08/05/2016 09:51 GMT+7

Tiền không là tất cả

HOÀNG DUY
HOÀNG DUY

TTO - Mùa thu năm 1971, dư luận tập trung mọi chú ý vào nhóm ủng hộ trọng tài (những người nhiễm bệnh Minamata đồng ý để Bộ Y tế làm trọng tài phân xử bồi thường) và nhóm ủng hộ kiện (những người nhiễm bệnh muốn kiện ban giám đốc Nhà máy Chisso ra tòa đòi bồi thường).

Bà mẹ Ryoko Uemura tắm cho con gái Tomoko bị nhiễm bệnh Minamata - Ảnh: EUGENE SMITH
Bà mẹ Ryoko Uemura tắm cho con gái Tomoko bị nhiễm bệnh Minamata - Ảnh: EUGENE SMITH

Sau khi nhà nhiếp ảnh Eugene Smith bị đánh tại nhà máy ở Goi, mắt của ông bị tổn thương nặng và gần như mù, ông phải quay trở về Mỹ vào năm 1975.

Ông đã nổi tiếng thế giới sau khi tạp chí Life tháng 6-1972 công bố 11 bức ảnh của ông về nạn ô nhiễm ở Minamata. Đặc biệt nhất là bức ảnh chụp bà mẹ Ryoko Uemura tắm cho con gái Tomoko bị nhiễm bệnh Minamata. Bức ảnh đã trở thành đỉnh cao của ảnh báo chí.

Lúc đó, trong nhóm ủng hộ kiện có hai ngư dân bị nhiễm bệnh là Kawamoto Teruo và Sato Takeharu quyết định tấn công vào phần chìm của tảng băng mà lâu nay Nhà máy Chisso cố tình làm lơ: đó là nhiều người nhiễm bệnh Minamata nhưng không được thừa nhận bởi không trùng khớp với quy định quá hẹp của Bộ Y tế.

Đánh đập người nhiễm bệnh

Sau hai năm tố cáo tình trạng nhiều người nhiễm bệnh Minamata mà không được thừa nhận, Kawamoto Teruo và Sato Takeharu cùng 16 người nữa đã được chính quyền tỉnh Kumamoto thừa nhận là “người nhiễm bệnh Minamata” (Minamata-byo kanja).

Sau đó, nhóm “những người bệnh mới được công nhận” bắt đầu thương lượng trực tiếp với ban giám đốc Nhà máy Chisso. Họ đưa ra mức bồi thường 3 triệu yen (8.400 USD) cho mỗi người nhiễm bệnh Minamata. Trong khi đó, những người khác trong nhóm ủng hộ kiện cho rằng mức 1,8 triệu yen (5.040 USD) là vừa phải.

Lực lượng bên ngoài Minamata ủng hộ nhóm của Kawamoto và Sato gồm có Hội Tố cáo những người chịu trách nhiệm bệnh Minamata (Kokuhatsu suru kai) và một số nhân vật có tên tuổi như bác sĩ Harada Masazumi, đạo diễn Tsuchimoto Noriaki (đạo diễn phim Minamata, các người nhiễm bệnh và thế giới của họ sản xuất năm 1971) và nhà nhiếp ảnh người Mỹ Eugene Smith.

Tháng 12-1971, nhóm của Kawamoto và Sato tổ chức biểu tình ngồi trước Nhà máy Chisso ở Minamata. Ban giám đốc nhà máy từ chối thương lượng. Nhóm này bèn kéo nhau đến Tokyo biểu tình trước văn phòng Công ty Chisso. Tại đây, họ đã phải chật vật đối phó với tổ trật tự vai u thịt bắp gồm các nhân viên và công nhân nhà máy ở Goi được huy động đến bảo vệ công ty.

Nhà máy ở Goi cách Tokyo một giờ đi tàu hỏa. Nhà máy chỉ có một công đoàn và công đoàn này răm rắp tuân theo giới chủ. Sau khi gây ô nhiễm nghiêm trọng, ban giám đốc Nhà máy Chisso ở Minamata dự tính bỏ luôn nhà máy. Một số công nhân của nhà máy đã được điều chuyển đến nhà máy ở Goi.

Tuy nhiên, công đoàn ban đầu tại Nhà máy Chisso đã ngăn cản kế hoạch này và đấu tranh buộc Ngân hàng công nghiệp Kogin (cổ đông chính của Chisso) cùng với chính quyền phải nhận trách nhiệm chứ không thể “bỏ của chạy lấy người”.

Tháng 1-1972, nhóm của Kawamoto và Sato được mời đến nhà máy ở Goi để trình bày nguyện vọng. Họ tưởng thật nhưng khi đến nơi thì họ đã bị các công nhân đánh tơi tả. Kawamoto bị đánh chảy máu mặt. Nhà nhiếp ảnh Eugene Smith bị đánh đến mức chấn thương nặng ở tay và mắt.

Eugene Smith từ Mỹ đến sống tại Minamata từ năm 1971 cùng với người vợ thứ hai Aileen Mioko người gốc Nhật (cũng là nhà nhiếp ảnh) để theo dõi tác hại của ô nhiễm công nghiệp. Sau khi bị đánh, ông không kiện nhà máy vì sợ rằng dư luận chỉ tập trung vào bản thân ông khiến nhóm của Kawamoto và Sato bị lãng quên. Tuy vậy ông vẫn cố gắng sử dụng sự nổi tiếng của mình để giúp họ.

Trong khi đó, ban giám đốc Nhà máy Chisso ở Minamata vẫn bình chân như vại. Họ bêu riếu nhóm của Kawamoto và Sato là “những kẻ cực đoan hám tiền được bọn cánh tả bạo lực hậu thuẫn”. Luận điệu này xuất hiện trên các truyền đơn và trên tờ báo Shinro của công đoàn thứ hai do ban giám đốc nhà máy lập ra.

Những người nhiễm bệnh biểu tình ngồi trước văn phòng Công ty Chisso tại Tokyo tháng 12-1971 - Ảnh: JAPAN NEWS
Những người nhiễm bệnh biểu tình ngồi trước văn phòng Công ty Chisso tại Tokyo tháng 12-1971 - Ảnh: JAPAN NEWS

 

Thái độ xấu của luật sư

Năm 1965, bệnh Minamata bùng nổ lần thứ hai dọc sông Agano thuộc tỉnh Niigata. Nhà máy gây ô nhiễm do Công ty Showa Denko làm chủ đã áp dụng quy trình hóa học sử dụng chất xúc tác thủy ngân tương tự như Nhà máy Chisso ở Minamata.

Giống như ở Minamata, từ mùa thu năm 1964 đến mùa xuân năm 1965, mèo sống dọc sông Agano bỗng phát điên rồi chết. Trước đó rất lâu, nhiều người ở địa phương mắc các hội chứng tương tự những người nhiễm bệnh Minamata sống trên biển Shiranui (còn gọi là biển Yatsushiro nằm giữa đảo Kyushu và quần đảo Amakusa).

Dịch bệnh được công bố ngày 12-6-1965. Đến tháng 9-1966, báo cáo điều tra đã chứng minh do Nhà máy Showa Denko gây ô nhiễm dẫn đến đợt bùng phát bệnh Minamata thứ hai.

Trong phiên tòa thứ hai về bệnh Minamata xét xử Công ty Showa Denko ở tỉnh Niigata ngày 29-9-1971, các luật sư đã bộc lộ kiểu cách khiến nhiều người nhiễm bệnh lên cơn sốc. Họ cười hả hê với bài bào chữa trong khi những người nhiễm bệnh mang băngrôn ghi chữ “oán” để biểu thị thái độ giận dữ trước hành động vô trách nhiệm của nhà máy.

Câu chuyện này lan đến Minamata và đã làm một số người trong nhóm ủng hộ kiện dần dần xa lánh giới luật sư. Sau đó đã xảy ra bất đồng giữa các luật sư và Hội Kokuhatsu suru kai (hậu thuẫn cho nhóm ủng hộ kiện). Các luật sư chụp mũ cho các thành viên Hội Kokuhatsu suru kai là “cực đoan”, “cánh tả”, “không thực tế”.

Trước đó vào tháng 7-1970, luật sư Goto Takanori ở Tokyo đã đưa ra phương án mua cổ phần trong Nhà máy Chisso để những người nhiễm bệnh Minamata có thể trực tiếp bày tỏ tức giận của họ trong đại hội cổ đông hằng năm. Ý tưởng này đã được một số người trong nhóm ủng hộ kiện tán thành. Ngược lại, các luật sư ở Minamata phản đối. Họ lập luận động thái này có thể phá hỏng vụ kiện đang tiến triển tốt đẹp.

Thật ra các luật sư hoàn toàn không hiểu qua vụ kiện đòi bồi thường tài chính, những người nhiễm bệnh Minamata còn mong muốn đối diện trực tiếp với ban giám đốc Nhà máy Chisso để ban giám đốc chứng kiến tận mắt những người nhiễm bệnh phải đau khổ về thể xác như thế nào, chịu sỉ nhục tinh thần ra sao và bị xa lánh đến mức độ nào.

Trong quá trình đi kiện, họ nhận ra ngay cả tòa án cũng không thể đáp ứng kỳ vọng của họ bởi giữa họ và ban giám đốc nhà máy còn có các thẩm phán, các luật sư và thời gian dành cho họ nói trong phiên tòa cũng không nhiều.

Nói tóm lại, không gian pháp đình khiến họ cảm nhận như chứng kiến một màn kịch. Họ mong muốn “độc lập thương lượng” (jishu kosho), có nghĩa là đối diện một cách tự do và trực tiếp với ban giám đốc nhà máy chứ không qua trung gian người thứ ba dù đó là luật sư hay các tổ chức ủng hộ họ.

Chính vì thế ngày 22-3-1973, 45 người thuộc nhóm ủng hộ kiện từ Minamata đã đến Tokyo cùng với nhóm của Kawamoto Teruo và Sato Takeharu để thương lượng trực tiếp với ban lãnh đạo Công ty Chisso ngay tại trụ sở chính.

__________________

Kỳ tới: Đấu tranh để được thừa nhận

HOÀNG DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên