14/03/2012 10:30 GMT+7

Thợ săn và con mồi

TÚ ANH
TÚ ANH

TT - Cuộc thôn tính Ngân hàng ABN AMRO của Fortis (cùng hai đối tác khác) sắp được đưa lên phim truyền hình lẫn trên sàn diễn sân khấu. Theo bản tin Reuters ngày 27-1-2012, kịch bản của hai tác phẩm trên sẽ dựa theo cuốn sách best-seller De Prooi (Con mồi) của nhà báo Jeroen Smit, từng bán đến 250.000 bản.

Kỳ 1: Sóng ngầm chính trị - tài chính ở Ý Kỳ 2: Huynh đệ tương tàn

9viXdIru.jpgPhóng to
Cảnh sát được huy động để bảo vệ kỳ đại hội cổ đông Fortis ở Bỉ tháng 4-2009 - Ảnh: AFP

Số phận của ABN AMRO và Fortis trên thực tế ly kỳ đến mức không nhà biên kịch nào có thể tưởng tượng ra và thậm chí cho đến nay nó vẫn còn những khuất tất khiến Quốc hội Hà Lan vẫn còn yêu cầu điều tra và thủ tướng Bỉ cùng vài bộ trưởng đã phải ra đi.

Sai lầm tệ hại

Fortis ra đời năm 1990 trên cơ sở sáp nhập các công ty bảo hiểm AMEV (Hà Lan), AG Group (Bỉ) và Ngân hàng VSB (Hà Lan). Trong thập niên này, nó đã lớn nhanh bằng cách thôn tính bốn ngân hàng khác. Do có hai trụ sở ở Hà Lan và Bỉ nên đến năm 2000, Fortis mới bổ nhiệm tổng giám đốc điều hành chung đầu tiên là ông Anton van Rossum để thống nhất hành động, tránh kiểu “nhà anh, nhà tôi”.

Năm năm sau, Jean-Paul Votron - đến từ Citibank theo kiểu săn đầu người - thay thế van Rossum thừa hưởng gia tài là một tập đoàn đã khá ổn định về tổ chức. Votron định ra chiến lược quốc tế hóa tập đoàn của mình và đã rất thành công khi tăng giá trị cổ phần của Fortis trung bình ít nhất 10% mỗi năm trong vài năm sau khi nắm quyền.

Có lẽ sai lầm lớn nhất của Votron trong thời kỳ hoàng kim là tham gia cùng nhóm Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) và Ngân hàng Santander (Tây Ban Nha) để tranh mua Ngân hàng ABN AMRO với đối thủ Barclays của Anh vào năm 2007.

Nhóm RBS, do nhảy vào sau, đã đặt mua cổ phiếu của ABN AMRO với giá tới 39 euro, cao hơn đối thủ đến 13%. Dĩ nhiên trong giới ngân hàng, ai trả tiền cao kẻ đó thắng cuộc. Thương vụ đó thành công vào tháng 9-2007 và được ghi nhận như là vụ mua lại nhiều tiền nhất trong lịch sử ngành ngân hàng thế giới: 71 tỉ euro với 93% bằng tiền mặt.

Trong vụ này Fortis đã bỏ ra đến 24 tỉ euro và phải mở đợt tăng vốn thêm 13,2 tỉ để có đủ tiền tham gia cuộc chơi. Thương vụ này bị xem là cách “chơi ngông” của Fortis vì trị giá trên thị trường chứng khoán của Fortis lúc đó chỉ 40 tỉ euro. Người ta ví von Fortis đang là ”con ếch muốn to thành con bò”.

Có người cho rằng Fortis đã vung tay quá trán không chỉ vì tự tin vào khả năng sinh lãi đang có mà còn vì mối tư thù trong quá khứ. Gần 10 năm trước, tháng 5-1998, ABN AMRO từng là “thợ săn” khi chơi trên cơ ra giá cao gấp 15% so với của Fortis để đặt mua Ngân hàng G-Banque của Bỉ.

Theo thỏa thuận của các bên trong nhóm tranh mua, “con mồi” ABN AMRO bị xé nhỏ ra thành các phần khác nhau và các thợ săn lấy phần phù hợp cho mình (dĩ nhiên cũng phải trả tiền tương ứng). Nhiều lãnh đạo của Fortis lúc đó tự tin giải thích với cổ đông rằng đây là thương vụ sẽ đem lại vinh quang và họ có đủ giải pháp chín chắn để huy động vốn.

Sóng thần “thế chấp nhà đất”

Thế nhưng đến cuối năm 2007 manh nha cuộc khủng hoảng thế chấp nhà đất và những sóng ngầm tài chính từ Mỹ lan sang đã khiến thị trường đặt dấu hỏi về khả năng thanh toán của Fortis để “nuốt cho trọn” phần mồi mình đã chọn. Cổ phiếu của Fortis cũng mất giá nhanh chóng từ 30 euro vào tháng 4-2007 xuống còn 18 euro vào tháng 11. Nó càng khiến dư luận lo âu về khả năng thanh toán của Fortis.

Tháng 6-2008, khi cổ phiếu chỉ còn 12,5 euro, Fortis lại mở đợt tăng vốn trị giá 1,5 tỉ euro. Giải pháp đó cũng không cứu nổi cái ghế của Votron. Cổ phiếu của Fortis giảm xuống dưới mức 10 euro. Votron bị Herman Verwilst thay thế vào tháng 7. Fortis hi vọng nhân vật mới, vốn là một người lão luyện nhiều năm gắn bó trong nghề sẽ giúp khôi phục niềm tin.

Nhưng cú đấm “thế chấp nhà đất” quá mạnh, giá trị ngân hàng tiếp tục rơi không phanh. Đỉnh điểm là ngày 26-9-2008, chỉ trong một ngày cổ phiếu của Fortis mất giá 21%, chỉ còn 5,2 euro và giá trị của tập đoàn này còn chưa tới 13 tỉ euro. Herman Verwilst phải cuốn gói ra đi cho Filip Dierckx vào thay chỗ. Maurice Lippens, chủ tịch HĐQT của Fortis Banque, phải tuyên bố từ chức ngày 28-9-2008.

Điều đó cũng không cứu vãn được gì. Thị trường cho vay liên ngân hàng đã nói không với Fortis vì mất niềm tin. Fortis - niềm tự hào một thời của người Hà Lan - thật sự đến hồi cáo chung.

Thế là trong hai ngày cuối tuần 27 và 28-9-2008, chính phủ Hà Lan, Bỉ và Luxembourg buộc phải ra tay để cứu vãn danh dự nước nhà. Mỗi quốc gia bỏ tiền mua 49% cổ phần của Ngân hàng Fortis nằm trên nước mình với tổng chi phí 11,2 tỉ euro. Một trong những điều kiện của kế hoạch cứu vớt này là việc bán lại cổ phần của Fortis trong ABN AMRO để lấy tiền trả lại cho chính phủ.

Những hệ lụy

Fortis bị phá rã ra từng mảnh. Nhưng nó cũng chưa phải là tận cùng của câu chuyện. Để tránh chuyện bán tháo, cổ phiếu của Fortis được yêu cầu ngưng giao dịch từ ngày 4-10-2008 đến 14-10. Trong khoảng thời gian đó, các bên hoàn tất việc chia phần Fortis. Đến ngày trở lại sàn, giá cổ phiếu của Fortis mất 77% chỉ trong một ngày, giảm từ 5,41 euro (vào ngày 3-10) xuống còn 1,21 euro (cuối phiên ngày 14-10) và một tuần sau đó nó chỉ còn 0,57 euro vào cuối phiên ngày 21-10.

Trong hai ngày 28 và 29-4-2010, tại Brussels (Bỉ) và Utrecht (Hà Lan), các cổ đông đã bỏ phiếu với số gần như tuyệt đối về việc đổi tên Fortis Holding thành Ageas, chấm dứt 20 năm tồn tại đầy vinh quang và cay đắng của Tập đoàn Fortis.

Ngày thứ hai 29-9-2008, nhật báo kinh doanh Het Financieele Dagblad thừa nhận cay đắng: “Vụ mua ABN AMRO thật là một thảm họa. Fortis đã quá tham vọng”. Còn nhật báo Het Algemene Dagblad lúc đó nói thẳng: “Bán lại ABN AMRO dẫu là chuyện đau lòng nhưng là chuyện không thể tránh khỏi. Đó là chuyện sang nhượng đáng xấu hổ nhưng là chuyện đáng làm vì để cắt bỏ cục u bướu khỏi Fortis”.

Ngày 29-9-2008, tổng giám đốc điều hành mới của Fortis là Filip Dierckx cũng phải cay đắng thừa nhận: “Rõ ràng đã có đánh giá sai lệch về thời điểm khi bỏ tiền mua ABN AMRO”. Thật hài hước là mới cách đó ba tháng, chủ tịch Maurice Lippens còn tuyên bố vụ mua ABN AMRO “là một trong những thương vụ tốt nhất của Fortis” và “chúng ta đã có được một viên ngọc quý”.

Nhật báo De Volkskrant ngày 29-9-2008 tỏ ý trách móc: “Bỉ là nhà kiến trúc của vụ mua (ABN AMRO) quá đắt đỏ này nhưng họ lại sống sót đươc cho đến hôm nay”. Một đối tác trong thương vụ năm 2007 là RBS cũng phải thừa nhận: “Chúng ta đã trả giá quá cao. Chúng ta cũng đã xuất đầu lộ diện tranh mua tranh bán vào thời điểm rất không phù hợp”. Tháng 4-2008, RBS đã phải mở cuộc tăng vốn tại Anh trị giá 15 tỉ euro để khỏa lấp khoản thua lỗ từ thương vụ ABN AMRO.

Bỉ có lẽ là quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất. Thủ tướng Yves Leterme đã phải ra đi ngày 19-12-2008 cùng một số bộ trưởng, vì bị dư luận cho rằng đã gây sức ép chính trị trong vụ bán lại Fortis cho đối tác nước ngoài là BNP Paribas...

------------------------------------

Tập đoàn Gazprom của Nga đòi thôn tính Air Liquide. Một kịch bản phản ánh những điều xảy ra trong thực tế.

Kỳ tới:Kịch bản như thật

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên