21/06/2009 03:05 GMT+7

DK1 - 20 năm giữ thềm lục địa - Kỳ 3: Đương đầu cùng bão biển

LÊ ĐỨC DỤC - BÙI THANH
LÊ ĐỨC DỤC - BÙI THANH

TT - Không chỉ nhà giàn bị sập, có cả những con sóng lớn khiến tàu trực khu vực DK1 cũng bị chìm. Nhớ lại những ngày tháng ấy, những nhân chứng của DK1 mà chúng tôi gặp lại hôm nay đều không khỏi ngậm ngùi.

iVDOSpfI.jpgPhóng to

Đô đốc, tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương (thứ hai từ trái sang) ra thăm và động viên chiến sĩ nhà giàn Ba Kè A năm 1989. Đây là thời kỳ gian khổ nhất đối với lính biển DK1. Và chỉ hơn một năm sau, nhà giàn này bị đánh sập - Ảnh tư liệu lữ đoàn 171

Kỳ 1: Họ ở đó, 20 mùa dông bão Kỳ 2: Những người đầu tiên

Những liệt sĩ đầu tiên của DK1

Ở nhà truyền thống của đoàn M71 có một hiện vật nhỏ nhưng nếu ai biết rõ lai lịch sẽ thấu hiểu sự hi sinh của người lính DK1 những ngày đầu. Đấy là tấm thẻ đảng viên của liệt sĩ Trần Hữu Quảng. Hôm diễn ra lễ tưởng niệm ở thềm lục địa, tên của anh được đại tá Đinh Gia Thật, phó chủ nhiệm chính trị quân chủng hải quân, nhắc đến đầu tiên: “Đó là sự hi sinh cao đẹp của trung úy Trần Hữu Quảng - chính trị viên nhà giàn DK1/3 Phúc Tần. Khi nhà bị đổ, anh đã cùng đồng đội bơi nhiều ngày trên biển. Trong lúc sóng to, gió lớn, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sĩ yếu nhất và đã hi sinh ngày 5-12-1990”.

Anh Bùi Xuân Bổng - lúc bấy giờ là trung úy trạm trưởng DK1/3 - nhớ lại: Lúc đó khoảng 23g30 đêm 4-12, sóng mỗi lúc một mạnh dần, mặt biển đen ngòm. Sóng ập vào nhà giàn ngày càng dữ dội. Nhà nghiêng dần, nghiêng dần. Mọi vật dụng trên nhà bị xô lệch từ góc này sang góc khác. Chính trị viên Trần Hữu Quảng lệnh cho anh em mặc áo phao, sẵn sàng rời đi khi nhà giàn đổ. Nhưng áo phao chỉ còn năm cái trong khi anh em gồm tám người, những cái còn lại do lâu nay ngấm nước biển đã bị bục. Phao cứu sinh khi bơm hơi vào bị nổ, phao bè vốn làm bằng xốp độn bên trong vỏ nhôm, vừa thả xuống đã bị sóng đánh vỡ.

Khoảng 2g sáng, những trận sóng cao ngút trùm lên tận mái rồi phủ xuống khiến nhà giàn sụp hẳn. Tất cả anh em đồng loạt nhảy khỏi giàn, lao xuống những con sóng đang quăng quật dữ dội. Anh Bổng đã không còn áo phao nhưng may mắn vớ được một mảnh phao bè. Đêm mịt mùng, không nhìn thấy bóng ai, sóng biển át cả tiếng gào tên nhau của anh em, giục nhau nương theo dòng chảy ra phía nước sâu, chỗ ấy sóng êm hơn. Mảnh phao bè bị vỡ ra mà anh Bổng vớ được đã kịp được anh lao tới cho hai đồng đội là Phạm Xuân Quỳnh và Hồ Thế Công lúc đó đã đuối sức cùng bám vào.

Chiếc áo phao của anh Quỳnh bị sóng đánh rách mất một nửa. Anh Công bị say sóng sặc nước, chuẩn bị buông tay rời bè, anh Bổng phải xé vải áo buộc chặt anh Công vào mảnh phao. Dầm mình trong sóng biển thét gào từ mờ sáng cho đến suốt một ngày 5-12, nhìn xung quanh không có thêm đồng đội nào. Cũng chính trong đêm ấy, sở chỉ huy đã điều một biên đội với ba tàu lập tức tiếp cận khu vực nhà giàn bị sập để tìm kiếm anh em. Anh Bổng kể khi cả ba anh em đang bám vào phao bè suốt một ngày lênh đênh như thế, ai cũng động viên nhau cố sức bám trụ, thế nào cũng có tàu đến cứu. Tuy nhiên với sóng gió dữ dằn, lại ngâm mình trong nước biển suốt ngày, anh em đều đuối sức.

May sao, chừng 17g ngày 5-12, tàu cứu hộ HQ 711 đã phát hiện mảnh phao có ba anh em Bổng, Quỳnh, Công và tìm thấy anh Báu đang trên một mảnh phao khác. Đến 18g thì gặp anh Lê Văn Trung đang bám vào một phuy nhớt rỗng. Biên đội tàu quần đảo thêm mấy ngày trên vùng biển nhưng không thể tìm thấy Trần Hữu Quảng - chỉ huy phó chính trị, trung sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền và trung úy quân y sĩ Trần Văn Là. Cả ba anh là những người lính đầu tiên hi sinh ở nhà giàn DK1.

Đêm “cúng ông Táo” không quên

Đúng một tháng sau đó, ngày 4-1-1991, con tàu HQ 666 trong chuyến đi trực khu vực DK1 lại bị bão đánh chìm. Và biển thềm lục địa lại ôm vào lòng hai người lính hải quân quả cảm.

Thượng tá Hoàng Văn Tuyên nay là lữ đoàn phó lữ đoàn 171, còn trong trận bão nhấn chìm con tàu HQ 666 năm 1991 là thuyền trưởng. Đó là chuyến đi trực tết ở khu vực bãi Tư Chính. Tàu vừa ra điểm trực được hơn ba tuần thì đã áp tết. Khuya 22 tháng chạp, chỉ vài giờ nữa là ông Táo về trời, anh em trên tàu HQ 666 dù sóng to gió lớn vẫn phấn khởi mổ heo để cúng như phong tục ở đất liền. Heo vừa mổ xong để ở boong tàu thì bất ngờ biển động mạnh, con tàu nhồi lắc dữ dội.

Thuyền trưởng Hoàng Văn Tuyên chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất. Nhưng con tàu quá bé nhỏ so với những cột sóng cao hàng chục mét, đến 3g sáng thì tàu bị đánh lật nghiêng. Anh em trên tàu thả phao và rời tàu, tất cả đều bám được vào phao bè. Riêng thuyền phó quân sự Phạm Tảo là ngươi bơi rất giỏi đã kịp nhoài theo vừa bơi vừa cõng máy trưởng Lê Tiến Cường bơi yếu hơn. Nhà giàn lô Tư Chính vẫn có thể nhìn thấy mờ mờ trên sóng biển, với sức khỏe của mình anh Tảo nghĩ đủ sức dìu đồng đội bơi về phía đó, nhưng những cột sóng đã đánh lừa tầm mắt anh. Cuối cùng một “rái cá” như anh Tảo cũng đành chịu thua bão tố, nỗ lực dìu đồng đội của anh cũng không thoát khỏi sự dữ dội của biển cả.

Khi biên đội tàu cứu hộ đến cứu được toàn bộ thủy thủ đoàn, máy trưởng Lê Tiến Cường đã chìm vào lòng biển. Tàu HQ 713 tìm thấy duy nhất thi thể của anh Tảo, cũng chính trên tàu HQ 713 này anh Tảo đã làm thuyền phó trước khi về tàu HQ 666. Câu chuyện kể lại sau 18 năm phải dừng lại mấy lần bởi thượng tá Tuyên cố nén những cảm xúc làm anh nghẹn lại. Anh bảo: “Quê anh Tảo ở Quảng Bình, nhà báo nếu có điều kiện thì ghé ra đó sẽ hiểu thêm, anh Tảo hi sinh nhưng hoàn cảnh gia đình tội nghiệp lắm”.

Nghe câu chuyện về những người lính đã hi sinh trên thềm lục địa, mới hay sự hi sinh của các anh lớn hơn rất nhiều những điều mà chúng tôi chỉ nghe kể ngắn gọn trong những biên niên sử của đơn vị này.

Chúng tôi đã về xã Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình), những điều biết thêm về liệt sĩ thượng úy thuyền phó quân sự Phạm Tảo càng khiến chúng tôi thương quý anh hơn. Mẹ anh Tảo mất năm 1972 vì bom Mỹ khi anh lên 6 tuổi. Mười ngày sau khi mẹ anh mất, hai người em của anh cũng chết vì bom bi.

97ORDGBS.jpgPhóng to
Chị dâu của liệt sĩ Phạm Tảo bên tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của anh trên bàn thờ đơn sơ - Ảnh: Lam Giang

Ba của anh không chịu được nỗi đau quá lớn đó nên ngã bệnh thần kinh nằm liệt. Anh Tảo được người anh ruột là Phạm Văn Khất và chị dâu là Phạm Thị Hiền đưa về nuôi nấng từ đó. Khi đó, anh Khất đang là bộ đội chiến đấu tại chiến trường miền Nam, chị dâu phải tần tảo làm ăn nuôi anh Tảo lớn khôn. Học hết cấp III, anh Tảo nhập ngũ vào hải quân rồi được đưa đi học sĩ quan hoa tiêu. Năm 1984, anh được anh chị cưới cho cô vợ là người cùng làng, nhưng được hơn một năm thì người vợ này bỏ anh đi lấy chồng khác, hai người chưa có con với nhau.

Chị Phạm Thị Hiền ngậm ngùi: “Bị vợ bỏ, mỗi lần chú nớ về nghỉ phép anh chị thấy chú lủi thủi nên rất thương. Tui bảo là để tìm cho một đám khác, trước là có người chung lưng lo cho cuộc sống gia đình, sau nữa là kiếm đứa con cho vui cửa vui nhà. Mỗi lần nghe tui nói rứa là chú Tảo cứ giả lảng, nói đang phải lo công tác”. Anh Khất buồn buồn kể thêm: “Chú Tảo cứ nói chờ ra quân rồi lấy vợ luôn để tiện chăm lo gia đình một thể. Rứa rồi chú hi sinh”.

_________________

Nhà giàn đổ, tàu chìm, nhưng chủ quyền thềm lục địa của ta vẫn vẹn nguyên nơi đầu sóng. Câu chuyện về nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị đổ vào cuối năm 1998 dù đã nghe kể nhiều lần, song cứ mỗi lần nhắc lại ai cũng nghẹn ngào.

Kỳ tới: Đêm xé lòng: 2A đâu? 2A...

LÊ ĐỨC DỤC - BÙI THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên