18/12/2017 11:12 GMT+7

Nguyện là 'đôi tai' của trẻ khiếm thính

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Sau 14 năm chọn giảng dạy các em nhỏ khiếm khuyết và đồng hành cùng trẻ khiếm thính, cô Nguyễn Thị Hồng Thu (38 tuổi) đã hỗ trợ nhiều em khiếm thính Đà Nẵng hòa nhập với cộng đồng.

Nguyện là đôi tai của trẻ khiếm thính - Ảnh 1.

Cô Thu (bìa phải) thường xuyên gặp gỡ để sẻ chia cùng các bạn khiếm thính - Ảnh: ĐOÀN NHẠN.

Tốt nghiệp sư phạm, cô Thu về dạy tại một trường công lập rồi bất ngờ xung phong về trường chuyên biệt Tương Lai khiến ai nấy ngỡ ngàng.

Tôi chọn các em

Cô Thu hồi nhớ: "Những lần đi làm ngang qua trường chuyên biệt Tương Lai - ngôi trường dành riêng cho trẻ khuyết tật, tôi đã thực sự bị cuốn vào ánh mắt ngơ ngác của các em đứng đợi bố mẹ ở cổng trường. Tôi mong muốn được gắn bó với ánh mắt ấy, mong được làm gì đó cho các em".

Cô Thu hỗ trợ Hội rất nhiều trong việc phiên dịch các buổi tập huấn, các hoạt động của CLB khiếm thính với cộng đồng. Hiện tại TP. Đà Nẵng chưa có người phiên dịch cho nhóm khiếm thính nên việc cô Thu bỏ thời gian, tâm sức tự nguyện giúp đỡ các em thật đáng quý".

Ông Trương Công Nghiêm - hội Người khuyết tật Đà Nẵng

Cách đây hơn chục năm, việc giảng dạy trẻ khuyết tật là một nỗi sợ với các giáo viên trẻ, bởi không chỉ thiếu kinh nghiệm và kỹ năng đối phó với những đứa trẻ cá biệt, với nhiều người, điều đó còn ảnh hưởng đến tương lai của họ. Nhiều người cũng vì thế mà khuyên cô Thu nên suy nghĩ lại, nhưng cô vẫn quyết định, không chút ngại ngần.

Đến khi về trường cô giáo Thu khi ấy chỉ mới 24 tuổi bắt đầu thấm thía được sự khó khăn của việc dạy trẻ khuyết tật. Các em rất khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Thời gian để các em tiếp thu phải gấp đôi, thậm chí gấp ba trẻ bình thường. Trong khi chỉ tiêu chương trình phổ thông đặt ra là rất khó đạt được.

Và cô giáo trẻ đã nghĩ ra nhiều cách cho các em nhớ, cho các em thực hành nhiều hơn và thay đổi phương pháp giảng dạy. Không chỉ dạy các em kiến thức, cô còn học thêm kỹ năng múa, vẽ… để dạy cho các em ngoài giờ. 

Bởi cô hiểu kỹ năng, những hoạt động ngoại khóa đôi khi với các em khuyết tật còn quan trọng hơn cả việc học các môn học trên lớp. Và chính cô Thu là người phát hiện ra những em nhỏ mất đi khả năng nghe, nói thì lại có năng khiếu nhìn, cảm thụ rất tốt.

Cô không biết ký hiệu, nên việc dạy múa, dạy chữ cho các em là rất khó. "Nhưng chính các em lại là giáo viên của mình trong việc học ký hiệu. Cô dạy trò, trò dạy cô. Không hề có một khoảng cách nào nữa" - cô Thu nói.

Chỉ sau một năm về trường, cô Thu đã giao tiếp bằng ký hiệu với các em và nhanh chóng thuần thục.Các em khuyết tật thấy lần đầu có một giáo viên học ngôn ngữ ký hiệu của mình, lại càng hứng thú trao đổi và nêu ý kiến. Từ đó, cô Thu dễ dàng giúp đỡ các em hơn.

Nguyện là đôi tai của trẻ khiếm thính - Ảnh 3.

Cô Thu (giữa) nhận giải thưởng Võ Trường Toản - giáo viên có nhiều cống hiến cho giáo dục TP Đà Nẵng - Ảnh ĐOÀN NHẠN

Người bạn đồng hành của trẻ khuyết tật

Những năm qua, có nhiều nhóm truyền đạo lợi dụng hàng chục em khiếm thính ở Đà Nẵng để truyền bá tư tưởng xấu. Chính cô Thu là người giúp đỡ lực lượng công an trong việc xử trí. Bởi lẽ theo cô, trong suy nghĩ của các em, người có một hành động xấu là xấu lắm, người tốt là tốt lắm. Nên rất khó để các em hiểu ra vấn đề mình đang giúp hay hại các em.

"Lợi dụng các em khuyết tật, những thành phần truyền đạo cho các em một số lợi ích nhỏ, các em bắt đầu hình thành tư tưởng đó là những người tốt và khi có mặt các chú công an thì dù có giải thích thế nào, với các em, công an cũng là người xấu" - cô Thu nói. 

Chính vì thế, cô không thể đơn thuần là người phiên dịch mà còn là người các em tin tưởng mới có thể tiếp cận và giúp các em hiểu được vấn đề.

Suốt những năm qua, hàng chục lần cô Thu giúp đỡ lực lượng công an và các em khiếm thính giải quyết vấn đề liên quan đến pháp luật. 

Cô Thu chia sẻ: "Mình phải gọi thêm vài cô giáo nữa, chia nhóm các em ra, và giải thích cặn kẽ cho các em hiểu và để các em cung cấp thông tin cho công an. Từ đó các em mới tránh xa các nhóm truyền đạo. Nhưng thật sự rất khó khăn".

Không chỉ giúp đỡ các bạn khiếm thính trong việc học tập và cuộc sống, cô Thu còn là người bạn thân thiết với nhiều trẻ khuyết tật, theo sát cuộc sống của các em từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành. 

"Cô Thu nhiều lần đứng ra bảo lãnh cho chúng mình, cô Thu giải thích mọi thứ bằng ký hiệu rất dễ hiểu, còn giúp đỡ nhiều cho câu lạc bộ Điếc của Đà Nẵng" - Phan Nữ Diễm Phương (một thành viên của CLB Khiếm thính Đà Nẵng) chia sẻ.

Còn với cậu bạn Phạm Thanh Phương (23 tuổi), cô Thu không chỉ là cô giáo nữa, cô còn là bạn, là người thân. Phương ra ký hiệu bảo rằng, trước đây cậu là đứa học trò nghịch ngợm, cá biệt của trường, không chịu nghe lời giáo viên nào nhưng được cô Thu khuyên nhủ, Phương dần dần thay đổi.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên