Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến của thạc sĩ Trần Xuân Tiến và luật sư Dương Phúc Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM) xung quanh vấn đề tin giả, sau hàng loạt những tin giả lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Không phải chờ đến khi mạng xã hội phát triển, tin giả mới trở thành vấn nạn nghiêm trọng.
Chính trong môi trường mạng xã hội đã khiến tin giả ngày càng "vươn vòi bạch tuộc". Bất kỳ ai cũng có thể đăng tải và chia sẻ thông tin.
Mê quyền lực mạng xã hội?
Nguyên nhân khởi phát tin giả là do mâu thuẫn, xung đột về lợi ích kinh tế, quyền lợi tài chính. Với mục đích hạ bệ đối thủ hoặc tạo sự bất ổn của cộng đồng để thu lợi bất chính, nhiều cá nhân, tổ chức đã bất chấp tạo tin giả.
Đó là sự cạnh tranh không lành mạnh khi cố ý đăng tải những thông tin sai lệch, những đồn đoán vô căn cứ về đối thủ kinh doanh nhằm "giành giật" thị phần khách hàng.
Ở trường hợp khác, có những người ảo tưởng, muốn tạo ra các thông tin chấn động, gây tranh cãi nhằm thu hút sự chú ý, từ đó tạo kênh bán hàng hoặc đơn giản chỉ để được nổi tiếng, thỏa mãn hư vinh, chứng minh mình là "người biết tuốt".
Nhiều nghệ sĩ, nhân vật chính trị, người nổi tiếng bất ngờ bị loan tin mắc bệnh hiểm nghèo, qua đời hoặc dính bê bối đời tư hoặc có phát ngôn gây sốc.
Nhiều tin tức không có thực (như cháy nổ, bạo động, tai nạn…) nhưng được thêu dệt, biến tấu muôn hình vạn trạng trên môi trường không gian mạng. Tất cả đều là sản phẩm ngụy tạo của những người mê quyền lực mạng xã hội.
Việc thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng nhận biết, kiểm chứng tin giả của công chúng đã tiếp tay cho tin giả lan tràn. Tâm lý tò mò, thích "hóng drama", hay như thói quen tiếp nhận thông tin mà nhà văn Paulo Coelho từng nhận định "người ta chỉ nghe những gì họ muốn nghe" cũng là nguyên nhân dung dưỡng những tin giả xấu, độc.
Tăng cường sức đề kháng trước tin giả
Để đối phó với tin giả, nhiều quốc gia trên thế giới đã đề xuất và thực hiện hàng loạt biện pháp. Các giải pháp cần được triển khai đồng bộ bởi tất cả các bên liên quan.
Một trong những phương thức quan trọng để chữa bệnh tin giả là tăng cường sức đề kháng của công chúng. Các chương trình giáo dục (hội thảo, hội nghị, tập huấn…), các chiến dịch tuyên truyền, truyền thông đối với công chúng phải được thực hiện thường xuyên.
Công chúng, đặc biệt là người trẻ, đối tượng chủ yếu của mạng xã hội, cần cẩn trọng với tin tức, luôn kiểm chứng nguồn tin, biết cách phân tích, đánh giá thông tin và phải ý thức rõ hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo quy định.
Về phía các nền tảng truyền thông xã hội cũng như các công ty công nghệ cần tăng cường kiểm duyệt nội dung để ngăn chặn sự lan truyền của tin giả, chung tay xây dựng văn hóa truyền thông minh bạch, trung thực, an toàn và đúng pháp luật.
Áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và các thuật toán để phát hiện, loại bỏ nội dung giả mạo, sai lệch. Để tin giả hoành hành trong không gian thông tin của mình chính là từ bỏ trách nhiệm xã hội, và từ bỏ tương lai phát triển bền vững.
Cuối cùng, để xây dựng, bảo vệ môi trường truyền thông lành mạnh, đáng tin cậy, các cơ quan chức năng phải quyết liệt, mạnh tay hơn trong việc phát hiện và xử lý các hành vi đăng tải, chia sẻ tin giả.
Ngoài việc tăng cường luật hóa, xây dựng hành lang pháp lý (như hoàn thiện các quy định pháp luật là cơ sở xử lý vi phạm, hoàn thiện các quy định về chế tài), chúng ta cũng cần thúc đẩy sự liên kết hợp tác giữa các quốc gia trong công tác đối phó với tin giả ở cấp độ toàn cầu.
Đừng vì đếm like rồi nhận xử phạt
Mạng xã hội không còn ảo bởi hậu quả của tin giả, chuyện bị phạt tiền cũng là thật, thậm chí còn bị khởi tố hình sự.
Mỗi người khi tham gia mạng xã hội phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, đừng vì đếm like mà ảnh hưởng đến người khác rồi phần thiệt hại thuộc về mình. Và cũng nên có những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn những hành vi chia sẻ tin giả.
Bày tỏ bức xúc với nạn tin giả, bạn đọc Mạnh Hùng viết: "Thiệt hại rất lớn từ tin giả mà không thể cân đong đo đếm được là làm cho nhân dân hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội... Cần phải xử lý về trách nhiệm hình sự để răn đe và làm gương cho người khác nếu còn đăng tin sai sự thật. Không thể cứ lập biên bản, răn đe, giáo dục rồi lại phạt 7,5 triệu hoài nữa".
Bạn đọc Trịnh Minh Anh đề nghị cơ quan chức năng xử lý thật mạnh tay những cá nhân đăng tin gây ảnh hưởng rất xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh địa phương, về hoạt động du lịch, kinh tế... làm hoang mang dư luận trong nhân dân.
"Ngoài xử phạt tiền, nên xử phạt bổ sung bắt buộc đi lao động công ích mới đích đáng", bạn đọc Quốc góp ý.
Song Khuê
Phát tán tin giả có thể bị xử lý hình sự từ 5 đến 12 năm
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định các mức xử phạt tương ứng đối với từng nhóm hành vi vi phạm thông tin trên mạng sau đây:
- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân (điều 101).
- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm cá nhân của các trang tin điện tử (điều 99).
- Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân (điều 100).
Bên cạnh đó, việc tung tin giả cũng có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, với hành vi tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân với mục đích nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị phạt tù từ 5 - 12 năm (điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Luật sư Dương Phúc Hậu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận