29/12/2023 15:18 GMT+7

Người Sài Gòn trải nghiệm làm chè, bánh dân gian, mua sắm đặc sản tại Hội trường Thống Nhất

Dịp Tết dương lịch, với chương trình Đặc sản bản địa - Làng nghề truyền thống, người dân TP.HCM có cơ hội mua sắm nhiều loại đặc sản vùng miền, đặc biệt được chứng kiến và trải nghiệm quy trình chế biến các món chè, bánh dân gian...

Với giá từ 200.000-250.000 đồng/sản phẩm, gian hàng túi và nón được làm từ cỏ bàng đã thu hút đông khách hàng, trong đó có nhiều khách nước ngoài - Ảnh: N.TRÍ

Với giá từ 200.000-250.000 đồng/sản phẩm, gian hàng túi và nón được làm từ cỏ bàng đã thu hút đông khách hàng, trong đó có nhiều khách nước ngoài - Ảnh: N.TRÍ

Ngày 29-12, tại Hội trường Thống Nhất (Q.1), chương trình Đặc sản bản địa - Làng nghề truyền thống do Trung tâm BSA, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức đã khai mạc. Sự kiện kéo dài đến 31-12.

Với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp đến từ 18 tỉnh, thành, chương trình lần này giới thiệu đến người mua nhiều đặc sản như bánh tráng Tây Ninh, ca cao miền Tây Nam Bộ, hạt điều Bình Phước, hồng sấy Đà Lạt, bánh tét Trà Vinh...

Theo ban tổ chức, do diễn ra trong những ngày nghỉ Tết dương lịch, nên ngoài giới thiệu đặc sản, chương trình sẽ có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm, dùng thử sản phẩm, các trò chơi...

Bò khô, bánh mứt... được một đơn vị đến từ Đồng Nai mang đến chương trình - Ảnh: N.TRÍ

Bò khô, bánh mứt... được một đơn vị đến từ Đồng Nai mang đến chương trình - Ảnh: N.TRÍ

Đặc biệt, khung giờ từ 9h đến 10h mỗi ngày sẽ có nội dung hướng dẫn cách chế biến các món chè, bánh dân gian từ các miền Nam - Trung - Bắc, với sự góp sức từ các đầu bếp trong Câu lạc bộ Đầu bếp Chiếc Thìa Vàng, Trung tâm Bảo tồn văn hóa ẩm thực.

Theo ghi nhận, ngay trong ngày đầu khai mạc, lượng khách đến mua sắm, trải nghiệm nhiều giúp không khí trở nên nhộn nhịp.

Hớn hở sau khi chọn mua được 3 túi, giỏ được làm từ cỏ bàng với giá hơn 700.000 đồng, bà Hồ Thị Hoa (Q.1) tiếp tục ghé sang gian hàng bánh tráng Tây Ninh kế bên để dùng thử và chọn mua.

Hồng sấy Đà Lạt được nhiều thực khách quan tâm - Ảnh: N.TRÍ

Hồng sấy Đà Lạt được nhiều thực khách quan tâm - Ảnh: N.TRÍ

"Đến chương trình vừa được dùng thử nhiều món, mua sắm đặc sản về làm quà tặng Tết, còn tiện tham quan dinh Thống Nhất", bà Hoa vui vẻ.

Chị Trần Thị Trang, chủ cơ sở sản xuất túi, giỏ cỏ bàng Trang Phước Lộc (An Giang), cho biết mục tiêu tham gia chủ yếu kết nối, quảng bá nhưng không ngờ nhiều khách thích thú với túi, giỏ. Theo đó, đơn vị đã bán ra được hàng chục sản phẩm chỉ trong vài giờ.

Tại chương trình, với khách tham quan yêu thích sản phẩm thủ công, sẽ có khu vực do các nghệ nhân hướng dẫn để khách trải nghiệm làm tò he, các sản phẩm từ xơ mướp, cỏ bàng. Khu trải nghiệm làng nghề truyền thống, vẽ sáp ong, dệt thổ cẩm, dệt lụa của dân tộc Thái, Mông... cũng thu hút nhiều người tham quan.

Ngoài giới thiệu khăn lụa, một doanh nghiệp còn mang đến chương trình cả mô hình trồng dâu nuôi tằm, dệt vải để du khách tìm hiểu, trải nghiệm - Ảnh: N.TRÍ

Ngoài giới thiệu khăn lụa, một doanh nghiệp còn mang đến chương trình cả mô hình trồng dâu nuôi tằm, dệt vải để du khách tìm hiểu, trải nghiệm - Ảnh: N.TRÍ

Theo ban tổ chức, sự kiện năm nay chú trọng các sản phẩm từ tài nguyên bản địa, những sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm chỉ dẫn địa lý, sản phẩm nông thôn tiêu biểu của cả nước. Do đó, hầu hết được sản xuất theo công nghệ xanh, sạch, an toàn.

Sắm đặc sản Tết với giá hấp dẫnSắm đặc sản Tết với giá hấp dẫn

Với hơn 700 gian hàng đến từ 45 địa phương, hội nghị "Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2023", diễn ra từ ngày 21 đến 24-12 tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), đã thu hút nhiều người dân mua sắm thực phẩm, đặc sản.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên