04/12/2023 14:20 GMT+7

Quán bar trong bụng cá voi

Bạn thử tưởng tượng nếu một ngày thế giới không còn ai nhắc tới biển cùng tất tần tật những điều liên quan đến biển? Trong thế giới không còn biển ấy, chúng ta sẽ sống thế nào?

Tác giả Hiền Trang tại buổi giao lưu cùng bạn đọc - Ảnh: TRẦN MẶC

Tác giả Hiền Trang tại buổi giao lưu cùng bạn đọc - Ảnh: TRẦN MẶC

Khởi đi từ những câu hỏi ấy, Hiền Trang đã dựng lên thế giới của cuốn tiểu thuyết Quán bar trong bụng cá voi, đây có lẽ cũng là nơi chốn duy nhất mà biển còn khả hữu.

Bởi trên Trái đất, biển buộc phải biến mất trong đời sống con người, không được phép nhắc, không được phép viết về biển, một tác giả phải đổi tên vì bút danh cũ có liên quan đến biển...

Giữa cõi phi lý, một nhà văn hiện ra và bắt đầu một hành trình viết, hành trình xuất bản, theo một lối khác, để cùng với số ít nhà văn bảo lưu ký ức của nhân loại về biển, dẫu biển trở thành một khái niệm đã mất trong tâm trí con người.

Bằng hành động viết, tác giả như thể đã trả lời câu hỏi vì sao chúng ta cần có văn chương trong sự tồn tại của mình.

Phải chăng đó chính là việc chống lại sự lãng quên, rằng mỗi tác phẩm, mỗi con chữ đã góp phần bất tử hóa một vùng đất, một giai đoạn, một ý niệm, một con người...

Quán bar trong bụng cá voi, đó là hồn ma thủ thư đời đời canh giữ trang sách để tự biến bản thân mình thành một "tàng kinh các" vĩnh viễn nằm bên ngoài cõi sống chết, hệt như quán bar nằm bên ngoài không - thời gian.

Sinh linh thủ thư biết tất cả mọi cuốn sách, và chừng nào biển còn dạt dào giữa hai hàng chữ trên trang giấy thì chừng đó biển sẽ còn tồn tại.

Bởi sự đọc thì vô cùng còn đời người thì hữu hạn, hồn ma thủ thư là hình thức kéo dài sự đọc, một khao khát chân thành những bất khả của lắm mọt sách trên đời, "có đủ thời gian để đọc toàn bộ sách trên cả thế gian, toàn bộ sách từ trước đến nay và mãi sau này", như lời của con ma thủ thư trong thư viện dị kỳ.

Nên tiểu thuyết này của Hiền Trang phần nào là lời bày tỏ lòng yêu mến của cô với những cuốn sách, với người tạo ra chúng, với sự đọc. Nhờ sự đọc mà nhiều thế giới, nhiều cuộc đời khác mở ra và cũng nhờ sự đọc thời đại này và thời đại khác nối tiếp nhau, ký ức của thế hệ này trao truyền cho thế hệ khác.

Quán bar trong bụng cá voi- Ảnh 4.

Từ sự đọc ấy dẫn tác giả đến sự viết, và từ viết như một sở thích đến viết như một cách thức tồn tại, một thái độ trước các tình thế, một chọn lựa dấn thân theo cái nghĩa khám phá, tìm kiếm và tranh đấu với ngoại giới lẫn bản thân mình.

Tất cả điều đó được trình bày bằng câu chuyện phiêu lưu vào thế giới đầy ắp những điều siêu thực với những nhân vật bí ẩn, hiện hữu trong không gian dường như đã nằm ngoài mọi quy luật vận hành hằng hữu của cõi người.

Quán bar trong bụng cá voi vì thế có khả năng là chốn tồn tại trong cõi tinh thần của tác giả.

Nó thể hiện cái phức tạp của chặng đường sáng tạo, công việc hậu trường sau mỗi cuốn sách, đến tầm đón nhận của người đọc.

Văn bản không còn là một hình thái cố định, bất biến mà chuyển dịch, rộng mở, bao trùm cả một thế giới nằm ngoài văn bản. Những điều xung quanh một cuốn sách có thể là bất toàn, thậm chí là xấu xí.

Nhưng sau rốt: "Cũng như những điện thờ và những thầy tu chẳng làm nên tôn giáo. Văn chương, như đức tin, luôn luôn hoàn hảo".

Lời tuyên ngôn khép lại Quán bar trong bụng cá voi. Như một xác tín, một niềm tin vang vang như sóng biển, dẫu là sóng cả của biển khơi không còn tồn tại trên đời.

Quán bar trong bụng cá voi- Ảnh 5.'Văn chương là thành quả của hoạt động có tính kỷ luật'

Tác giả Hiền Trang và Huỳnh Trọng Khang đều cho rằng văn chương là thành quả của hoạt động có tính kỷ luật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên