29/09/2019 23:43 GMT+7

Sách Công nghệ giáo dục: Bộ GD-ĐT trả lời, PGS Nguyễn Kế Hào tiếp tục kiến nghị

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Dù Bộ GD-ĐT thông báo tập thể tác giả bản mẫu 2 cuốn sách do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện để thẩm định lại đợt khác, nhưng PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào cho rằng bộ trả lời không thuyết phục và sẽ tiếp tục kiến nghị.

Sách Công nghệ giáo dục: Bộ GD-ĐT trả lời, PGS Nguyễn Kế Hào tiếp tục kiến nghị - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 ở một tỉnh miền núi phía Bắc học Tiếng Việt công nghệ giáo dục - Nguồn: Công nghệ giáo dục

Tối 29-9, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào xác nhận với Tuổi Trẻ Online về việc Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời gửi trực tiếp cho ông.

Trước đó, PGS Nguyễn Kế Hào là người đại diện cho đội ngũ cán bộ trung tâm Công nghệ Giáo dục ký bản kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ quan điểm về việc bộ sách Công nghệ giáo dục bị Hội đồng quốc gia thẩm định SGK loại.

Trong văn bản trả lời, Bộ GD-ĐT viện dẫn cơ sở pháp lý phê duyệt đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông.

Trong đó, nêu SGK là tài liệu triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh, định hướng phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục.

Việc biên soạn SGK của các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy SGK do các NXB đề nghị thẩm định lần này phải được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết việc thẩm định SGK hiện nay thực hiện theo Thông tư 33/TT-BGDĐT "với tinh thần nghiêm túc, khách quan, công bằng".

Tại văn bản này, Bộ GD-ĐT cũng cho biết trong đợt thẩm định vừa qua có 5 bộ sách của 9 môn học được các NXB gửi thẩm định. Có bộ đạt, có bộ "đạt nhưng cần sửa chữa", có bộ "không đạt".

Đến nay hầu hết các tác giả có sách gửi thẩm định đều đã tiếp thu, sửa chữa, biên soạn lại theo ý kiến đánh giá của hội đồng để tiếp tục đề nghị thẩm định lại theo quy định.

Riêng các bản mẫu Tiếng Việt 1 và Toán 1 của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên, hội đồng thẩm định đã mời tác giả đến nghe kết quả thông báo, đối thoại nhưng GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và cộng sự không có ý kiến gì thêm.

Bộ GD-ĐT thông báo tập thể tác giả bản mẫu hai cuốn sách do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện bản thảo để thẩm định lại đợt khác theo Thông tư 33/TT-BGDĐT. Văn bản trên do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký.

Trao đổi với Tuổi trẻ Online, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào cho biết văn bản trả lời của Bộ GD-ĐT không thuyết phục ông và ông sẽ tiếp tục có kiến nghị với tư cách cá nhân.

Tôi không phải tác giả hay chủ biên bộ sách Công nghệ giáo dục. Nhưng tôi là người hiểu rõ giá trị của Công nghệ giáo dục mà GS Hồ Ngọc Đại và cộng sự đã nỗ lực triển khai trong những năm qua.

PGS-TSKH Nguyễn Kế Hào


"20 năm trước đây, khi Bộ GD-ĐT có quyết định, tôi thấy sai, nhưng với trách nhiệm là một vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học, tôi đã không thể tham vấn, can ngăn được nên quyết định từ chức, quay về dạy học.

Danh lợi khi ấy tôi cũng từ bỏ được thì bây giờ tôi cũng không phải vì một lợi ích cho cá nhân mình để đứng ra kiến nghị. Tôi bày tỏ quan điểm vì trách nhiệm với giáo dục nước nhà, vì những điều có ích thực sự với trẻ em có thể đang bị mất đi" - PGS Nguyễn Kế Hào chia sẻ.

Ông Nguyễn Kế Hào cũng cho biết, những trăn trở, kiến nghị của ông không chỉ là câu chuyện của "một bộ SGK bị loại" mà vấn đề lớn hơn thế là cần phải có đánh giá khách quan, công tâm với những giá trị đã được thực tiễn giáo dục khẳng định.

Những giá trị mà GS Hồ Ngọc Đại và cộng sự nỗ lực thực hiện trong 40 năm qua không phải những điều lạc hậu như dư luận đang hiểu. Bởi tư tưởng, triết lý giáo dục, phương pháp dạy học theo công nghệ giáo dục đã hướng đến và đạt được mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học - điều mà chương trình giáo dục phổ thông mới sắp triển khai đặt ra.

Thành quả của công nghệ giáo dục triển khai trong thực tiễn đạt mức trên chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục tiểu học hiện thời.

Tài liệu Công nghệ giáo dục đã trải qua nhiều hội đồng thẩm định xem xét, đã được đo lường trong thực tế và kết quả được công bố công khai.

Việc đưa sách công nghệ giáo dục vào quy trình thẩm định lần này như những bộ sách mới viết, chưa qua thực tiễn dạy học là không công bằng.

Từ việc loại bộ sách công nghệ giáo dục, sẽ khiến việc dạy Tiếng Việt Công nghệ giáo dục bị "vỡ trận" trên diện rộng ở 48 tỉnh, thành. Có những nơi từng xem Tiếng Việt công nghệ là cứu cánh để xóa mù chữ, phổ cập GD tiểu học. Nếu thực sự nghĩ đến quyền lợi của trẻ em thì Bộ GD-ĐT không thể làm ngơ trong việc này.

Trước đó, ngày 23-9, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào, đại diện cho đội ngũ cán bộ trung tâm Công nghệ Giáo dục, đã ký bản kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ quan điểm về việc bộ sách Công nghệ giáo dục bị Hội đồng quốc gia thẩm định SGK loại.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trung tâm Công nghệ giáo dục cho biết việc sách Tiếng Việt và Toán lớp 1 - Công nghệ giáo dục bị đánh giá "không đạt" khiến cho nhiều giáo viên, phụ huynh ở 48 tỉnh, thành đang học chương trình này thắc mắc, bức xúc, nhiều người hoang mang.

Cựu học sinh học tiếng Việt theo công nghệ giáo dục nói gì? Cựu học sinh học tiếng Việt theo công nghệ giáo dục nói gì?

TTO - Bắt đầu triển khai từ năm 1978 với khóa học sinh đầu tiên học lớp 1 tại trường thực nghiệm - thế hệ có khá nhiều người thành đạt, tiếng Việt theo công nghệ giáo dục đã trải qua 40 năm.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên