Mọi người cùng giải, đáp án cho kết quả khi 36/42 cây xanh có tuổi đời hơn 20 năm được giữ lại. Kết quả là công trình có vốn đầu tư 300 tỉ đồng chưa xây dựng xong nhưng cây xanh đã tỏa bóng mát.
Ở dự án Trung tâm hội nghị triển lãm tỉnh Quảng Ngãi, bể nước chữa cháy trong thiết kế có hình chữ nhật đã bị "bóp méo" thành hình chữ Z.
Hình dáng của bể nước lạ mắt này là kết quả của nhiều văn bản, xin ý kiến chỉ vì "né" một cây xà cừ ở đó.
Người ta không nỡ chặt cây xà cừ, bởi thấy cây quý thì không thể chặt đi. Ai cũng tiếc công trồng, chăm sóc hơn 20 năm để có được bóng mát đó và cố giữ. Nay cây vẫn đứng cạnh khối nhà và lối vào Trung tâm hội nghị triển lãm, bóng cây tỏa rộng che lấy cái nắng miền Trung những ngày bỏng rát.
Dĩ nhiên chủ đầu tư, nhà thầu... vất vả hơn rất nhiều khi giữ lại cây xà cừ này. Ông Võ Thành Trung, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, nói: "Nếu chặt hạ để thi công theo thiết kế thì dễ, nhưng trồng cây mới thay thế, lại tốn 20 năm mới có được cây tương tự. Vậy tại sao không tìm cách giữ lại?".
Giữ cây tồn tại khi làm dự án, điều tưởng chừng đơn giản nhưng quá hiếm hoi. Phương án giữ cây không được tính đến ở nhiều dự án, hoặc có tính cũng không đủ sự quyết tâm gìn giữ.
Câu chuyện thường thấy vẫn là dự án đến đâu, cây bị đốn hạ đến đó. Và dĩ nhiên là chặt cây "đúng quy trình", với rất nhiều lý do được nêu ra hợp lý, trong đó có cả những lời hứa sẽ trồng lại cây.
Chỉ có những ngẩn ngơ tiếc nuối của người dân khi bóng cây xưa cũ không còn là ngược lại với "đúng quy trình".
Năm 2019, dự án nâng cấp mở rộng đường Trưng Nữ Vương (TP Vĩnh Long) cũng làm nhiều người dân tiếc ngẩn ngơ khi hàng còng cổ thụ là biểu tượng của TP này có khả năng bị đốn hạ.
May mắn, số phận của 95 cây xanh dọc đường Trưng Nữ Vương được "cứu" khi chủ đầu tư và các đơn vị họp bàn ngay khi dự án triển khai để "ứng xử phù hợp với cây xanh".
Và cuối cùng 59/95 cây xanh được bứng, chuyển đến nơi khác trồng và chăm sóc thay vì chặt hạ. 5 cây còng biểu tượng cũng được giữ tại chỗ 2 cây. Dẫu vẫn còn nhiều tiếc nuối nhưng ít ra chủ đầu tư cũng đã làm hết trách nhiệm của mình để giữ từng mầm xanh.
Giữ cây xanh khi nào mới được xác định là "ưu tiên một" khi triển khai các dự án ở khu vực có cây xanh? Chúng ta đã làm hết trách nhiệm với mảng xanh khi triển khai dự án chưa, hay chỉ đơn giản đưa vào hồ sơ những từ khô khốc "đốn hạ và trồng thay thế"?
Khi làm dự án, phương án chặt cây với lý do vướng mặt bằng thi công, khó chăm sóc, ảnh hưởng đến công trình... được đưa ra.
Tại sao lại "vắng" tư duy cần phải có những giải pháp thay thế cho bằng được để giữ những cây cổ thụ, cây vài chục năm tuổi tồn tại song song với công trình? Chặt đi thì dễ, nhưng trồng lại bao năm mới có được một cây cổ thụ?
Mục đích xây dựng công trình để cuộc sống tốt hơn, cây xanh vốn quan trọng bậc nhất với cuộc sống.
Hầu hết các công trình khi tính đến phương án giữ cây đều tính toán sẽ làm khó hơn, tốn kém hơn rất nhiều, nhưng sao sự tổn thất cho cuộc sống nếu vắng bóng cây xanh là vô cùng lớn nhưng rất tiếc ít khi được tính toán.
Khi lập dự án xây dựng Trung tâm hội nghị triển lãm tỉnh Quảng Ngãi, nếu chủ đầu tư và nhà thầu không điều chỉnh bể nước chữa cháy thành hình chữ Z, cây xà cừ bị đốn đi thì mất bao nhiêu năm để con người "thay thế" được bóng mát của cây xà cừ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận