Không ít trường hợp ngộ độc thời gian gần đây là sau khi ăn thịt gà, nguy cơ ngộ độc càng lớn hơn khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Vậy làm gì để bảo đảm an toàn thực phẩm?
Giá dễ thở, nhưng an toàn thì... hên xui
Ngày 7-4, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ về việc buôn bán thịt gia cầm tại một số khu chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, không quá khó để tìm mua thịt gà các loại, đáng nói người tiêu dùng không phải đắn đo khi mua sản phẩm vì giá cả rất mềm.
Tại chợ Tân Định (quận 1), thịt gà được bán với giá "dễ thở" dù đây mệnh danh là khu chợ dành cho người giàu. Thịt gà nguyên con và thịt gà bán theo bộ phận như cánh gà, đùi gà, chân gà... rất đa dạng, giá dao động 150.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại.
"Gà ở đây là gà công nghiệp nhưng rõ nguồn gốc. Tôi bán ở đây bao nhiêu năm, ai ăn có chuyện gì cứ ra tìm tôi. Gà rõ nguồn gốc là gà... ăn vào không chết ai!?" - người phụ nữ bán thịt gà trên vỉa hè lối vào chợ, đường Bà Lê Chân (quận 1), cho hay.
Tương tự, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), đi sâu vào gian hàng thịt gia cầm là dãy các sạp bán thịt gà. Đây được cho là... "gà ta" - tức là gà nuôi thả vườn, được chuyển từ các tỉnh miền Tây, Bình Dương, Đồng Nai lên TP.HCM.
Chị Nguyễn Thị An, người bán thịt gà, nói: "Tôi chuyên bán thịt gà có giấy truy xuất nguồn gốc, lấy hàng từ chợ đầu mối về. Giấy tờ có mới ra được khỏi chợ và về đây ban quản lý chợ cũng đi kiểm tra. Thịt gà dễ ăn, dễ chế biến nhiều món mà giá rất cạnh tranh vì giờ gà nhập rất nhiều. Nên dù chợ có ít người, thịt gà cũng bán hết rất nhanh".
Thời kinh doanh số, đi chợ online là câu chuyện của không ít người tiêu dùng. Chỉ cần gõ "mua thịt gà" là hàng loạt tài khoản, nhóm... trên mạng xã hội bán thực phẩm này. Gà đông lạnh giá chỉ 80.000 đồng/kg; cánh gà, đùi gà 50.000 đồng/nửa ký; các phụ phẩm khác giá cũng rất mềm...
"Gà nhập bên em là ngon nhất rồi. Giá này bán theo giá nhà hàng, quán ăn... để chia sẻ khó khăn với mọi người. Đông lạnh nên các bác để ngàn năm cũng không hư hỏng", chủ tài khoản N.C rao hàng.
Trước thị trường thịt gà, thịt gia cầm phong phú và đa dạng các loại, nhiều người cho rằng thịt gà không kén khách và được ưa chuộng nhiều. "Tuy nhiên để mua được thịt ngon, đảm bảo chất lượng thì tôi cũng chỉ biết nói là... hên xui", chị Thiên Hương (quận Phú Nhuận) nhìn nhận.
Việt Nam nhập thịt thải loại từ các nước
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 năm gần đây sản lượng thịt gà và phụ phẩm gia cầm nhập khẩu hằng năm đều tăng liên tục. Cùng với nhập khẩu chính ngạch, tình trạng nhập lậu diễn ra trên diện rộng sẽ khiến Việt Nam trở thành nước siêu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Hiện Việt Nam đang nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt từ 37 thị trường trên thế giới. Hàn Quốc, Mỹ, Brazil, Ba Lan, Nga là những thị trường xuất khẩu nhiều thịt gà sang Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Vi Xuân (TP.HCM) dẫn lại kết quả nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, trong 10 năm gần đây mức tăng trưởng tiêu thụ thịt gia cầm trên đầu người tăng 8,5%/năm và có xu hướng tăng nhanh hơn so với tiêu thụ thịt heo.
Theo đó, năm 2020 mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ bình quân gần 17kg thịt gia cầm, đến năm 2022 tiêu thụ khoảng 20kg/người và dự báo năm 2023 sẽ là 22kg/người. Trung bình mỗi ngày người Việt tiêu thụ hơn 674 tấn thịt gà nhập khẩu.
"Xu thế tiêu thụ thịt của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng tăng. Ngoài nguồn cung nội địa, lượng thịt gà và phụ phẩm gia cầm nhập khẩu hằng năm đều tăng liên tục. Ngoài hàng chính ngạch thì sẽ có nhập lậu, thậm chí diễn ra trên diện rộng. Kéo theo lo ngại lớn nhất là vấn đề an toàn thực phẩm", chuyên gia này nhìn nhận.
Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng đang có "tảng băng chìm" rất lớn trong nhập khẩu thịt. Ông Đoán nói: "So với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập.
Việc truy xuất nguồn gốc là cơ sở quan trọng để đánh giá thực phẩm an toàn. Chẳng hạn hiện chưa có quy định một số chỉ tiêu liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm khi đưa chỉ tiêu Salmonella và chỉ tiêu E.coli vào sản phẩm thịt nhập khẩu".
Ngoài ra, theo ông Đoán, việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi hiện nay đang là vấn đề hệ trọng, gây nhiều rủi ro và hệ lụy cho người dùng. Như nguy cơ lan truyền dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm và viêm da nổi cục trên trâu bò.
Còn theo lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, chúng ta cho nhập cả những sản phẩm mà nước ngoài không ăn như gà đẻ thải loại, da gà, cổ cánh gà, chân gà...
"Một lượng lớn gà đẻ thải loại nguyên con chặt đầu, chặt cánh được doanh nghiệp nhập về từ Hàn Quốc với giá rất rẻ. Tình trạng thịt gà nhập khẩu giá rẻ, cảnh báo lớn về vấn đề an toàn thực phẩm", vị này thông tin.
Vì sao thịt gà lại dễ gây ngộ độc?
Bác sĩ Trần Thị Hiếu, phụ trách khoa dinh dưỡng, tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM), cho biết thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển dẫn tới nhiễm khuẩn hoặc làm thức ăn hư hỏng nhanh.
Bên cạnh đó nếu trong quá trình chế biến, bảo quản không đúng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm.
Thịt gà thuộc nhóm đạm dễ bị ôi thiu, khi vi khuẩn xâm nhập (Salmonella, Campylobacter, Escherichia coli) dễ sinh ra các chất độc do vậy nếu trong quá trình chế biến mà bảo quản không kỹ thì khi ăn vào sẽ ngộ độc. Trường hợp nếu chế biến kỹ vẫn có thể bị nhiễm khuẩn trong khâu bảo quản sau chế biến.
"Vào mùa hè, không chỉ riêng thịt gà mà các loại món ăn khác nên ăn trong vòng hai giờ sau khi chế biến. Đặc biệt lưu ý với một số các thức ăn mua chế biến sẵn, đến lúc mua về sử dụng lúc này đã để quá hai giờ, do vậy các loại vi khuẩn đã sinh sôi, dễ gây ngộ độc thực phẩm", bác sĩ Hiếu nhấn mạnh.
Bác sĩ Hiếu khuyến cáo để đảm bảo an toàn thực phẩm, thịt gia cầm cần được nấu chín hoàn toàn, không nên rửa thịt sống và không để thịt sống tiếp xúc với dụng cụ, bề mặt bếp, thớt và các thực phẩm khác vì điều này có thể dẫn đến lây nhiễm chéo.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, khuẩn Salmonella được tìm thấy ở nhiều loại thực phẩm bao gồm thịt gà, gà tây, thịt bò, thịt heo, trứng, trái cây, rau mầm, các loại rau khác và thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn.
Làm sao để nhận biết ngộ độc thực phẩm?
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết đối với các trường hợp ngộ độc thức ăn nếu có các dấu hiệu sau nên đến cơ sở y tế để được trợ giúp: sốt 38,5 độ trở lên, bụng chướng, ói liên tục, đi cầu phân nước nhiều lần (trên ba lần trong vòng bốn giờ), tê tay chân, không uống được.
Ngộ độc thức ăn làm mất nước, rối loạn chất muối trong cơ thể, có thể ảnh hưởng đến hô hấp, tuần hoàn, não. Nếu ngộ độc nặng, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc máu, có thể gây nguy hiểm và tử vong.
Ngoài ra, nếu không có các biểu hiện về đường tiêu hóa nhưng xuất hiện triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt cũng phải đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không nên tự ý theo dõi điều trị tại nhà. Càng nhập viện sớm thì tỉ lệ điều trị khỏi càng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận