Ông Võ Thành Trung - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi - nhìn những cây xanh tươi đang bung chồi quanh trung tâm hội nghị triển lãm không giấu được vui mừng: "Công trình chưa xong mà cây đã tỏa bóng là thành công lớn nhất của chúng tôi".
Cân não với từng cây xanh
Trên khu đất rộng 1,5ha này vốn có 42 cây xanh lớn đến một người ôm không xuể. "Diện tích xây dựng chiếm gần trọn khu đất, cây lại to. Giữ lại là chúng tôi đồng lòng mong muốn chứ chẳng ai bắt buộc.
Hồi đó (tháng 2-2023) đốn hết cũng không ai nói gì, nhưng mình tiếc.
Giữ là ôm cực hơn một năm qua, khổ nhất là cán bộ trực tiếp theo dõi và nhà thầu", ông Trung tâm sự.
Ở dự án này, từ khi thi thiết kế đã xây dựng luôn kế hoạch giữ lại từng cây xanh có sẵn.
Ban giám khảo chấm thi kiến trúc cũng ưu tiên phương án công trình đảm bảo kiến trúc ấn tượng và giảm thiểu tối đa tác động đến cây xanh.
Dù cân đo mới chọn được kiến trúc tốt nhất nhưng "cơn đau đầu" lại đến.
"Có ba cây xà cừ rất to nằm giữa khu vực xây dựng khối nhà. Lên phương án bứng, trồng ở vị trí khác tốn nhiều cuộc họp. Bàn tới tính lui liên tục, mời cả chuyên gia sinh vật cảnh, đơn vị bứng cây chuyên nghiệp nhưng không thể giữ lại được. Đây là điều chúng tôi tiếc nhất", ông Trung nói.
Ngoài ba cây quá to phải đốn hạ và ba cây tự chết trong lúc xây dựng, còn lại 15 cây khác được chuyển đến các vị trí phù hợp trồng, số cây này được chăm sóc liên tục đã đâm chồi trở lại. 21 cây khác vẫn được giữ nguyên, việc thi công chỉ tác động tỉa cành.
"Ai dè họ giữ lại hết"
Ông Trần Bảo Phát, chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi, nhớ lại: "Trong quá trình thi công, chúng tôi góp ý đến đâu chủ đầu tư tìm cách bảo vệ cây đến đó. Ba cây phải chặt hạ, chúng tôi cũng tìm cách giữ nhưng không được, nên góp ý bỏ.
Để có những cây xanh to lớn như vậy phải tốn ít nhất 20 năm trồng, chăm sóc. Tôi theo dõi thông tin đại chúng thấy công trình đến đâu, cây xanh bị chặt đến đó. Hiếm thấy công trình nào mà chưa thi công đã lên phương án giữ cây như công trình này".
Đến thời điểm hiện tại, còn 36/42 cây xanh tốt. Ấn tượng nhất là bốn cây xà cừ lớn trước cổng trung tâm hội nghị và hàng cây sưa ở phía bắc khu đất đã bung cành sau khi bị cắt tỉa.
Đại diện nhà thầu nói rằng diện tích mặt bằng 1,5ha nhưng diện tích xây dựng khối nhà hội nghị và triển lãm gần 1,2ha, mật độ xây dựng cực lớn (với tổng vốn 300 tỉ đồng):
"Nói vậy để thấy quy mô xây dựng rất khủng. Nếu hạ cây, làm sạch mặt bằng, việc thi công sẽ "dễ thở" hơn nhiều. Giữ cây, đồng nghĩa chúng tôi phải "né qua né lại" khi thi công rất khổ".
Người dân trong khu vực cũng rất bất ngờ khi công trình gần như giữ nguyên cây xanh. Ông Cần (sống gần đó) nói:
"Hồi nghe làm trung tâm hội nghị, tôi nghĩ họ chặt hết cây, tôi với mấy ông hàng xóm tiếc gớm lắm. Ai dè họ giữ lại hết. Bà con rất vui khi chủ đầu tư làm việc có tâm. Tôi hoan nghênh và mong những công trình khác cũng ý thức được như vậy".
Bể nước hình chữ Z để tránh cây
Trong công trình này, bể nước phòng cháy chữa cháy ban đầu có hình chữ nhật, nay có hình chữ Z. Bởi vị trí này có một cây xà cừ rất lớn được trồng từ 20 năm trước.
Trong văn bản báo cáo điều chỉnh, bố trí lại bể chứa nước cho phù hợp, vừa đảm bảo kỹ thuật vừa giữ được cây xà cừ, chủ đầu tư viết:
"Theo hồ sơ thiết kế đã được Công an tỉnh Quảng Ngãi - Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt, hiện trường vị trí đặt bể chứa nước có cây xanh hiện trạng được trồng lâu năm cần phải giữ lại nguyên trạng.
Vì vậy, cần phải điều chỉnh hình dáng, kích thước bể nước phòng cháy chữa cháy theo hướng không ảnh hưởng đến cây xanh hiện hữu và công trình lân cận, và đảm bảo khối tích theo hồ sơ thẩm duyệt thiết kế".
"Việc giữ được số cây xanh này chắc chắn sẽ giúp chi phí ngân sách bỏ ra cho hạng mục phủ xanh giảm đi. Nhưng hơn hết chúng tôi đã giữ được cho TP Quảng Ngãi những bóng mát phải mất hơn 20 năm trồng, chăm sóc mới có được", ông Trung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận