28/04/2015 09:52 GMT+7

​Những người giấu mặt

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Chưa “giải mật” được, nhưng không quên và luôn tìm cách nhắc nhớ bất cứ khi nào có thể là cách mà những “người Mặt trận” Sài Gòn đã chọn.

Ông Kiều Xuân Long (trái) và ông Dương Ngọc Minh trong lần về thăm lại chiến khu xưa - Ảnh: Tự Trung

Trong bộ kỷ yếu của Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn - Gia Định, xuất bản nhân dịp Ban Trí vận được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 2014, giữa các trang ghi lại công lao người đã đóng góp vào sự nghiệp chung có một trang với những tấm ảnh để trống.

Ân nhân

Trên trang kỷ yếu đặc biệt đó, thay cho tên tuổi chỉ là ghi chú: sĩ quan truyền tin quân đội Sài Gòn, sĩ quan an ninh quân đội Sài Gòn, sĩ quan cảnh sát Thủ Dầu Một, nhân viên sở quan thuế Sài Gòn, sĩ quan quân cảnh Sài Gòn, sĩ quan hải quân Sài Gòn, sĩ quan không quân Sài Gòn...

Phía dưới, những người biên soạn sách viết: “Vì những lý do đặc biệt, chúng tôi chưa thể đưa họ tên và chân dung những chàng trai đất Việt đáng yêu này.

Trong sắc phục và quân xa của các lực lượng quân đội và chính quyền Sài Gòn, họ đã đưa đón, bảo vệ các vị lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ đi công tác nội thành và các tỉnh lân cận, che chở, bảo vệ gia đình cơ sở Việt cộng an toàn giữa lòng Sài Gòn trong “đường dây đỏ” công khai mà bí mật cho đến ngày thống nhất.

Chúng tôi không bao giờ quên các anh. Chúng tôi tự hào trong đội ngũ những người anh hùng của Ban Trí vận vẫn có các anh, những anh hùng thầm lặng”.

“Và chắc chắn không chỉ có đội ngũ của Ban Trí vận mới có những người như thế. Chúng tôi rất tôn trọng ý kiến của họ và gia đình để không công bố, nhưng đồng thời cũng rất buồn, rất xót xa cho họ và cho chính mình.

Đã 40 năm qua rồi mà những con người, những câu chuyện này vẫn chưa “giải mật” được, cũng tức là mục tiêu hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc của chúng tôi mấy mươi năm trước chưa hoàn thành” - ông Kiều Xuân Long day dứt nói.

Kể về ba lần thoát nạn khi những kẻ chiêu hồi đã đến nhận mặt từng người trước cổng trường, cảnh sát đã tay dùi cui, tay còng số 8 ngồi chờ sẵn, cô giáo Trần Thị Mỹ liệt kê: “Anh trai tôi đã lấy chức vụ ở Bộ Giao thông công chánh bảo lãnh cho tôi hơn hai lần.

Bà hiệu trưởng Trường L’Aurore (tức Trường Rạng Đông, Q.3, TP.HCM - PV) chẳng những lấy xe đưa tôi về tận nhà hằng ngày, mà khi cảnh sát vây trường vẫn mạnh dạn cho tôi trốn vào cốp xe chở thẳng về nhà bà.

Bác tài xế của anh tôi lặng lẽ giúp tôi thoát khỏi sự truy bắt của cảnh sát, lại hằng ngày đưa tôi đến trường dạy để tránh bị bắt cóc dọc đường.

Anh cảnh sát bảo vệ nhà của anh tôi cũng biết tôi là người kháng chiến nhưng đã im lặng không tố cáo trong khi tôi phải tránh mặt ở nhà suốt mấy tháng trời. Sau này anh nhắn lại: Tôi làm ngơ để giúp cô hoạt động...”.

Cô giáo Nguyễn Bình Minh, người chị cả của hai cô em gái nổi tiếng Bình Thanh, Bình Trang, đã ở lại Sài Gòn chăm sóc ba má, nuôi các cháu cho em yên tâm theo Mặt trận làm cách mạng, luôn xuýt xoa khi nhắc chuyện cũ:

“Ba tôi đã là cơ sở trí vận từ thời chống Pháp, hai em theo kháng chiến thoát ly, cán bộ lui tới thường xuyên nên tất nhiên tôi chẳng thể nào thoát khỏi vòng theo dõi. Dẫu bản thân bị bắt hai lần nhưng tôi cũng đã thoát rất nhiều lần nhờ sự che chở của những người xung quanh”.

Đó là chú đạp xích lô một lần chở cô với một cái nồi nặng mà cô bảo là cà ri. Xe sụp xuống ổ gà, nắp nồi bật ra, ở trong là một chồng tài liệu.

“Tôi điếng người, vội đậy lại bụng bảo dạ “chết rồi” vì ông xích lô ở ngay phía sau, lại ngồi cao lênh khênh trên đầu làm sao không thấy được. Ấy vậy mà ông ấy vẫn im lặng đưa tôi đến tận nơi”.

Đó là mấy em học sinh có người thân làm cảnh sát đã nhất định không chịu nhận mặt cô giáo, lại đến báo với cô khi biết có kế hoạch vây ráp...

Trang kỷ yếu với nhiều khoảng trống

Sự giúp sức thầm lặng

Theo chân những người của Ban Trí vận Mặt trận khu Sài Gòn - Gia Định đi trao tặng huy hiệu Anh hùng LLVT tập thể của ban cho những ân nhân, những người cộng tác, chúng tôi nghe rất nhiều người cười bảo: “Làm giúp thôi mà, công trạng gì”.

Ông Ba Cần ở Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, Bình Dương cười hoài khi nghe mọi người kể chuyện hoạt động:

“Từ nhỏ tới giờ tui chỉ làm nghề nuôi vịt chạy đồng, chòi vịt bên sông thì có cái ghe. Mấy ông cách mạng nhờ gì thì tui làm giùm cái nấy thôi”. Thế nhưng ông lại rất nhớ ông Tư Méo (tức Trần Bạch Đằng - PV), ông Năm Thới (Tạ Bá Tòng - PV) mà mình hay đưa qua sông.

Chị ông, bà Hai Nghĩa (Nguyễn Thị Nghĩa), nay đã 93 tuổi, đang bệnh nặng cũng gật đầu cười xòa: “Ừ, làm giùm thôi”. Suốt cả một thời gian dài mấy mươi năm bà đã “làm giùm” bằng việc tiếp đãi “khách” của chồng, của con, mà khách nhà bà thì cứ nườm nượp, bên này lẫn với bên kia.

Ông Hai Nam (Phan Văn Bình) chồng bà vốn là cháu kiêm thư ký của một sĩ quan chỉ huy cảnh sát quốc gia. Ông đã sử dụng vị trí của mình để lấy tin tức, vận động tiếp tế cho “phía bên kia”. Nhà bà có vườn chôm chôm Java duy nhất ở Bình Dương, nổi tiếng cho trái sai, to, ngọt.

Mùa chôm chôm xe cảnh sát, xe các quan chức ở Sài Gòn, Bình Dương theo nhau tới xếp hàng chờ mua, rồi quen, không có chôm chôm cũng tới ăn cháo vịt. Nhà bà vì vậy lại thành một điểm hẹn an toàn, có bảo chứng cho cán bộ từ nội thành ra cứ và ngược lại.

“Rất nhiều khi dưới nhà một mâm nhậu cho mấy ông quốc gia, trên gác lại cũng có một mâm cơm cho mấy ông cộng sản. Mẹ tui cứ vậy mà... làm giùm” - ông Phan Thế Hùng, con trai bà, cười xòa kể.

Cả ông Hùng cũng là một giao liên đưa thư tích cực của cánh trí vận, sau này lên Sài Gòn học ĐH Y khoa, ông lại là một trong những người đầu tiên hoạt động phong trào sinh viên của trường này.

“Vợ chồng tỉnh trưởng tỉnh Bình Dương là bạn học với tôi hồi trung học, nhờ vậy tôi lại có thêm một bình phong nữa. Nhưng bà con xung quanh thì đâu thể giấu được, ông xã trưởng biết rõ gia đình tôi có liên lạc với cách mạng nhưng lại lơ đi cho...”.

“Sự im lặng đã là một đóng góp lớn”, một lần nữa câu nhắc nhở mà chúng tôi đã từng được nghe rất nhiều lần lại dội lên. Ông Hùng trầm giọng tâm sự:

“Lịch sử của chúng ta có nhiều ngang trái khiến rất nhiều người đã bị bỏ quên. Những người đã tự nguyện im lặng, tự nguyện góp tay vào việc chung. Những người phía bên kia đã đóng góp bằng cách này hay cách khác vì tình dân tộc, vì mong muốn thống nhất hòa bình.

Những người đứng trong bóng tối để hành động và hôm nay vẫn tiếp tục đứng trong bóng tối vì hoàn cảnh... Chúng ta vẫn còn nợ họ”.

Những chuyện như vậy kể mãi không hết.

Cùng chí hướng hòa bình

Các cán bộ tình báo, binh vận, trí vận... qua bao năm tháng mai phục trong lòng chế độ Sài Gòn đã góp phần tạo được sự gần gũi ở nhiều mức độ khác nhau với Mặt trận Dân tộc giải phóng trong giới nhân sĩ, trí thức, lực lượng thứ ba, dân biểu đối lập, và cả nhiều sĩ quan Sài Gòn.

Họ có thể khác nhau về xu hướng chính trị nhưng có cùng chí hướng hòa bình, độc lập, đòi chấm dứt chiến tranh, Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam...

Đến giờ phút quyết định, một “chính phủ dựa trên cơ sở thật rộng rãi, có nhiều nhân vật độc lập, nhất quyết hòa hợp” đã được thành lập với mục tiêu duy nhất là chấm dứt chiến tranh.

(Theo Lịch sử Nam bộ kháng chiến 
- NXB Chính Trị Quốc Gia)

_________

Kỳ tới: Những tờ báo biết bay

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên