30/12/2022 08:20 GMT+7

Sức ép phải từ chức

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

Tại sao phải tạo ra sức ép để buộc từ chức? Là vì trong đa số trường hợp, người có chức vụ không dễ từ bỏ "chiếc ghế" của mình.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng ngày 29-12, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng "chẳng có ở đâu từ chức người ta nâng lên mức trở thành văn hóa", mà "phải đặt ra sức ép trong Đảng, trong xã hội, trong tổ chức để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, có sai phạm".

Tại sao phải tạo ra sức ép để buộc từ chức? Là vì trong đa số trường hợp, người có chức vụ không dễ từ bỏ "chiếc ghế" của mình.

Chức vụ gắn với quyền lực, quyền lợi, thậm chí là bổng lộc và có thể bị "buộc chặt" vào các "nhóm lợi ích". Thậm chí có bệnh "nghiện" quyền lực, tham quyền cố vị ngay cả khi không còn uy tín.

Liz Truss đã phải từ chức thủ tướng Anh chỉ sau 44 ngày ngồi vào "chiếc ghế nóng" này bởi sức ép dữ dội từ dư luận, đảng đối lập và nội bộ đảng cầm quyền. "Tôi là một chiến binh chứ không phải là một kẻ bỏ cuộc" - chỉ sáu ngày sau khi đưa ra tuyên bố hùng hồn này trước Hạ viện, bà Truss từ chức. 

Đây là một ví dụ mới nhất về áp lực buộc phải từ chức và người đó không thể không từ chức khi không còn đủ uy tín.

Trong năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương đã cho một số cán bộ thôi nhiệm vụ, chức vụ trong Đảng, Nhà nước sau khi họ bị xử lý kỷ luật hoặc có nguyện vọng chuyển công tác khác phù hợp hơn. 

Theo tinh thần nghị quyết 28 Hội nghị Trung ương 6, sẽ khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Như vậy, cho dù ở các thể chế chính trị khác nhau, vấn đề từ chức đều thuộc về công tác giám sát quyền lực, công tác cán bộ, thể hiện vai trò rất lớn của đảng cầm quyền. 

Lựa chọn được cán bộ tài giỏi, uy tín vào các vị trí quyền lực; kịp thời thay thế người yếu kém, mất uy tín, phạm sai lầm, khuyết điểm thì không chỉ giúp sớm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách mà còn làm cho nhân dân tin tưởng, ủng hộ, tín nhiệm sự lãnh đạo của Đảng, để đảng cầm quyền đứng vững trong lòng dân. 

Chúng ta thường nói "ý đảng, lòng dân" là vậy. Cán bộ đã mất uy tín với dân thì Đảng cũng không nên lưu dụng.

Từ tinh thần của nghị quyết trung ương, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh rằng hãy coi chuyện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ là bình thường.

Một khi đã bình thường hóa được hành vi từ chức thì không chỉ giúp giải tỏa sức ép cho chính cán bộ phải từ chức mà còn tăng thêm uy tín cho việc cầm quyền. 

"Có vào, có ra, có lên, có xuống" được thực hiện một cách thường xuyên, khoa học cũng chính là phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng, nâng cao sự cạnh tranh lành mạnh, tính kỷ luật và sức chiến đấu thông qua phê bình, tự phê bình.

Để sức ép trong xã hội trở thành sức ép trong Đảng đối với những cán bộ sa sút uy tín, không đủ năng lực, buộc họ phải thôi chức, từ chức kịp thời thì các kênh thăm dò, nắm bắt, tiếp nhận đánh giá của dư luận nhân dân về cán bộ phải thực hiện có hiệu quả. 

Đồng thời cần hoàn thiện cơ chế, pháp luật về trách nhiệm giải trình trước Đảng, giải trình trước dân; đủ cơ sở đánh giá năng lực, phẩm chất của người giữ các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước.

Ông Võ Văn Thưởng: Cần sức ép trong nội bộ Đảng và xã hội buộc người vi phạm từ chức Ông Võ Văn Thưởng: Cần sức ép trong nội bộ Đảng và xã hội buộc người vi phạm từ chức

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng việc từ chức của cán bộ cần xuất phát từ sức ép trong nội bộ Đảng cũng như trong xã hội, buộc người vi phạm, hạn chế phải từ chức.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên