03/03/2024 09:42 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước để tăng tính chủ động

Sáng 3-3, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì sự kiện này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho rằng năm 2024 là năm tăng tốc để thực hiện các nhiệm vụ tại nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, vai trò đóng góp tích cực của doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng.

Với những mặt chưa được, Thủ tướng cho rằng hội nghị lần này là để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức năm 2024 để hướng đến những năm tiếp theo tốt hơn.

Doanh nghiệp nhà nước có vai trò tạo động lực tăng trưởng

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các doanh nghiệp nhà nước phải tích cực đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cần làm mới các động lực cũ như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, với vai trò dẫn dắt, tạo động lực.

Trọng tâm vào các ngành mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ…

Ông Chính cũng mong trong lúc khó khăn, doanh nghiệp chứng tỏ được mình, vừa bảo toàn và phát triển vốn, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động, tích cực tham gia an sinh xã hội trên cơ sở đổi mới cách làm.

Đặt trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, ông mong doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tích cực đóng góp vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực.

Doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào tái cấu trúc ba nội dung lớn gồm quản trị; con người, bộ máy, cơ cấu lại nguồn vốn để bảo đảm hiệu quả; tái cấu trúc chuỗi cung ứng, các nguyên liệu đầu vào để tăng cường tính tự chủ, hạn chế nhập khẩu.

Ông mong các doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, với tinh thần xây dựng, với niềm hy vọng, động lực mới. Mục tiêu để doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò chủ đạo, "dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm".

Nắm giữ tổng tài sản 3,82 triệu tỉ đồng

Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu - Ảnh: VGP

Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu - Ảnh: VGP

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hết năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

Tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước là 3,82 triệu tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2022; tổng vốn chủ sở hữu là 1,8 triệu tỉ đồng. Khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có tổng tài sản 3,51 triệu tỉ đồng; vốn chủ sở hữu là 1,6 triệu tỉ đồng.

Tổng giá trị vốn nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp là 1,69 triệu tỉ đồng. Tổng doanh thu đạt 1,6 triệu tỉ đồng, lãi phát sinh trước thuế là 125.847 tỉ đồng, nộp ngân sách là 166.218 tỉ đồng.

Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu đạt 1,3 triệu tỉ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu toàn bộ doanh nghiệp nhà nước.

Tổng lãi phát sinh của các doanh nghiệp là 125.847 tỉ đồng, đạt 108% so với kế hoạch được phê duyệt. Một số doanh nghiệp nhà nước có tỉ lệ hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận cao như Viettel, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC (đạt 225% so với kế hoạch)...

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tinh gọn bộ máy, giao nhiệm vụ cho từng "ông lớn"Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tinh gọn bộ máy, giao nhiệm vụ cho từng 'ông lớn'

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên