18/04/2018 09:33 GMT+7

Người thầy tí hon tạo thay đổi lớn

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Anh Nguyễn Ngọc Phương (39 tuổi) chỉ cao 90cm, nặng hơn 20kg đã từ bỏ con đường lập nghiệp rộng mở, quyết định gắn bó hơn 10 năm nay với những đứa trẻ có cùng hoàn cảnh như mình.

Người thầy tí hon tạo thay đổi lớn - Ảnh 1.

Thầy Phương (phải) hướng dẫn trẻ khuyết tật làm nhang tại xưởng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Không chỉ thấp bé nhẹ cân, thân hình Phương còn bị dị tật do di chứng chất độc da cam trong những năm tháng ba anh chiến đấu ở chiến trường phía Bắc.

Chọn các em

Mấy đứa trẻ yêu quý gọi Phương là thầy nhưng Phương thường hóm hỉnh : "Thầy là thầy cái kiểu người đi trước rước người đi sau. Chứ trình độ, chữ nghĩa có đâu mà thầy".

Nói thế vì trước đây Phương chỉ học đến lớp 2. Gia đình đông con, nhà lại nghèo rồi đèo thêm bệnh tật. Năm 15 tuổi, anh đã phải bươn chải kiếm sống từ làm nghề vô gas bật lửa, đến sửa đồng hồ, rồi Phương vào tận Sài Gòn học nghề sửa xe. Sau bao năm lăn lộn, tích cóp, chàng trai tí hon quyết về Đà Nẵng mở tiệm sửa xe lập nghiệp.

"Hình ảnh các em cứ thôi thúc tôi. Bao đêm gác tay lên trán suy nghĩ, tôi quyết định dọn hết đồ đạc đến trung tâm cùng sống với các em"

Anh Nguyễn Ngọc Phương

Cơ duyên đưa anh đến với hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng. Trong những lần đến Trung tâm làm tình nguyện, cùng chơi với các em, Phương chợt thấy mình muốn gắn bó dưới mái nhà của những người khiếm khuyết. Nhưng với một vị trí khác - công việc của những người dẫn dắt các em.

Rồi Phương từ bỏ công việc kinh doanh, bắt đầu về dạy nghề cho những người cùng cảnh ngộ.

Ngày Phương mới về, Trung tâm chăm sóc nạn nhân da cam khi ấy cũng mới vừa thành lập, mọi thứ chưa được định hình. Phương dạy nghề sửa xe cho các em nam. Đa số trẻ ở trung tâm bị khuyết tật não bộ, còn lại bị khuyết tật vận động, câm điếc… nên chuyện học nghề sửa xe, sửa đồng hồ là vô cùng khó.

Rồi Phương cùng các nhân viên ở trung tâm quyết định chọn nghề làm nhang là nghề khá dễ với trẻ khuyết tật. Không lẽ cứ để cuộc sống của các em chỉ có ăn, ngủ và chơi. Nhiều em cũng vì không có việc làm mà thấy mình vô dụng, rồi dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn. Nghĩ rồi Phương quyết nghiên cứu thật kỹ càng nghề làm nhang.

Phương phân chia công việc theo từng thế mạnh. Em khiếm thính nhưng có sức khỏe thì bưng bê, phơi nhang; người bị tăng động và chậm hiểu lại có tính kiên trì thì có nhiệm vụ tra tăm vào máy; em tỉnh táo hơn nhưng khuyết tật vận động thì đảm trách bán nhang; em tỉ mẩn, kỹ càng thì bó nhang, cân bột… cứ như thế mỗi em sẽ lo làm tốt công việc của mình.

Nhưng mọi chuyện không dễ dàng. Một thời gian dài sau đó Phương cứ nói rồi các em lại quên. Thầy làm thì mấy đứa làm theo nhưng khi thầy ra ngoài thì bọn trẻ tháo hết máy móc ra phá. "Bực lắm chớ, nhưng nghĩ lại càng thương. Tôi lại lủi thủi sửa máy, dọn đồ. Mấy đứa ngồi nhìn rồi thương tôi hay sao lại cùng phụ sửa và về sau không phá nữa"- Phương xúc động.

Tạo thay đổi lớn

Vừa trò chuyện, Phương vừa ra hiệu cho cậu trò bị câm điếc rót nước mời khách. Cậu chàng thoăn thoắt làm theo với vẻ mặt hứng thú. Chốc lát anh lại quay sang nhắc "thợ đứng máy" tra thêm dầu vào máy làm nhang. Chỉ về tay thợ chính của xưởng, Phương giới thiệu đấy là Trần Quốc Chính, đã có thâm niên 8 năm.

Anh kể Chính là đứa để lại trong anh nhiều cảm xúc nhất. Ngày đến Trung tâm, Chính suốt ngày thu mình một góc, không chơi với ai cũng chẳng nói năng gì. Lựa lúc Phương lại gần bắt chuyện. Bất ngờ, Chính đánh dúi dụi vào mặt, vào đầu Phương. Bị trò đánh đau điếng, thân hình yếu ớt gắng sức thoát được ra ngoài.

Thế rồi sau bao nỗ lực Phương cũng tiếp cận được cậu trò khó bảo và là người được Chính tin cậy nhất trong lớp. Phương quan tâm em nhiều hơn. Chính dần trở nên hiền lành, nghe lời và tiếp xúc với mọi người.

Giờ đây gần chục học viên trong lớp làm nhang đã thực sự trở thành một dây chuyền sản xuất. Mỗi ngày các em làm được hàng trăm bó nhang bỏ mối cho nhà tang lễ của thành phố, bán lẻ tại xưởng và chuyển cho khách tận Hà Nội. Nguồn thu từ việc bán nhang ngoài trích quỹ Trung tâm chi phí thì các em được hưởng hơn 50% lợi nhuận.

Không chỉ được trò yêu mà thầy Phương còn được lãnh đạo và nhân viên trung tâm quý mến.

Cô Võ Thị Thu, phó giám đốc trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh - cơ sở 1 cho biết: "Vì cùng là người khuyết tật nên chính anh Phương dễ đồng cảm và thấu hiểu các em. Nhờ tâm huyết của người cùng cảnh, anh ấy đã giúp nhiều trẻ khuyết tật vượt lên số phận, sống có ích cho xã hội".

Nguyện là "đôi tai" của trẻ khiếm thính Nguyện là 'đôi tai' của trẻ khiếm thính

TTO - Sau 14 năm chọn giảng dạy các em nhỏ khiếm khuyết và đồng hành cùng trẻ khiếm thính, cô Nguyễn Thị Hồng Thu (38 tuổi) đã hỗ trợ nhiều em khiếm thính Đà Nẵng hòa nhập với cộng đồng.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên