10/01/2024 15:36 GMT+7

Thế giới lo lắng vì cước vận tải hàng hóa qua Biển Đỏ tăng gần 250%

Giá cước vận tải qua Biển Đỏ được ghi nhận tăng hơn gấp đôi so với tháng 12-2023, trong đó tuyến đường thương mại Á - Âu chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Một tàu hàng đi qua kênh đào Suez, hướng đến Biển Đỏ - Ảnh: EPA

Một tàu hàng đi qua kênh đào Suez, hướng đến Biển Đỏ - Ảnh: EPA

Chi phí vận tải biển tăng gần 250%

Các chuyên gia nhận định lạm phát toàn cầu có thể nghiêm trọng hơn nếu chi phí vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ tiếp tục tăng, trong bối cảnh phiến quân Houthi của Yemen tấn công các tàu hàng đi qua khu vực này từ cuối tháng 11-2023.

Số liệu từ Drewry World Container Index - thống kê dựa trên phí vận chuyển container trên 8 tuyến vận chuyển lớn, đi và đến Mỹ, châu Âu và châu Á - cho biết một container từ Trung Quốc đến Mỹ qua Biển Đỏ hiện nay đã chạm mức 4.000 USD. Đây là mức tăng 248% từ mức phí 1.148 USD vào ngày 21-11-2023, thời điểm Houthi bắt đầu các cuộc tấn công tại Biển Đỏ.

Theo Hãng tư vấn vận tải Drewry, giá cước vận chuyển cũng đã tăng 140% từ mức 1.667 USD ghi nhận ngày 23-12.

Các hãng vận tải lớn trên thế giới như MSC, Maersk, CMA CGM, Hapag-Lloyd, Cosco Shipping, HMM và Evergreen Line, cùng nhiều bên khai thác tàu chở dầu và khí đốt, cũng đang buộc phải đình chỉ việc vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ và điều hướng các tàu đi những tuyến đường khác.

Vòng qua Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi là một trong những lựa chọn thay thế cho tuyến đường thương mại Đông - Tây, nhưng tuyến này làm tăng thời gian qua lại giữa châu Âu và châu Á.

"Sự thay đổi chiến lược không chỉ làm tăng thời gian đi biển thêm 10-14 ngày, mà còn làm tăng thêm chi phí nhiên liệu", báo The National dẫn lời quản lý cấp cao Rahul Sharan mảng nghiên cứu tại Drewry.

Một số hãng vận chuyển đã áp thêm các phụ phí để bù vào chi phí phải bổ sung.

Tuyến đường thương mại Á - Âu ảnh hưởng nặng nhất

Tuy nhiên, vấn đề ở Biển Đỏ không phải là nguyên nhân duy nhất khiến giá vận chuyển tăng.

Theo ông Sharan, đang có sự "hoảng loạn" tại Trung Quốc do lo ngại năng lực vận chuyển sẽ không đủ để vận chuyển hàng hóa trước Tết Nguyên đán, cũng đang khiến chi phí vận tải tăng.

"Chí phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh đã tăng gấp đôi trong tuần qua và chúng tôi dự kiến nó sẽ còn tăng hơn nữa", ông Sharan nói thêm.

Ông Rico Luman, chuyên gia tại hãng nghiên cứu thị trường ING Research, cho biết giá cước container trên tuyến thương mại Á - Âu chịu ảnh hưởng nặng nhất.

"Thời gian cho vận tải đường thủy đến các cảng tại Địa Trung Hải đã tăng hơn đáng kể. Giá cước container từ cảng đến cảng trên tuyến thương mại Á - Âu đã tăng 130% so với đầu tháng 11-2023", ông Luman nói.

Theo giám đốc tài chính Ali Abouda của Công ty dịch vụ vận tải Gulf Navigation, chi phí vận chuyển sẽ tăng cao nếu tình hình tại Biển Đỏ không được kiểm soát và hậu quả của việc đóng cửa tuyến đường quan trọng này sẽ "có tác động lớn lên nền kinh tế toàn cầu - điều rất khó có thể giải quyết".

Cùng quan điểm, nhà kinh tế trưởng Scott Livermore tại Oxford Economics nói điều này có thể leo thang cho lo ngại lạm phát toàn cầu.

"Nếu Biển Đỏ đóng cửa trong vài tháng và chi phí vận chuyển hàng hóa vẫn ở mức gấp đôi so với tháng 12-2023, chỉ số CPI toàn cầu (chỉ số giá tiêu dùng) có khả năng sẽ tăng 0,7 điểm phần trăm vào cuối năm 2024", ông Livermore nói.

Tuy nhiên, ông Livermore cũng kỳ vọng cuộc khủng hoảng hiện tại chỉ là tạm thời trong thời gian ngắn và cho rằng tình trạng giá cước vận tải đường biển hiện đang tăng sẽ được đảo ngược.

Khủng hoảng Biển Đỏ ảnh hưởng ra sao tới thương mại toàn cầu?Khủng hoảng Biển Đỏ ảnh hưởng ra sao tới thương mại toàn cầu?

Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi trên Biển Đỏ đã khiến các hãng tàu tạm dừng vận chuyển qua khu vực, có nguy cơ gây áp lực lên lạm phát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên