Giới chuyên môn cho rằng để dòng phim này phát triển, không thể chỉ có mỗi một nhà làm phim tiêu biểu.
"Hàng triệu người Việt Nam có hàng triệu nhu cầu xem phim khác nhau. Một mình Nhà bà Nữ và Trấn Thành chắc chắn không thỏa mãn được mọi khán giả", đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói với Tuổi Trẻ.
Còn thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ, phó viện trưởng Viện Sân khấu - Điện ảnh (Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), ví đạo diễn giỏi với người đầu bếp giỏi. Đạo diễn phải có vị giác chuẩn để nêm "món ăn" sao cho khán giả cảm thấy vừa đủ.
Để người xem thấm thía hơn
Trước hết, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn phân biệt giữa hai khái niệm "phim gia đình" và "phim tâm lý về chủ đề gia đình".
Ở nước ngoài, phim gia đình thường được đồng nhất với phim thiếu nhi. Dòng phim gia đình hầu hết dành cho mọi lứa tuổi. Ví dụ tiêu biểu là các phim hoạt hình hoặc thiếu nhi của Disney.
Tại Việt Nam, có các phim Trạng Tí, Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, Nắng 1 và 2, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh... Các phim này được phân loại P (còn tùy tiêu chí phân loại tuổi mỗi giai đoạn). Nhưng số lượng chưa nhiều để tạo thành một dòng phim chủ đạo trong nền điện ảnh.
Bên cạnh "phim gia đình" là "phim tâm lý có chủ đề gia đình". Các đại diện như Bố già, Nhà bà Nữ (gắn với tên tuổi Trấn Thành), Dân chơi không sợ con rơi, Hạnh phúc của mẹ... thiên về tâm lý người trưởng thành, người lớn tuổi.
Ngôn từ và hình ảnh trong phim chỉ phù hợp với khán giả trưởng thành hoặc trên 16 tuổi, 13 tuổi. Vậy, dòng phim này thuộc về khái niệm thứ hai.
Số phim này cũng chưa nhiều nhưng doanh thu cao kỷ lục nên để lại dấu ấn đậm nét.
Về chủ đề gia đình, nhất là mâu thuẫn cha mẹ - con cái, thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ nhận định điện ảnh Việt đang khai thác đúng và trúng. "Khán giả Việt Nam đang rất quan tâm đến chủ đề này, họ tìm được sự đồng cảm khi xem phim", chị nói.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn phân tích: "Nhà bà Nữ là một phim làm về dysfunctional family (gia đình mất chức năng). Đây là một chủ đề rất nghiêm túc và thường xuyên được khai thác trên thế giới.
Nhưng làm thế nào để người xem thấm thía hơn thì không có câu trả lời đúng cho tất cả. Để tất cả các nhu cầu đều được chạm tới, chỉ có cách làm nhiều phim với ngôn ngữ đa dạng hơn. Tức là, một mình Nhà bà Nữ và Trấn Thành thì chắc chắn không thể thỏa mãn mọi khán giả. Dù rõ ràng, phim làm hài lòng nhiều người đã mua vé".
Bớt thoại thừa thãi, dài dòng
Thạc sĩ nói về lý do điện ảnh Việt Nam đang có thêm nhiều bộ phim về gia đình, cuộc sống thường ngày:
"Trong một thời gian rất dài, nhất là thời chiến và hậu chiến, điện ảnh Việt đã phản ánh nhiều vấn đề lớn của xã hội, những đại tự sự. Còn khi hòa bình trở lại, con người quay trở lại nhịp sống đời thường, họ có nhu cầu xem những câu chuyện đời thường trên màn ảnh.
Mà chuyện đời thường thì không thể tách khỏi chuyện gia đình. Không chỉ điện ảnh Việt Nam mà các nước châu Á khác đều quan tâm chủ đề này".
Gia đình cũng là đề tài quen thuộc trên truyền hình Việt Nam. Thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ chỉ ra sự khác biệt lớn nhất giữa cách thể hiện chủ đề này trên truyền hình và điện ảnh.
Chị phân tích: "Ở phim truyền hình, bối cảnh thường nhỏ hẹp hơn, ít đại cảnh hay bối cảnh phức tạp như điện ảnh.
Cách kể chuyện thường nhiều thoại, người xem đang nấu cơm hay rửa bát chỉ cần nghe thoại vẫn nắm bắt được câu chuyện. Còn phim điện ảnh cần có sự tiết chế về lời thoại, dùng nhiều hành động, hình ảnh hơn".
Nhưng không có nguyên tắc nào quy định phim điện ảnh không được nhiều thoại. Tất cả vẫn nằm ở dụng ý nghệ thuật. Thoại đúng lúc, đúng chỗ và thể hiện hấp dẫn thông điệp thì luôn cần thiết.
Còn thoại thừa thãi, dài dòng thì ở truyền hình hay điện ảnh đều nên tránh. Trong Bố già hay Nhà bà Nữ của Trấn Thành, thoại đôi lúc gây cảm giác thừa, dài.
Trong Thưa mẹ con đi, một phim về chủ đề gia đình, thoại được phân bổ hợp lý và tiết chế hơn.
Khi nhân vật chính lộ xu hướng tính dục với mẹ, hai mẹ con chỉ biểu lộ cảm xúc qua ánh mắt, hành động nhưng chuyển tải được nhiều điều khó nói thành lời.
Cảnh cãi nhau bùng nổ cũng có lời thoại chặt chẽ, bộc lộ đủ cá tính nhân vật chứ không lồng ghép thêm nhiều đạo lý.
Nhưng nếu so sánh, Thưa mẹ con đi có nhóm khán giả ít hơn Bố già hay Nhà bà Nữ - những phim lồng ghép đạo lý lộ liễu.
Thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ dẫn bộ phim Ẩm thực nam nữ (Lý An) để ví đạo diễn giỏi như người đầu bếp giỏi. Họ phải biết công chúng của mình là ai, gu thưởng thức ra sao để nêm gia vị cho "món ăn" hợp khẩu vị khán giả.
Đừng yêu cầu Trấn Thành làm phim như Vương Gia Vệ
Trước câu hỏi về sự tinh tế của phim về gia đình Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói: "Phải đặt ra khái niệm thế nào là tinh tế. Phải chăng Trấn Thành không tinh tế? Hay như Quentin Tarantino mới tinh tế?
Thực tế, không có câu trả lời cho câu hỏi đó. Một bộ phim sẽ luôn tìm thấy khán giả của riêng nó, không ở nơi này thì nơi khác. Làm thế nào để phim tới đúng thị trường và thu lợi nhuận mới là câu hỏi mà nhà sản xuất luôn tìm cách trả lời".
Theo ông Tuấn, mỗi nghệ sĩ có một phong cách. Nhờ đó, thế giới sáng tạo mới đa dạng và phong phú. "Liệu có thể yêu cầu Vương Gia Vệ làm phim như Trấn Thành được không? Chắc chắn là không, thế nên yêu cầu ngược lại cũng buồn cười y như vậy", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận