15/03/2015 13:26 GMT+7

Cứu người giữa trùng khơi - Kỳ 5: Thuốc quý như vàng

TRẦN MAI - THÂN HOÀNG
TRẦN MAI - THÂN HOÀNG

TT - Những viên thuốc, trang thiết bị y tế ra Trường Sa mang cả vị mặn của biển, mồ hôi của chiến sĩ. Họ đã nhiều lần vật lộn với sóng biển để đưa thuốc vào bờ.

Đưa thuốc vào đảo An Bang là cả một hành trình vất vả - Ảnh: Trần Mai

Đưa “vàng” vào An Bang

An Bang, đảo cực nam của quần đảo Trường Sa, mùa biển động sóng ầm ào dập vào từ tứ phía. “Lò vôi thế kỷ” (tên các chiến sĩ đặt cho đảo An Bang) này mùa nắng gần như không có gió, nhiệt độ lúc nào cũng rất cao. Sự khắc nghiệt của An Bang thuộc hàng đầu trên toàn bộ các điểm đảo ở Trường Sa.

Đảo giờ không còn là một điểm nổi khô khốc nhô lên giữa biển nữa mà đã được phủ xanh bởi bàng vuông, tra biển... và rau xanh tương đối đầy đủ cho những bữa ăn của chiến sĩ trên đảo. Vườn rau “di động” mỗi mùa sẽ được chuyển một địa điểm khác nhau để tránh sóng. Điểm đặc biệt ở đảo là có một cồn cát xoay quanh đảo theo mùa.

Thiếu tá Đặng Ngọc Nam, chỉ huy trưởng đảo An Bang, chia sẻ: “Ở đây cái gì anh em cũng tiết kiệm tối đa, tàu thuyền muốn cập đảo phải theo mùa. Biển động chỉ cần một chiếc xuồng nhỏ cập đảo cũng “no đòn” bởi sóng dập sóng dồn và đá nhọn như chông. Muốn vào An Bang chỉ còn cách dựa vào cồn cát phủ hết đá, đó cũng là địa điểm duy nhất có thể vào đảo an toàn”.

Hôm chúng tôi đến An Bang, mỗi lần xuồng cập đảo phải có một lực lượng mặc áo phao ở trên đảo chừng 30 chiến sĩ sẵn sàng trực chiến kéo xuồng vào bờ, nếu có sự cố sẽ ứng cứu kịp thời. Mỗi chiếc xuồng muốn cập bờ phải mất hơn nửa tiếng dù tàu HQ561 chỉ neo cách đảo chừng 300m. Khoảng 5-6 chiếc máy quay, máy ảnh, điện thoại của cánh phóng viên bị sóng phủ tắt ngúm khi cách bờ chưa đầy 15m.

Cùng với lương thực, nhu yếu phẩm và thực phẩm chuyển lên đảo, thuốc và dụng cụ y tế được chuyển từ đất liền ra. Sau khi đoàn công tác vào thăm đảo, thuốc sẽ được ưu tiên chuyển lên đầu tiên, tiếp sau đó mới đến các nhu yếu phẩm khác.

Để chuẩn bị cho một lần chuyển thuốc, hai bao nilông chuyên dụng dày cộm của hải quân được quấn chặt, đồng thời cắt cử bốn chiến sĩ trực tiếp ngồi dưới xuồng giữ từng bao thuốc. Người có thể ướt nhưng thuốc thì không. Trong lúc chuyển thuốc họ đã phải dùng thân mình cản tối đa lực tác động của sóng đến các túi nilông.

Thiếu tá Nam nhìn đồng đội của mình càng vào gần bờ càng phải ôm chặt tủ thuốc bởi những con sóng cao có thể phá nát công lao mà khó nhọc lắm mới có được. Anh hò hét chỉ huy lực lượng trên bờ kéo xuồng vào nhanh nhất. Khi bốn tủ thuốc và các vật dụng y tế được đưa lên đảo thành công thì bốn chiến sĩ cũng ướt sũng.

“Mỗi lần chuyển thuốc anh em đều khổ nhọc như vậy. Cực khổ còn hơn đất liền chuyển vàng” - thiếu tá Nam nói.

Quả đúng là thuốc quý như vàng thật, chỉ cần nhìn cách đại úy Lê Hải Nam - trưởng bệnh xá đảo An Bang - cùng các chiến sĩ lau hết nước bên ngoài bao rồi từ từ mở ra, cho đến khi thấy thuốc, vật dụng y tế khô ráo anh mới kịp nở nụ cười.

Làm sao không quý được, khi ngày 23-10-2014 ngư dân Lê Văn Minh (53 tuổi) đi trên tàu cá KH 90208 bị tai nạn trên biển vào cấp cứu tại đảo với vùng ngực bị chấn thương dạng kín, gãy xương sườn 9, 10 và 11, vỡ gan, chảy máu trong ổ bụng.

Nếu như không giữ gìn thuốc cẩn thận thì làm sao êkip bác sĩ trong bệnh xá có thể điều trị cấp cứu rồi tiếp tục điều trị nội trú hơn 30 ngày để giành giật sự sống cho ông Minh. “Ở đảo, sự sống và cái chết tỉ lệ thuận với cơ số thuốc được chuyển lên hằng năm và giữ gìn thật tốt, đủ cứu chữa cho tất cả những ca bệnh trong năm” - đại úy Nam tâm sự.

Đại úy Nam gọi điện báo về đất liền sau khi thuốc và dụng cụ y tế đã vào đảo an toàn - Ảnh: Trần Mai

Giữ thuốc cho ngư dân

Để bảo quản thuốc giữ được chất lượng trong điều kiện nước mặn và hơi muối liên tục tấn công đảo, các chiến sĩ phải rất kỳ công. Chỉ cần nhìn những thanh sắt ở cửa sổ, cửa chính hay các trụ đèn chiếu sáng hoen gỉ là có thể hiểu được sự khó khăn trong việc giữ những vỉ thuốc, hay trang thiết bị “lành lặn” trong thời gian dài.

Ở đảo Trường Sa, một tủ lạnh Sure Chill (tủ y tế) sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió với các thông số về nhiệt độ ổn định thuận lợi cho việc bảo quản thuốc uống và thuốc tiêm được tận dụng tối đa.

Tủ gồm bốn tầng, tầng lạnh nhất dùng vào việc giữ văcxin, phía ngăn dưới lần lượt là kim tiêm, thuốc uống và cuối cùng là thuốc chích. Mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, mỗi ngày phải kiểm tra nhiệt độ nhiều lần để đảm bảo tủ phát huy được tác dụng.

Tại các đảo chìm như An Bang, Đá Lát, Thuyền Chài... tùy vào điều kiện mỗi đảo giữ thuốc theo một cách riêng. Nếu như ở Đá Lát thuốc được đưa lên trên tầng cao nhất rồi dùng thùng xốp, bao nilông... bọc bên ngoài cất vào tủ gỗ thì tại An Bang lúc thời tiết quá nóng, thuốc được chuyển xuống các tầng hầm nhỏ chuyên dụng đặt dưới lòng đất để tạo được nhiệt độ ổn định trong thời gian dài thuốc không bị mất công dụng.

Vất vả giữ từng vỉ thuốc, lọ văcxin, quân dân ở các đảo mà chúng tôi đến đều ý thức trong việc rèn luyện sức khỏe, giữ phần thuốc dành cho mình lại cho những ngư dân ngày đêm bám lấy vùng biển của Tổ quốc mưu sinh.

Ở đảo Trường Sa, buổi chiều trừ những chiến sĩ làm nhiệm vụ gác đảo, trực chiến và anh nuôi lo bữa cơm tối, còn lại tất cả đều tập thể dục thể thao. Có đến hơn chục khu vực chơi bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn phục vụ hết công suất cho quân dân trên đảo tăng cường thể lực.

Không giống như đảo nổi, tại các đảo chìm, không gian chật hẹp cũng được tận dụng làm sân chơi thể thao. Tại đảo Đá Tây, những căn nhà, nằm trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ phát động, trở thành nhà đa năng, nơi được dùng làm phòng đón tiếp ngư dân, đủ sức chứa cho khoảng 20 bệnh nhân.

Vào những buổi chiều, vài chiếc bàn và vợt bóng bàn được kéo ra, chỉ trong vòng chưa đầy năm phút 12 chiến sĩ đã biến căn phòng rộng lớn, trống trơn thành ba bàn bóng. Cùng với đó, tạ cũng được mang vào, tất cả mọi hoạt động ở khu vực tầng trệt nhường chỗ cho chiến sĩ luyện tập. 

Chiến sĩ Nguyễn Quang Hiền, sau khi chơi bóng mồ hôi nhễ nhại, cho biết: “Rèn luyện sức khỏe bằng cách chơi thể thao cũng là nhiệm vụ quan trọng mà các chiến sĩ phải làm mỗi ngày. Nhờ siêng năng rèn luyện mà rất ít khi chúng tôi phải nhờ sự can thiệp của quân y trên đảo bằng thuốc. Phần đó, chúng tôi để dành cho ngư dân vào đảo khám chữa bệnh và xin thuốc mang lên tàu trong những lần đi đánh bắt ghé đảo”.

______________

Kỳ tới: Mệnh lệnh trái tim

TRẦN MAI - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên