11/05/2019 09:23 GMT+7

Nửa đêm, Trung Quốc 'rất lấy làm tiếc phải đáp trả Mỹ'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Nửa đêm, Bộ Thương mại Trung Quốc phát thông báo cho biết 'Trung Quốc rất lấy làm tiếc sẽ phải áp dụng các biện pháp đáp trả cần thiết' sau khi bị Mỹ tăng thuế lên 25% với 250 tỉ USD hàng Trung Quốc.

Nửa đêm, Trung Quốc rất lấy làm tiếc phải đáp trả Mỹ - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, rời khỏi văn phòng đại diện thương mại Mỹ sau cuộc đàm phán với phái đoàn Mỹ ngày 9-5 - Ảnh: AFP

Tổng thống Trump thông báo đã chính thức kích hoạt tăng thuế lên 25% với 250 tỉ USD hàng Trung Quốc sau khi phái đoàn hai nước kết thúc ngày đàm phán đầu tiên ở Washington.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin cố xoa dịu Bắc Kinh khi cho rằng việc tăng áp thuế có thể được cân nhắc lại nếu nước này khôi phục các cam kết trước đó và tiếp tục có tiến bộ.

Tuy nhiên có vẻ như Bắc Kinh không đón chào "thiện ý" của ông Mnuchin vì chỉ 2 phút sau thời khắc nửa đêm 9-5 giờ Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc phát thông báo cho biết "Trung Quốc rất lấy làm tiếc sẽ phải áp dụng các biện pháp đáp trả cần thiết".

Nhiều kịch bản

Trung Quốc hẳn nhiên sẽ có những lựa chọn trong tình huống này. Cái dễ đoán nhất là những chính sách phạt thuế đáp trả với doanh nghiệp Mỹ, và có thể đó sẽ là những mức thuế cao hơn, phạm vi áp dụng rộng hơn.

"Chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ mau chóng trả đũa với những mức thuế tương ứng", báo New York Times dẫn nhận định của ông Jake Parker, phó chủ tịch tại Bắc Kinh của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Trung, một tổ chức tư vấn doanh nghiệp đại diện cho 200 doanh nghiệp lớn của Mỹ có hợp tác làm ăn với Trung Quốc.

Trung Quốc cũng có thể dựng lại những rào cản nhập khẩu "dành riêng" cho một số bang đã ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2016. "Đòn" này từng được Trung Quốc áp dụng trong vài dịp với những lần "cương", "nhu" khác nhau tùy tình hình, ví dụ như mặt hàng đậu nành của Mỹ.

Một lựa chọn khác là Chính phủ Trung Quốc có thể kêu gọi người tiêu dùng trong nước tẩy chay hàng Mỹ. "Chiêu" này cũng từng được triển khai trong thập kỷ qua, vào những giai đoạn Bắc Kinh có những xung đột trong chính sách đối ngoại với Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Tờ Thời Báo Hoàn Cầu ngày 9-5 cũng đăng bài viết cổ xúy phong trào ủng hộ hàng "made in China" để giúp thị trường trong nước mạnh mẽ hơn trong khi phải đương đầu với cuộc thương chiến cùng Mỹ.

Ngoài ra, nếu Trung Quốc thực sự muốn đáp trả gay gắt hơn, họ cũng có những lựa chọn "cực đoan" khác. Một trong số đó là việc gây trì trệ tiến độ nhập khẩu hàng Mỹ thông qua các thủ tục hải quan rườm rà, kỹ lưỡng.

Trung Quốc cũng có thể chủ động "cắt đứt" hay cản trở cái gọi là chuỗi cung ứng toàn cầu. Ai cũng biết Trung Quốc là "đại công xưởng" của thế giới, nơi sản xuất một lượng lớn các linh kiện, bộ phận sản phẩm mà nhiều doanh nghiệp Mỹ cần để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh của họ.

Cuối cùng, Trung Quốc có thể phá giá đồng nhân dân tệ để tỉ giá lao dốc hết mức so với đồng đôla Mỹ. Điều này sẽ giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, cạnh tranh được trên thị trường nước ngoài, từ đó có thể bù đắp một phần cho những tổn thất vì các mức thuế cao.

Thế khó

Tuy nhiên, cái khó với Trung Quốc trong các lựa chọn đánh thuế trả đũa là có thể chúng không đủ sức nặng để thuyết phục phía Mỹ "đấu dịu" với họ trong cuộc thương chiến. Thời gian qua Trung Quốc đã chủ động đa dạng hóa nền kinh tế, song hiện tại quốc gia này vẫn đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Trong khi đó, mặc dù một số doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc tăng thuế, song những tác động kinh tế trên quy mô lớn hơn với nước Mỹ được cho là cũng sẽ hạn chế hơn so với Trung Quốc.

Các mức thuế của Trung Quốc cũng chỉ tác động một tỉ lệ nhỏ vào giá bán hàng hóa mà người tiêu dùng phải trả, do đó phần lớn người dân Mỹ sẽ không nhận thấy những thay đổi đáng kể. Như anh Nguyễn Hồng Vũ - Việt kiều sinh sống tại California, Mỹ - cho biết anh không cảm thấy có sự khác biệt gì trong giá cả sinh hoạt tại nơi sinh sống thời gian qua.

Trung Quốc cũng có thể mở rộng quy mô tăng áp thuế với 1/3 lượng hàng Mỹ nhập khẩu cho tới nay vẫn chưa bị áp thuế. Tuy nhiên số hàng này chủ yếu là chất bán dẫn và máy bay Boeing. Song các công ty Trung Quốc lại cần chất bán dẫn, và nếu chính quyền tăng thuế, doanh nghiệp đối mặt với việc tăng chi phí và giảm cạnh tranh.

Trong khi đó, nếu tăng thuế với máy bay Boeing, Bắc Kinh có thể lâm vào tình thế khó xử khác, các hãng hàng không của Trung Quốc sẽ buộc phải chuyển sang nhà cung cấp máy bay khác là Airbus, và nếu thế có thể phải chấp nhận mức giá cao hơn.

Tiềm ẩn phản ứng ngược

Tất cả những giải pháp cực đoan như đã nêu ở phần trên đều tiềm ẩn những phản ứng ngược, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, việc phá giá đồng nhân dân tệ có thể dẫn tới những nguy cơ lớn nhất. Việc này sẽ khiến dầu mỏ và những hàng nhập khẩu khác đắt hơn tại Trung Quốc, tiếp tục làm tăng lạm phát tại thời điểm giá cả cũng bắt đầu tăng.

Đó là chưa kể, nếu đồng nội tệ mất giá, nhiều doanh nghiệp và các gia đình Trung Quốc sẽ chọn chuyển tiền ra nước ngoài để bảo toàn lợi ích, việc này sẽ gây bất ổn cho hệ thống tài chính nước này.

Ông Trump Ông Trump 'ra đòn ngàn cân': tăng thuế lên 300 tỉ USD hàng còn lại của Trung Quốc

TTO - Chưa đầy 24 giờ sau khi Washington chính thức tăng thuế với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại ra lệnh tăng thuế tiếp với tất cả số hàng còn lại nhập từ Trung Quốc.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên