30/11/2013 09:06 GMT+7

Trung Quốc thách đố trên biển Hoa Đông

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Trung Quốc không giấu tham vọng thiết lập các vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Nhìn lại các sự kiện gần đây, có thể thấy đó là những động thái có tính toán.

frbGxA1e.jpgPhóng to
Tàu USNS Impeccable của Mỹ từng bị các tàu dân sự Trung Quốc chắn lối ở vùng biển quốc tế năm 2009 - Ảnh: US Navy

Lần đầu tiên Trung Quốc thách đố Nhật Bản là vào tháng 4-2010, khi hai tàu ngầm và tám tàu khu trục Trung Quốc kéo qua eo biển Miyako để vào Tây Thái Bình Dương, vừa di chuyển vừa thực hành tác chiến chống tàu ngầm, huấn luyện bay trực thăng. Hai tàu khu trục Choukai và Suzunami của Nhật Bản bắt gặp nhóm tàu này cách đảo Okinawa khoảng 140km về phía tây tây nam và đã bị nhóm tàu này vây, thậm chí một trực thăng bay sà trên đầu chiếc Suzunami!

Mềm nắn rắn buông

Một lực lượng gồm 10 chiếc tàu chen nhau qua eo biển Mikado là điều chưa từng thấy! Gary Li của Viện Quốc tế nghiên cứu chiến lược (IISS) London khi đó bình luận: “Qua vụ việc này, Trung Quốc nhắn nhủ toàn thể khu vực rằng mọi người cần chuẩn bị chứng kiến một Trung Quốc không ngại ngùng vươn xa”.

Khi đó phản ứng của Nhật ra sao? Hai tháng sau, tại Diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Kitazawa Toshimi nhắc đến vụ việc nhưng chỉ đề xuất một cơ chế thông báo trước, thậm chí ông lờ luôn việc năm vệ tinh Trung Quốc mới phóng lên vào cuối năm 2009 đã được sử dụng để dẫn đường cho đoàn tàu Trung Quốc này. Đó là thời điểm mà thủ tướng Hatoyama của Đảng Dân chủ Nhật đang nắm quyền và đang đòi Mỹ rút quân ra khỏi đảo Okinawa dọn qua đảo Guam, khác hoàn toàn với Thủ tướng Shinzo Abe của đảng LDP hiện nay nổi tiếng là “dân tộc chủ nghĩa”.

Yang Lijun và Lim Chee Kia của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) trong khảo luận “Chính sách Đông Á của Hatoyama và quan hệ Trung - Nhật” đã viết: “Khi Hatoyama loan báo danh sách nội các vào tháng 9-2009, báo chí Trung Quốc nhanh chóng chỉ ra rằng nhiều thành viên chủ chốt trong nội các đều có quan hệ hữu hảo truyền thống gia đình với Trung Quốc. Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn mô tả rằng “bộ ba chủ chốt” tức thủ tướng Hatoyama, bộ trưởng ngoại giao Okada, quốc vụ khanh đặc trách chiến lược Kan là ba thành viên có thế lực nhất trong nội các và đều thân Trung Quốc nhất”.

Thực tế đó buộc nêu câu hỏi:

1/ Có phải chính vì đánh giá nội các Hatoyama “thân Trung Quốc nhất” mà sau đó giở trò thách thức ở eo biển Miyako tháng 4-2010?; 2/ Có phải chính vì sau vụ đó, chính phủ Hatoyama vẫn không phản ứng phù hợp khiến từ đó Trung Quốc định dạng luôn một chính sách thách đố Nhật Bản kéo dài đến bây giờ?

Vụ giáp mặt ở eo biển Miyako tháng 4-2010 đó khác với sự cố một năm trước. Ngày 5-3-2009, chiếc USNS Impeccable của Mỹ đang dò tàu ngầm trên biển Đông, thì bị một tàu tuần duyên Trung Quốc áp sát cách chỉ 130m. Một máy bay Y-12 của Trung Quốc 11 lần bay qua đầu chiếc tàu này. Hai ngày sau, một tàu do thám Trung Quốc điện cho tàu Impeccable buộc phải rời khỏi khu vực hoặc “gánh chịu hậu quả”.

Chiếc Impeccable vẫn cứ tỉnh bơ tiếp tục công việc. Qua hôm sau, cách đảo Hải Nam đến 75 dặm về phía nam, năm tàu dân sự Trung Quốc áp sát. Chiếc Impeccable dùng vòi rồng đẩy các tàu này ra xa... Bốn ngày sau, khu trục hạm phóng tên lửa USS Chung-Hoon (DDG-93), được lệnh của Tổng thống Obama, hộ tống chiếc Impeccable tiếp tục nhiệm vụ. Phía Mỹ quả quyết rằng theo đúng luật quốc tế, Mỹ hay bất cứ nước nào khác đều có quyền hoạt động bên ngoài lãnh hải của một nước, kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế mà không cần thông báo trước hay được đồng ý.

Những thách đố có tính hệ thống

Hai thách thức tương tự với hai “đối tượng” khác nhau, hai phản ứng khác nhau, cũng đủ để cho các chiến lược gia tiến đến một kế hoạch thách đố mang tính hệ thống có chọn lọc với “từng đối tượng”, bắt đầu từ biển Đông rồi đến biển Hoa Đông.

Những năm 2010-2012 là giai đoạn mà biển Đông dậy sóng khi Trung Quốc tự ý tung ra “đường lưỡi bò”, hết Việt Nam đến Philippines liên tiếp bị “lấy thịt đè người” với đủ trò: cắt cáp, ra lệnh cấm đánh cá, thành lập cái gọi là “chính quyền Tam Sa”, mời thầu khai thác dầu... Đến năm 2013, Trung Quốc chuyển qua mục tiêu là Nhật và bây

giờ vẽ ra ADIZ trên biển Hoa Đông như một trắc nghiệm thăm dò bản lĩnh đối phương kiểu “một mũi tên bắn nhiều đích”, như sau:

* Nếu tất cả đối thủ đều cứng rắn thì cũng chẳng mất mặt lắm: đây chỉ là một thủ tục hàng không, không phải là một đường biên giới tự tuyên cáo như “đường lưỡi bò” trên biển Đông.

* Nếu đối thủ nào non gan, chỉ la làng cho có thì cứ lấn tới. Hai hãng hàng không JAL và ANA của Nhật thoạt đầu ngoan ngoãn chấp hành “luật ADIZ” của Trung Quốc. Còn nếu Nhật không cứng rắn, thì xem như Nhật sẽ mất rất nhiều trong nỗ lực xây dựng quan hệ với các nước khác trên biển Đông trong thời gian qua.

* Nếu Nhật chịu va chạm, cứ thử một lần cho biết, nhằm thử nghiệm quyết tâm, vũ khí và thao lược. Chiến tranh chưa là mục đích tìm kiếm vào lúc này.

* Nếu Mỹ không ra mặt, thì mọi liên minh quốc phòng song phương đi đứt. Mỹ thừa hiểu ý đồ khảo sát này nên đã có ngay câu trả lời: B-52 lập tức xuất kích bay ngang.

ADIZ không đơn giản chỉ là một thách đố tay đôi Mỹ - Trung mà còn là một thách đố cho từng “đối tượng”. Chuyện Mỹ - Trung là một lẽ, chuyện mỗi “đối tượng” là một lẽ khác.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Mỹ đưa máy bay B-52 vào "vùng phòng không"Những cái đầu nóngHàng không Nhật ngừng thông báo lịch bay cho Trung QuốcBiển Hoa Đông nóng hừng hực

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên