Phóng to |
Một em bé ngồi trên chiếc xe buýt chở người Bồ Đào Nha sơ tán khỏi Libya - Ảnh: AFP |
Lực lượng đối lập đã kiểm soát phía đông Libya. Lực lượng chống Chính phủ Libya được binh sĩ đào ngũ hậu thuẫn ngày 27-2 đã giành quyền kiểm soát Zawiya, thành phố nằm gần thủ đô Tripoli nhất. Theo các cơ quan truyền thông quốc tế được đại tá Gaddafi mời để đến xem ông vẫn đang kiểm soát tình hình ra sao, họ đã được lính chính phủ hộ tống ra khỏi thủ đô và đến một số khu vực lân cận. Các lực lượng an ninh của Tổng thống Muammar Gaddafi đã rời bỏ nhiều khu vực ở thủ đô Tripoli. AFP cho biết nhiều khu phố ở thủ đô Tripoli đã bị phe đối lập kiểm soát.
Tại thành phố Musratha, thành phố lớn thứ ba của Libya, cách Tripoli 150km về phía đông, lực lượng ủng hộ ông Gaddafi đã tháo chạy. Vào ngày trước đó, “những lính đánh thuê” đã được trực thăng vận chuyển đến thành phố này. Họ đã bắn phá vào tòa nhà là đài phát thanh địa phương và vào những người biểu tình đang tham gia đám tang của những người biểu tình bị thiệt mạng. Trả lời phỏng vấn, Seif Al-Islam - con trai ông Gaddafi, người từ lâu được xem là nhân vật kế nhiệm - đã bác bỏ sự hiện diện của những lính đánh thuê này. Theo báo Republica, có khoảng 30.000 lính đánh thuê đang có mặt ở Libya, họ được treo giá cứ bắn chết một người biểu tình là được trả 10.000-12.000 USD.
Tại Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya, cách Tripoli 1.000km về phía đông, lực lượng đối lập đang tổ chức lại và chờ đợi đến lượt Tripoli được “giải phóng”. Tại Tobrouk, thành phố ở miền đông, khoảng 1.000 người đã xuống đường phản đối ông Gaddafi.
Cựu bộ trưởng tư pháp Mustafa Mohamed Abud Al Jeleil, người đã từ chức để phản đối chính phủ dùng vũ lực trấn áp người biểu tình, đang xem xét thành lập một chính phủ chuyển tiếp để chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Reuters cho biết chính phủ chuyển tiếp này sẽ bao gồm “những nhân vật quân sự và dân sự. Nó sẽ tồn tại tối đa trong ba tháng. Sau đó sẽ có những cuộc bầu cử công bằng để chọn ra nhà lãnh đạo đất nước”.
Trước đó ngày 26-2, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Libya. Theo AFP, nghị quyết 1970 cấm vận mọi hoạt động bán vũ khí cho Libya, cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản của 16 nhân vật, trong đó có Tổng thống Muammar Gaddafi và các thành viên gia đình ông. Nghị quyết còn yêu cầu Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ở La Haye điều tra và có khả năng sẽ truy tố những người chịu trách nhiệm về việc đàn áp người biểu tình Libya.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên án hành động đàn áp của ông Gaddafi, Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ xem xét khả năng can thiệp trực tiếp vào tình hình ở Libya nhằm bảo vệ người dân nước này trước mối nguy bị sát hại.
Trước khả năng không thể bảo vệ an ninh cho các nhà ngoại giao của mình, Mỹ, Pháp và Anh đã lệnh cho các cơ quan ngoại giao của mình ngừng hoạt động. Trong khi đó, hàng chục ngàn lao động vẫn đang tiếp tục rời Libya bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển. Theo AFP, một tàu chiến của Ý đã đưa 258 lao động người châu Á và các nước rời cảng Misurata của Libya đến đảo Sicily qua ngả Địa Trung Hải để từ đó về nước của mình.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Trở về từ Libya: mừng và loMừng đoàn tụ nhưng lo nợ nầnCộng đồng quốc tế cấm vận LibyaThêm 96 lao động trở về Việt Nam từ Libya181 lao động tại Libya về nước an toànLibya: hơn 5.000 người VN chưa sơ tán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận