13/03/2014 10:05 GMT+7

Người anh hùng giữ thềm lục địa

LÊ ĐỨC DỤC 
LÊ ĐỨC DỤC 

TT - Năm năm trước, tháng 5-2009, khi đến Lữ đoàn 171 thực hiện tuyến bài “DK1-20 năm giữ thềm lục địa”, câu chuyện về sự hi sinh của đại úy liệt sĩ Vũ Quang Chương, chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên 2A, đã gây cho chúng tôi niềm xúc động đặc biệt.

Sau đó, từ Vũng Tàu chúng tôi đã tìm về xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy, Thái Bình) để gặp gia đình anh.

UPmwREIq.jpg
Bố và mẹ của anh hùng liệt sĩ Vũ Quang Chương nhìn hình ảnh ngôi nhà giàn Phúc Nguyên 2 trong máy tính của phóng viên - Ảnh: L.Đ.Dục

Đứa con của những kỳ vọng

Về Thụy Trường, chúng tôi mới biết ông Vũ Quang Dương, bố của liệt sĩ Chương, vốn là lính đặc công đoàn 429. Cuối năm 1967, đơn vị ông hành quân vào mặt trận Tây Ninh khi vợ ông đang mang thai đứa con đầu lòng.

Sau Tết Mậu Thân, nhận tin vợ ở nhà sinh con trai, ông Dương mừng lắm, nhưng phải hơn ba năm sau, năm 1971, khi bị thương và được đơn vị đưa ra Bắc ông mới gặp mặt con - đấy là Vũ Quang Chương.

Ông cũng không hay những đứa con được sinh ra từ khi ông từ chiến trường trở về mỗi đứa đều mang một căn bệnh nào đó, chỉ có Chương, đứa con đầu được mang thai trước khi ông vào chiến trường, là thông minh và khỏe mạnh nhất. Nhưng đứa con trưởng nam - niềm kỳ vọng của gia đình ông - đã hi sinh giữa biển khơi!

Những giây phút cuối cùng

Đầu tháng 12-1998, cơn bão Faith quét qua vùng biển DK1, nơi có hàng trăm chiến sĩ hải quân đang đồn trú trên những nhà giàn chênh vênh giữa trùng khơi. Nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị bão giật sập. Đại úy Vũ Quang Chương trong giờ phút sinh tử ấy vẫn không quên bổn phận của người chỉ huy, của một người lính đối với đồng đội và Tổ quốc mình. Lo cho anh em trên giàn nhảy xuống biển xong, trước khi rời nhà giàn anh cẩn thận đóng tất cả cửa lại, bởi vì nếu không đóng cửa, khi nhà giàn đổ thì anh em sẽ bị nước xoáy hút vào bên trong, không thể thoát ra được. Rồi Vũ Quang Chương nghiêm trang ôm lá cờ đỏ sao vàng vào ngực mình, gấp lại, mang theo. Nhà giàn đổ, Chương lao xuống biển và không hề biết đó là những giây phút cuối cùng của đời mình. Lúc đó là 3 giờ 50 phút sáng 13-12-1998.

Tròn 15 năm sau, đúng vào ngày 13-12-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho đại úy liệt sĩ Vũ Quang Chương - người anh hùng đầu tiên của DK1. Lễ đón nhận vinh dự của liệt sĩ, đại úy Vũ Quang Chương sẽ diễn ra trang trọng tại Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân vào sáng 14-3-2014.

Ông Dương bảo Chương ra đi mà không kịp để lại gì. Khi hi sinh, anh đã 30 tuổi nhưng chưa vợ con, chỉ mới hẹn hò với một cô sinh viên Trường đại học Y Thái Bình.

Hi sinh rồi, thân xác hòa tan vào lòng biển lạnh. Trên bàn thờ liệt sĩ là nhành san hô được đồng đội mang từ nơi Chương hi sinh về cho gia đình.

Ông Dương đặt nhành san hô lên bàn thờ của con trai, coi nhành san hô như là xương cốt của đứa con yêu, tháng ngày chăm lo nhang khói.

Còn nhớ hôm đó, ông nói với chúng tôi: “Hiếm có đứa con nào hiếu thảo như nó. Khi nào các anh lên Đắk Lắk, ghé về thăm gia đình tôi ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắk mới thấy hết những gì mà Chương đã lo toan cho bố mẹ và các em, mới cảm nhận hết nỗi đau của gia đình tôi khi Chương hi sinh”.

“Trung” và “hiếu” của một anh hùng

Ông Vũ Quang Dương kể khi Chương học xong Trường Sĩ quan lục quân vào năm 1990, ra trường về nhận công tác tại Vùng 4 hải quân ở căn cứ Cam Ranh.

Những năm đó đi lại khó khăn, thời gian đi phép của lính không dài mà đường từ Cam Ranh về tận Thái Bình quá xa xôi cách trở. Tàu xe ngày đó để đi từ đơn vị về quê rồi quay lại trả phép mất cả tuần lễ đi đường, vì thế nhiều khi Chương vượt cả ngàn cây số mất mấy ngày nhưng về quê hôm trước, hôm sau vội vội vàng vàng quay về đơn vị vì lo trễ phép.

Ông Dương giọng bùi ngùi: “Biết là nó rất thương, rất lo cho bố mẹ ở quê khi bố đã già, mẹ và ba đứa em đều đau yếu quanh năm, nhưng muốn Chương an lòng, tôi bảo: Con nhớ gia đình thì cứ yên tâm công tác, bố sẽ thu xếp để lâu lâu vào đơn vị thăm con”.

Mấy năm ấy ông Dương vẫn còn khỏe, đi xe đò cả ngàn cây số không sao, nhưng mẹ Chương, bà Nguyễn Thị Tám, thì suy tim độ 2, teo cơ, không thể đi xe được. Chương nung nấu ý định đưa bố mẹ vào gần với mình hơn. Dành dụm lương, phụ cấp, tằn tiện chi tiêu, Chương đã mua được mấy chỉ vàng cất dưới đáy balô.

Trong một lần bố từ Thái Bình vào thăm Chương ở Cam Ranh, Chương bảo: “Bố ạ, con dành dụm từ mấy năm nay được mấy chỉ vàng, nghe trên Tây nguyên, vùng Krông Pắk dân quê mình đi kinh tế mới vào đó cũng nhiều người quen biết, bố lên đấy mua đám rẫy, dựng túp lều rồi đưa mẹ và các em vào. Mình là dân quê siêng năng chăm chỉ, thế nào rồi cũng sống được!”.

Cầm mấy chỉ vàng dành dụm của con trai, ông Dương ứa nước mắt vì thương con, đời lính gian nan ông đã từng trải qua, Chương tuy là sĩ quan nhưng cũng nghèo khó trong hoàn cảnh chung của đất nước, vậy mà...

Bây giờ thì tôi đang ngồi trong căn nhà của gia đình ông Dương, căn nhà mà như ông nói “là tất cả kỷ niệm của Chương để lại”.

Dắt chúng tôi đi vòng quanh rẫy, mấy gốc dừa soi bóng bên hồ cá, cơn gió tràn qua cánh đồng lúa đang thì con gái thơm trĩu lồng ngực, ông Dương bảo ngày ấy khi mua được mảnh đất này, cứ dịp nào rảnh rỗi vào cuối tuần, Chương lại nhảy xe đò từ Cam Ranh lên đây, cùng với bố suốt ngày cởi trần đào ao, đắp đất.

Trên một tờ giấy học sinh, Chương lên “bản vẽ quy hoạch” khu vườn cho bố, nơi nào trồng lúa, nơi nào đào ao, ngôi nhà sau này sẽ dựng ra sao, rồi nghĩ đến chuyện lấy vợ và sinh cho bố mẹ những đứa cháu nội thông minh, ngoan ngoãn. Ông Dương đưa tay trỏ vào một tấm hình đã ố mờ treo trong khung kính có đống đất cao ngồn ngộn: “Đấy là đống đất Chương đã đào cái ao này để lấy đất tôn cao mảnh ruộng làm nền nhà. Em nó vào chơi, trèo lên đống đất chụp tấm hình kỷ niệm”.

Dường như trong mảnh vườn và ngôi nhà này, góc chốn nào cũng lưu lại dấu vết kỷ niệm của đứa con trai. Khu vườn thành hình thì Chương chuyển công tác từ Cam Ranh vào Vũng Tàu và về tiểu đoàn DK1 của Lữ đoàn M71.

Dù có xa thêm một chút, nhưng quãng đường từ Vũng Tàu về Krông Pắk vẫn gần hơn rất nhiều so với về tận Thái Bình. Đấy là năm 1996, và hơn hai năm sau, cuối năm 1998, Chương hi sinh khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị sập.

Từ ngôi nhà và mảnh vườn do Chương gầy dựng này, ông Dương đã nuôi các em của Chương ăn học. Hồng, cô em gái út được vào đây học Trường Sư phạm Đắk Lắk và nay là giáo viên ở huyện Krông Pắk, đã có chồng con và lập nghiệp ở đây.

Hoa lợi trong vườn đủ cho ông Dương chữa bệnh cho vợ và gửi về giúp đỡ gia đình Chuyên, con trai thứ ba đang ở quê Thái Bình, và Phương, người em gái thứ ba của Chương cũng đang sống ổn định ở Đồng Nai.

Còn nhớ năm 2009, về tìm tư liệu ở tiểu đoàn DK1, anh em trong tiểu đoàn nói với chúng tôi: “Anh em hi sinh trên biển cũng nhiều nhưng chưa thấy ai như bác Dương. Nhiều năm sau khi Chương hi sinh, bác ấy vẫn cứ thu xếp đi lang thang dọc các làng chài, dọc theo bờ biển cả nước, những nơi Chương từng đóng quân... để tìm Chương”.

Còn mẹ của Chương bảo rằng: “Tôi vẫn chưa biết cái nhà giàn khu vực con tôi hi sinh nó như thế nào!”. May sao trong máy tính của tôi còn lưu những tấm ảnh chụp trong chuyến đi thăm nhà giàn Phúc Nguyên 2, chính khu vực mà năm 1998 nhà giàn của đơn vị Chương bị đổ. Nhìn hình ảnh ngôi nhà giàn chơ vơ trên biển, bà Tám đưa tay quệt nước mắt.

Hôm tôi lên thăm, ông Dương bảo ít hôm nữa đại diện chính quyền xã Ea Kly sẽ cùng với gia đình về Vùng 2 hải quân dự lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng của Chương.

Rồi ông Dương nói một câu khiến tôi giật mình: “Tôi nghiệm ra rằng đứa con nào hết lòng hiếu thảo với mẹ cha cũng chính là đứa con hết lòng trung thành với Tổ quốc chú ạ. Chữ “hiếu” bao giờ cũng đi với chữ “trung”. Cứ ngẫm thằng Chương con của tôi, tôi biết!”.

Khi nghe tin sẽ xây đền tưởng niệm 64 Anh hùng Gạc Ma, tôi rất vui sướng và vô cùng xúc động. Nhưng theo tôi, chừng đó vẫn chưa đủ. Như thế vẫn chưa sâu lắng. Bởi trước đó có biết bao nhiêu người đã hi sinh trên tất cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta không nên dừng lại ở đền thờ mà phải làm một công trình, một nền tảng đảo Việt Nam bằng cách dựng mới một hòn đảo bằng đá trên quần đảo Trường Sa.

TKL5xrL6.jpg
Phác thảo công trình “Nền tảng Việt Nam giữa biển” của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng - Ảnh nhân vật cung cấp

Không ai khác, những kiến trúc sư cho công trình này chính là gần 90 triệu dân nước Việt. Mỗi người chung một tay, góp một viên đá để tạo dựng nên công trình vĩ đại có dạng hình tháp với chiếc nón lá Việt Nam đội sừng sững giữa trùng khơi, trường tồn với thời gian. Và chính nơi đó sẽ trở thành “sàn trình diễn” để mọi người Việt Nam có thể đến đó dâng hương tưởng niệm, tham quan, vui chơi. Chúng ta có thể bắt đầu từ hôm nay và 5 năm, 10 năm, 100 năm sau thế hệ con cháu chúng ta vẫn sẽ tiếp tục xây dựng nó. Để rồi công trình này sẽ trở thành một hòn đảo “tưởng niệm tất cả những người nằm xuống bảo vệ cho các quần đảo Việt Nam”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Họ ở đó, 20 mùa dông bão Kỳ 2: Những người đầu tiênDK1 - 20 năm giữ thềm lục địa - Kỳ 3: Đương đầu cùng bão biểnDK1 - 20 năm giữ thềm lục địa, Kỳ 4: Đêm xé lòng: 2A đâu? 2A...Những ngọn lửa trên thềm lục địaTuyến bài ấn tượng nhất: DK1 - hai mươi năm giữ thềm lục địaCùng giữ vững chủ quyền thềm lục địa

LÊ ĐỨC DỤC 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên