26/04/2015 14:35 GMT+7

​Trí thức đồng hành

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Nghe nói “mấy ổng” là dân Sài Gòn, giàu có lắm, vậy mà vào rừng làm giải phóng. Thế là chúng tôi cũng theo quân giải phóng”.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tại một cuộc họp trong chiến khu - Ảnh tư liệu

Ông Bảy Rằng (Phan Văn Rằng, ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi) vẫn còn nhớ rõ những ngày niên thiếu của mình và kể lại như vậy.

Lựa chọn

“Mấy ổng” mà ông Bảy Rằng nhắc tới nhiều nhất chính là luật sư Nguyễn Hữu Thọ và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát: “Tôi nhớ hai ông đó gương mặt thật đẹp, sang trọng, nụ cười rất hiền và nói chuyện cũng rất hay, dù hồi đó tôi còn nhỏ chẳng hiểu gì nhiều”.

Sau này theo cách mạng, ông Bảy Rằng đã được học tập để hiểu những điều mà Mặt trận kêu gọi: “Phải hòa bình. Phải độc lập. Phải cơm no áo ấm. Phải hòa bình thống nhất Tổ quốc. Vì quyền lợi tối cao của Tổ quốc, thuận theo trào lưu tiến bộ trên thế giới” chính là để cho mình.

Ông cũng đã được biết câu chuyện ly kỳ về “ông hòa bình” Nguyễn Hữu Thọ đã dành cả cuộc đời luật sư để đấu tranh cho hòa bình, ba lần bị lưu đày quản thúc từ Lai Châu đến Hải Phòng, Phú Yên, ba lần được giải cứu để về làm chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã rời bỏ Sài Gòn hoa lệ với không ít công trình mang dấu ấn của mình để vào rừng đấu tranh cho hòa bình, thống nhất.

Tới hôm nay nhiều người vẫn còn nhớ công trình hội trường đại hội Mặt trận phên tre nứa lá mà lại khang trang, tiện nghi, đầm ấm, thương yêu do chính ông làm tổng công trình sư giữa rừng già.

Danh sách những trí thức Sài Gòn vào rừng tham gia Mặt trận còn rất dài: vợ chồng bác sĩ Phùng Văn Cung, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Dương Quang Trung, dược sĩ Hồ Thu, Bùi Thị Mè, các giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, Lý Chánh Trung, Lê Văn Huấn, Nguyễn Văn Kiết, Nguyễn Văn Hàm, các nhà báo Võ Oanh, Vũ Tùng, luật sư Trịnh Đình Thảo, Ngô Bá Thành, kỹ sư Lâm Văn Tết, nhà soạn kịch Trần Hữu Trang, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, hòa thượng Thích Thiện Hào, Thích Đôn Hậu, ni sư Huỳnh Liên, linh mục Chu Phát...

Trong hồi ký Tháng ngày tôi sống với người cộng sản, nhà văn Thanh Nghị đã ghi lại một trong những ngỡ ngàng của chính ông với những nhân vật ấy: “...Khi biết tên cô ấy (tức bác sĩ Dương Quỳnh Hoa - PV) có trong danh sách những người vừa vào tới khu giải phóng, tôi đã ngạc nhiên không ít. Sự ngạc nhiên này bây giờ thật đã lên cao độ trước sự đòi hỏi của cô phải được nhập vào đoàn người đi bộ. Ba đêm liên tiếp, đêm đi ngày nghỉ không có trạm dừng dọc đường. Câu cuối cô nói bằng tiếng Pháp là cố ý chĩa vào tôi khi tôi cười về loại yêu sách thiếu cơ bản ấy: “Coi chừng anh đấy, anh coi thường phụ nữ vừa vừa chứ”.

Thật ra tôi đâu dám xem thường, nhưng trước dáng dấp vừa nhỏ thó vừa tiểu thư của cô tôi hoài nghi lắm, nhất là ở Sài Gòn, ít người không biết tiếng cô về tài năng, về của cải. Ai đi ngang đường Hồng Thập Tự đều biết phòng khám bệnh và cái biệt thự lộng lẫy của gia đình cô. Trong thời gian vận động sự tham gia của những nhân vật tiêu biểu vào Liên minh (Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam - PV), được gợi ý tiếp xúc với cô, tôi đã sai lầm khi nói: “Về mục đó thì xin miễn cho, tôi sợ không xiết”. Bây giờ cô đã có mặt ở đây, lại đòi đi bộ...”.

Đi qua những ngỡ ngàng, ngạc nhiên về nhau, ở cánh rừng Mặt trận họ đã cùng nhau bàn bạc đưa ra những đường hướng để đấu tranh cho một ngày mai tươi sáng của đất nước, dân tộc.

Như bác sĩ Dương Quang Trung đã viết: “Có ai hỏi vì sao tôi đi với Mặt trận, tôi không do dự gì mà trả lời rằng vì mang danh là trí thức, tôi muốn sống như một người dân độc lập, dưới một chế độ dân chủ thật sự, trong một đất nước hòa bình. Người trí thức không phải chỉ biết sống vì vật chất. Giá trị làm người, đem tri thức của mình để thực hiện lý tưởng cao cả với dân tộc bắt buộc người trí thức phải có thái độ thỏa đáng, gánh lấy trách nhiệm của mình với dân tộc. Đi với Mặt trận nghĩa là đi với nhân dân...”.

Như lời thơ ông Đặng Văn Ký viết giữa những cuộc đối đầu ngay tại Tổng nha Cảnh sát: “Hòa bình dân hết truân chuyên/ Hòa bình chấm dứt ưu phiền lửa binh/ Nước Việt Nam văn minh quốc hiến/ Dân Việt Nam hào kiệt liệt trinh/ Lửa binh gây nỗi bất bình/ Tiếng kêu nhân kiệt địa linh muôn đời/ Nhân dân khắp nơi nơi hưởng ứng/ Mặt trận dân xây dựng hòa bình/ Dân, dân mình! Nước, nước mình!/ Đồng vinh, đồng nhật, cộng sinh, cộng tồn”.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (trái), và luật sư Trịnh Đình Thảo - chủ tịch Liên minh Dân tộc vì hòa bình MNVN - tại căn cứ Tây Ninh - Ảnh: Nguyễn Đức Chính

Đi cùng nhân dân

Sau những ngày tiếp lửa giữa rừng, những người trí thức lại quay về Sài Gòn, và với sự sáng tạo của họ các phong trào đấu tranh đô thị nổ ra sôi động, muôn màu muôn vẻ.

Tổ chức xã hội liên tục được lập ra, hoạt động rầm rộ theo diễn biến của tình hình chiến sự, xã hội: Phong trào dân tộc tự quyết, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, Ủy ban vận động hòa bình, Ủy ban cứu tế và bảo vệ tính mạng - tài sản dân chúng, Lực lượng quốc gia tiến bộ, Mặt trận nhân dân cứu đói, Ủy ban vận động cải thiện chế độ lao tù, Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động, phong trào “Ký giả đi ăn mày”, những tờ báo in ấn bí mật xuất bản giữa lòng thành phố: Trí Thức Mới, Tiếng Nói Trí Thức, Trung Lập, Sài Gòn Vùng Lên...

Ký ức người Sài Gòn vẫn còn in rõ những ngày sôi động “lửa và hoa” ấy. Các bài báo trên Điện Tín, Tin Sáng, Đối Diện ra mỗi sáng tường thuật vừa chi tiết vừa cảm xúc những phong trào đấu tranh, hình ảnh những trí thức hàng đầu luôn được khắc họa rõ nét, phát biểu của họ được ghi nhận đầy đủ. Hàng trăm, hàng ngàn người đọc buông tờ báo xuống là đứng lên hăng hái tham gia phong trào.

Nhiều người bảo họ không thể quên bà luật sư Ngô Bá Thành. Tà áo dài của bà luôn phất phới dẫn đầu cuộc biểu tình, phía sau là hàng hàng lớp lớp sinh viên học sinh, các mẹ các chị tiểu thương, ni sư, phật tử.

Tiếng của bà luôn sang sảng truyền lửa và lý lẽ luôn sắc sảo, thấu tình, dù là giữa cuộc biểu tình trên đường phố hay trước tòa án, trên mặt báo hay trong nhà tù.

Các ni sư ở tịnh xá Ngọc Phương vẫn còn nhớ những buổi nói chuyện của bà: “Người hùng số một của giống Lạc Hồng không phải kẻ bách chiến bách thắng, mà là người nói lên được lời cởi mở hận thù, đã gây dựng được tình thương cốt nhục, hòa giải và hòa hợp dân tộc, kiến tạo một thanh bình trong thịnh vượng phú cường và hạnh phúc muôn dân...”.

Ở dưới ai nghe cũng khóc. Khóc rồi, họ lại xắn tay áo cùng đóng góp cho hòa bình bằng phần của mình.

“Trí thức Sài Gòn là trí thức dấn thân”, nhà văn Thanh Nghị đã kết luận như vậy. Ông giải thích: “Chúng tôi chẳng có gì nhiều mà bàn cãi với nhau. Sự sống đã có sẵn những dữ kiện, lịch sử cũng đã có sẵn những quy luật. Bàn chuyện gì: hòa bình, đoàn kết, hòa hợp? Tính chất của nó không phải việc để bàn mà là để sống, không là lý thuyết mà là hành động...”.

Đoàn kết, đoàn kết

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam Việt Nam không phân biệt xu hướng chính trị, thực hiện độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

(Trích Chương trình của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, công bố ngày 20-12-1960)

_________

Kỳ tới: Chính phủ giữa rừng

 

 

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên