05/04/2023 10:55 GMT+7

Osin thời khó

Giúp việc ở tỉnh lỵ nhiều năm, chị Thoa muốn ra Hà Nội để có mức lương cao hơn nhưng thực tế không như mong muốn. Gần tháng qua, chị vẫn chưa tìm được chỗ làm ưng ý và phải tá túc ở trung tâm giới thiệu giúp việc để tiếp tục chờ.

Bữa cơm tập thể của người giúp việc đến từ các tỉnh tại văn phòng giới thiệu việc làm - Ảnh: TÂM LÊ

Bữa cơm tập thể của người giúp việc đến từ các tỉnh tại văn phòng giới thiệu việc làm - Ảnh: TÂM LÊ

Người giúp việc (hay còn gọi osin) từ các tỉnh đổ về Hà Nội mong kiếm việc làm thời khó, và có cả công nhân ở các KCN vừa mất việc. Nhưng họ lại gặp tình cảnh chủ nhà cũng khó khăn do giảm thu nhập, chuyển sang thuê giờ hoặc đưa người nhà ở quê ra phụ để tiết kiệm. Suy thoái kinh tế đang làm xáo trộn tới cả nghề giúp việc.

Lên phố rồi lại về quê

Tại văn phòng Công ty giúp việc Thanh Tâm (khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội), chị Vũ Thị Thoa (51 tuổi, quê xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) vẫn còn nằm ở góc nhà dù đã 15h. Chị đang đợi chỗ làm mới với hy vọng hợp tính chủ nhà và mức lương tốt hơn ở quê.

"Tôi ra Hà Nội được gần một tháng rồi, ở quê cũng làm giúp việc nhưng lương thấp, thử ra ngoài này xem sao. Nửa tháng qua tôi làm cho một nhà nhưng không hợp tính chủ, bức bối nên nghỉ. Lương quê 6 triệu, ở đây 7 triệu, cũng chỉ hơn một chút, nếu không trụ được tôi sẽ lại về quê" - chị Thoa kể đã có kinh nghiệm trong nghề, cũng nấu ăn ngon nhưng vẫn chưa có việc ngay.

Chị Thoa nằm nghỉ trên tấm thảm ngay góc phòng phỏng vấn. Hành lý chị vẫn đóng va li để góc nhà, để đi hay ở lúc nào cũng sẵn sàng ngay. Thi thoảng chị lại nghe điện thoại của chồng con hỏi thăm tình hình, nghe càng thêm sốt ruột.

"Hôm qua còn có bà Yến, 63 tuổi, quê Nam Định, cũng ở đây cả tuần không tìm được việc. Bà gọi hai đứa con đang học ở Hà Nội tới đi ăn xong rồi về Hưng Yên, làm lại chủ cũ", chị Thoa cho biết.

17h, một người giúp việc lớn tuổi tay xách nách mang hành lý lật bật bước vào văn phòng. Bà là Hà Thị Thao, 61 tuổi, cũng quê ở Thanh Hóa. Bà làm chưa được một tháng cũng phải nghỉ việc, quay lại văn phòng ngủ một đêm để sáng mai về quê sớm. Trước bữa cơm tối cùng chị Thoa, bà Thao ngồi bóp hai cánh tay đau nhức vì bế trẻ liên tục.

Cũng may văn phòng giới thiệu giúp việc có chỗ nghỉ lại, ăn uống không mất tiền cho những người ở xa như chị Thoa, bà Thao. Nếu phải ngủ nhà nghỉ để chờ việc thì họ sẽ phải tốn một khoản tiền không nhỏ.

Người giúp việc đón trẻ tại trường học - Ảnh: TÂM LÊ

Người giúp việc đón trẻ tại trường học - Ảnh: TÂM LÊ

Lương không tăng còn giảm

Chị Ngô Thị Huế, giám đốc Công ty giúp việc Thanh Tâm, cùng các nhân viên đang bận rộn những cuộc gọi tư vấn giúp việc. Chị thừa nhận: "Kinh tế suy thoái đang ảnh hưởng trực tiếp nghề giúp việc, lương osin không tăng được mà còn giảm".

Công việc công ty chị Huế không đơn giản là giới thiệu, kết nối giữa osin với chủ nhà, chủ nhà với osin mà còn là cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận giữa hai bên. Khoảng vài năm trước, yêu cầu của chủ nhà và osin đơn giản hơn giờ nhiều. Còn ngày nay cả người thuê và osin đều có những tiêu chuẩn riêng yêu cầu bên kia đáp ứng. Osin trở thành một nghề, cũng đòi hỏi kỹ năng và lương bổng như bao nghề khác.

Là người thay osin thỏa thuận mức lương, chị Huế muốn đem lại thu nhập tốt nhất cho người giúp việc để cuộc sống của họ cải thiện trong thời bão giá. Nhưng năm nay thì khác, chị cho biết: "Giữ được mức lương cũ đã là tốt, giờ để tăng theo mức hằng năm rất khó.

Hiện nay mức lương khởi điểm của một osin là 7 triệu một tháng, năm trước đó 8 triệu. Lương sẽ được tăng theo thời gian làm việc và điều kiện của chủ nhà, đạt mức 8 - 10 triệu là bình thường.

Nhưng thời điểm này đề nghị tăng lương là chủ nhà phản ứng lắm, ai cũng kể thu nhập giảm phải gửi con đi nhà trẻ sớm hoặc đưa người nhà ra giúp. Có chủ nhà phải dừng thuê hoặc chuyển sang thuê theo ca cho tiết kiệm. Thuê kiểu truyền thống ở lại nhà giảm, thuê theo ca tăng".

Chị Huế mở những đoạn tin nhắn chủ nhà đề nghị giảm giá như nỗi niềm biết tỏ cùng ai. Một bên khác, hàng ngàn công nhân các nhà máy cắt giảm lao động, thậm chí phải đóng cửa, đang liên hệ nhờ công ty kết nối việc làm để nuôi con nhỏ.

Còn có trường hợp người mẹ quê Mỹ Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) về Hà Nội làm giúp việc để nuôi chồng bị tai nạn và con trai 28 năm mắc tâm thần. Mới nhận việc được vài tuần thì con phát bệnh nặng vào viện, người mẹ lại phải xin nghỉ tất tả về chăm con.

Nơi có số lượng giúp việc tập trung đông ở Hà Nội phải kể đến các tòa chung cư cao tầng, nhất là khu Times City. Buổi sáng osin tấp nập đưa trẻ đến trường rồi đi chợ, chiều lại tấp nập đón trẻ.

Bà Nguyễn Thị Nga, 61 tuổi, đang giúp việc cho một gia đình trong khu nhà cao tầng này. Dù có thâm niên 25 năm giúp việc, chăm trẻ và nấu ăn khéo nhưng mức lương bà hiện nay chỉ 6,5 triệu đồng. Chỗ làm hiện tại của bà đã được hơn một năm, nhưng tình hình khó khăn chung nên bà không dám đề nghị tăng lương ở thời điểm này.

Để tăng thêm thu nhập, mỗi tuần bà dành 3-4 buổi, mỗi buổi một tiếng giúp việc ngoài: "Tôi tập trung làm việc nhà chủ xong, tranh thủ lúc nghỉ xin làm thêm một tiếng ở các phòng kế bên cùng tầng, mỗi tiếng được 50.000 đồng. Mấy bữa trước còn nhặt đồng nát đi bán, bây giờ bảo vệ cấm nên không ai dám nhặt", bà Nga cho biết.

Osin ở các tòa nhà gặp nhau thường xuyên, buổi tối đi thể dục cũng hỏi chuyện nhau. Bà Nga cũng nắm được một số thông tin chung như lương giúp việc may mắn chưa giảm nhưng cũng không tăng, trừ ít gia đình có điều kiện vẫn tăng cho người làm lâu năm. Nhu cầu thuê osin vẫn cao, chỉ có gia đình nào phá sản mới thôi, nhưng thuê theo giờ lại tăng để chủ nhà tiết kiệm.

Có osin thuê nhà trọ bên ngoài, một ngày làm ba ca, lương tháng khoảng 15 triệu nhưng phải có sức khỏe mới chạy được. Cũng có người không trụ được, làm không được việc hoặc không đủ sức theo ca phải khăn gói về quê.

Giữ được mức lương cũ đã tốt, giờ để tăng theo mức hằng năm rất khó. Hiện nay mức lương khởi điểm của một osin là 7 triệu một tháng, năm trước đó 8 triệu.
Chị Ngô Thị Huế

Đầu tư công nghệ thay osin?

Đối với những cặp vợ chồng trẻ, xu hướng hiện nay lại là trang bị công nghệ để giảm tải việc gia đình. Bạn trẻ Nguyễn Hằng ở đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) bày tỏ: "Lương người trẻ đi làm hiện nay chỉ 7-8 triệu, sàn sàn mức lương người giúp việc. Số tiền lương đó phải chi nhiều khoản chứ không được giữ nguyên như giúp việc".

Cùng suy nghĩ với Hằng, Trần Thị Ngọc ở tòa nhà Ecolife (đường Tố Hữu) cũng không thuê giúp việc mà chọn gửi trẻ. Ngọc phân tích: "Gửi trẻ vừa rẻ mà giáo viên lại có phương pháp dạy trẻ. Thuê giúp việc lương cao, có người lạ trong nhà thì không thoải mái. Nếu không nhờ được ông bà ra giúp thì thuê giúp việc theo giờ cho tiện".

Hai vợ chồng Ngọc cũng quyết định đầu tư thiết bị công nghệ để chăm sóc con trai 3 tuổi, như cách bạn cô đang làm rất hiệu quả. Họ mua máy hút bụi - lau nhà, máy lọc không khí, máy rửa chén, ấm đun nước đa chức năng, nồi chiên không dầu... Ngọc đầu tư một lần nhưng dùng được nhiều năm, tiết kiệm được một khoản không nhỏ nếu nuôi osin làm trọn gói trong nhà.

Mỗi người một cách, mỗi nhà một hoàn cảnh để thuê giúp việc trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay. Nếu buổi chiều ngồi ở hành lang của một tòa nhà chung cư nào, dễ bắt gặp nhiều kiểu giúp việc khác nhau. Người trông nhà, trông người ốm, chăm người già, dọn dẹp, nấu ăn chứ không chỉ mỗi chăm trẻ. Nghề giúp việc vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống nơi đô thị bận rộn này nhưng thật sự đang gặp khó thời kinh tế không thuận lợi...
Khi quý cô nhậu bê xê lếtKhi quý cô nhậu bê xê lết

"Dzô, dzô, trăm phần trăm luôn nghe. Con nào say cho chó ăn chè. Con nào hổng say thì về ăn cơm với chồng". Gần đây, không ít quý cô tìm đến quán nhậu cho mỗi cuộc hẹn, thậm chí nhậu riêng cả hội chị em hoặc... "độc tửu" một mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên