19/05/2023 08:00 GMT+7

Nở rộ phân hiệu đại học

Vài năm trở lại đây, nhiều phân hiệu của các trường ĐH liên tục được thành lập. Vì sao các trường ồ ạt mở phân hiệu?

Một buổi học của sinh viên Trường ĐH FPT tại phân hiệu TP.HCM - Ảnh: P.T.

Một buổi học của sinh viên Trường ĐH FPT tại phân hiệu TP.HCM - Ảnh: P.T.

Tháng 3-2023, ĐH Thái Nguyên đã công bố quyết định của Bộ GD-ĐT cho phép thành lập phân hiệu của ĐH này tại Hà Giang. Đây là phân hiệu ĐH mới nhất được thành lập và cũng là phân hiệu thứ hai của trường sau phân hiệu tại Lào Cai.

Trước đó, vào năm 2022 phân hiệu Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) tại Đắk Lắk cũng đã được thành lập. Phân hiệu này cũng đã có quyết định cho phép đào tạo.

Hàng chục phân hiệu

Trong thời kỳ trước 2014, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có rất nhiều cơ sở. Ngoài cơ sở chính, trường còn ba cơ sở khác tại Thái Bình, Thanh Hóa và Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, với những quy định thắt chặt về đào tạo ĐH, các cơ sở hoạt động kém hiệu quả, trường này đã bàn giao cơ sở Thái Bình cho tỉnh Thái Bình, thực hiện thủ tục thành lập phân hiệu tại Quảng Ngãi và cơ sở Thanh Hóa.

Hiện nay chỉ có cơ sở chính và phân hiệu Quảng Ngãi tuyển sinh ĐH, cơ sở Thanh Hóa chưa đủ điều kiện thành phân hiệu nên được sử dụng làm nơi thực hành, liên kết đào tạo.

Trong khi đó, nhiều trường ĐH liên tục mở thêm cơ sở, phân hiệu tại các tỉnh thành. Chẳng hạn Trường ĐH Tôn Đức Thắng ngoài cơ sở chính tại TP.HCM còn có các phân hiệu, cơ sở tại Nha Trang, Bảo Lộc, Cà Mau, An Giang.

Đáng chú ý nhất là Trường ĐH FPT. Trường này thành lập năm 2006 và đến nay đã có bốn phân hiệu tại Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Quy Nhơn. Trường này cũng đang xúc tiến bước đầu để phát triển thêm một phân hiệu tại tỉnh Bình Phước.

Trong giai đoạn 2019 - 2020, rất nhiều phân hiệu các trường được thành lập. Trong số này có thể kể đến như phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tại Vĩnh Long, phân hiệu Phú Yên của Học viện Ngân hàng, phân hiệu Đắk Lắk của Trường ĐH Luật Hà Nội, phân hiệu Gia Lai Trường ĐH Lâm nghiệp...

Đến nay, nhiều trường ĐH đã có vài phân hiệu như Trường ĐH Lâm nghiệp có phân hiệu tại Đồng Nai và Gia Lai (thành lập 2020), Trường ĐH Thủy lợi có phân hiệu tại TP.HCM, Bình Dương; Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có phân hiệu ở Gia Lai, Ninh Thuận; Trường ĐH Nội vụ Hà Nội có phân hiệu tại TP.HCM, Quảng Nam...

Một số trường ĐH lớn cũng đã thành lập thêm phân hiệu như Bến Tre của ĐH Quốc gia TP.HCM, Quảng Ninh của Trường ĐH Ngoại thương, Thanh Hóa của Trường ĐH Y Hà Nội. Không chỉ các trường ĐH lớn, ngay cả các trường ĐH mới thành lập ở các tỉnh cũng mở phân hiệu như phân hiệu tại Đà Nẵng của Trường ĐH Xây dựng miền Trung (Phú Yên), phân hiệu Huế của Trường ĐH Tài chính - Kế toán (Quảng Ngãi).

Bên cạnh các phân hiệu đã được thành lập, nhiều trường ĐH vẫn đang xúc tiến thành lập phân hiệu ĐH ở các tỉnh...

Gắn kết địa phương

Thực tế cho thấy các phân hiệu tuyển sinh ít hiệu quả hơn. Chẳng hạn điểm chuẩn đầu vào của phân hiệu ĐH Ngoại thương, Y Hà Nội, Kinh tế TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM, Tôn Đức Thắng... thấp hơn so với cơ sở chính.

Để thu hút thí sinh, một số trường áp dụng chính sách luân chuyển địa điểm học. Chẳng hạn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng áp dụng chính sách sinh viên trúng tuyển phân hiệu, sau thời gian nhất định có thể chuyển về cơ sở chính để tiếp tục hoàn thành việc học.

Đánh giá về việc thành lập và hoạt động của phân hiệu, ông Phan Hồng Hải - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết để thành lập một phân hiệu đòi hỏi nhiều thủ tục và tài chính.

"Ngay cả thành lập rồi, phân hiệu hoạt động như một trường ĐH đòi hỏi bộ máy và tài chính rất lớn. Thực tế cho thấy trước đây cơ sở hoạt động không hiệu quả, nhất là khi việc tuyển sinh và đào tạo ĐH được siết lại, cơ sở chính phải gánh chi phí cho cơ sở ở các tỉnh. Đó là lý do trường bàn giao lại cơ sở Thái Bình cho tỉnh. Trường vẫn gánh một phần chi phí cho phân hiệu Quảng Ngãi chứ chưa thể tự thu tự chi hoàn toàn" - ông Hải nói.

Nói về lý do mở phân hiệu ở các tỉnh, GS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết điều này nằm trong chiến lược phát triển thành ĐH sư phạm trọng điểm của trường, cũng là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường cao đẳng sư phạm, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chất lượng cho các địa phương.

"Ngoài ra, việc mở phân hiệu còn góp phần phục vụ mục tiêu đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của ngành và nhất là của địa phương, khu vực; gắn sự phát triển nhà trường với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương; gắn đào tạo và thực tiễn để đảm bảo nâng cao hiệu quả đào tạo cũng như hiệu quả nghiên cứu khoa học...

Đặc biệt, trường xem đây là một trong những hướng đi phát triển hoạt động cộng đồng khi gắn kết thực tế, sát cánh với cộng đồng bằng sự cam kết dài lâu" - ông Sơn nói thêm.

Trong khi đó, ông Võ Thanh Hải - phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân - cho biết trường xúc tiến mở phân hiệu tại TP.HCM nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đào tạo chất lượng cao. Theo ông Hải, nhiệm vụ của trường ĐH không chỉ đào tạo mà còn nghiên cứu. Tuy nhiên, cơ sở chính của trường tại Đà Nẵng nên khó thu hút các giảng viên và nhà khoa học giỏi về làm việc.

"Phân hiệu của trường có nhiệm vụ chính là nghiên cứu. TP.HCM có đội ngũ nhà khoa học nhiều, số lượng doanh nghiệp lớn nên sẽ thuận lợi hơn cho việc nghiên cứu. Phân hiệu này cũng thực hiện đào tạo chất lượng cao. Trong khi đó, việc đào tạo chính vẫn diễn ra tại Đà Nẵng" - ông Hải cho biết thêm.

Lập phân hiệu vì... thành lập ĐH không được

Đại diện ĐH Thái Nguyên cho hay phân hiệu Lào Cai được thành lập năm 2015 dựa trên dự án thành lập ĐH ở đây nhưng không thành và được chuyển giao để thành lập phân hiệu. Trong khi đó, phân hiệu Hà Giang được thành lập dựa trên nhu cầu của tỉnh, mong muốn có cơ sở giáo dục ĐH đào tạo nhân lực cho địa phương.

"Qua tỉnh khác đào tạo là phải lập phân hiệu"

Ông Lê Trường Tùng, chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT, cho rằng chính sách "ngăn sông cấm chợ" cách đây mấy chục năm dường như đang tái diễn trong chính sách về phân hiệu ĐH.

Theo ông Tùng, phân hiệu là địa điểm đào tạo. Cùng một tỉnh thành nhưng trường đào tạo ở hai địa điểm đào tạo khác nhau thì không cần phải thành lập phân hiệu, chỉ cần qua tỉnh khác là phải làm thủ tục thành lập phân hiệu.

"Đó có phải là ngăn sông cấm chợ không? Trong giáo dục ĐH, ranh giới giữa các tỉnh được coi là ranh giới trong khi trong cùng một tỉnh lại không được coi là ranh giới. Tôi không hiểu tại sao lại như vậy.

Để thành lập phân hiệu, ngoài các điều kiện về tiền và đất đai, chúng tôi buộc phải có ba giấy: đồng ý chủ trương, quyết định thành lập, cho phép đào tạo" - ông Tùng băn khoăn.

UBND TP.HCM nêu ý kiến về thành lập đại học, phân hiệu tại thành phốUBND TP.HCM nêu ý kiến về thành lập đại học, phân hiệu tại thành phố

TTO - UBND TP.HCM vừa có ý kiến về sắp xếp, sáp nhập các trường đại học thành đại học, thành lập trường đại học và phân hiệu trường đại học tại TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên