thành công “một vệ tinh” vào tháng 12-2012.

Việc phóng vệ tinh (dù là vì mục đích dân sự) được hiểu theo nghĩa “đã làm chủ kỹ thuật tên lửa đạn đạo” - điều mà Triều Tiên từng bị cấm bởi các nghị quyết trước đó của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Một nghị quyết khác cũng đã được thông qua sau cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên vào tháng 2-2013.

Đến tháng 3 năm ngoái, một nghị quyết khác đã được thông qua sau cuộc thử nghiệm hạt nhân và “phóng vệ tinh” trước đó vào đầu năm.

Các nghị quyết kể từ năm 2009 cho phép và kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc kiểm tra hàng hóa của Triều Tiên trong lãnh thổ các nước này, sau đó tịch thu và loại bỏ những hàng hóa bị cấm.

Nhưng ngay cả nghị quyết cứng rắn nhất là nghị quyết 2270 ban hành ngày 2-3-2016 vẫn còn quy định rằng việc khám xét các tàu hàng từ Triều Tiên đến hay trực chỉ Triều Tiên chỉ được thực hiện khi có nghi ngờ đủ hữu lý rằng có buôn lậu các hàng hóa bị cấm trên các tàu đó. Báo New York Times nhận định nghị quyết kiểu đó thì cũng khó thực thi!

Trừng phạt kiểu đó hèn chi chẳng răn đe được gì! Càng gây trêu ngươi hơn khi các nghị quyết đó lại cấm các nước sử dụng vũ lực để thực thi các nghị quyết này (nguồn: Arms Control Associaton)!

Hậu quả khủng khiếp

Ông Dennis Halpin, cựu cố vấn Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, viết trên tờ National Interest rằng nếu đụng độ quân sự xảy ra giữa Mỹ và Triều Tiên thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp.

Trước hết là thủ đô Seoul của Hàn Quốc cùng 10 triệu dân đang nằm trong tầm đạn pháo của láng giềng phương bắc.

Nếu Bình Nhưỡng chủ ý sử dụng vũ khí hóa học (theo ông Halpin, Triều Tiên sở hữu đến 5 tấn vũ khí hóa học) thì thảm họa xảy ra không chỉ với dân Hàn Quốc mà cả với lực lượng 28.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở các căn cứ tại Hàn Quốc. Nhật cũng sợ bị tấn công bằng vũ khí hóa học khi xảy ra xung đột.

Những con số cần được nhắc lại: trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) từng làm thiệt mạng 2 triệu người ở hai miền Triều Tiên; Mỹ mất hơn 50.000 quân và tiêu tốn khoảng 20 tỉ USD. (TÚ ANH)

>> Kỳ tới: Sóng ngầm ở Hội đồng Bảo an 

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên